|  Đăng nhập
Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search

 

Tiêu đề: Cõi mộng và điên trong thơ Bùi Giáng
Tác giả: Huỳnh Thu Hậu
Tấm lòng nghĩ suốt nghìn dằng dặc
Con mắt trông vào vạn dửng dưng(*)
(Cái gì ẩn dưới - Bùi Giáng)
Xin bắt đầu bài viết bằng mệnh đề “Thiên tài là người phá vỡ mọi khuôn phép”. Bên cạnh những bài thơ đẹp một cách cổ điển như Chuyện chiêm bao, Áo xanh, Ly tao, Một góc chiều Hà Nội, Mùa phượng cũ, Một buổi trưa... Bùi Giáng ám ảnh chúng ta bởi những bài thơ mới và lạ, ở những nhan đề rất độc: Trật lất, Lẻ tẻ lả tả, Lóng cóng co ro, Logos, Chà và ca, Công nương kí ức, Thôn nữ thần tiên ông điên kính chào, Vẫn là là... Đã đọc đi đọc lại bao lần, vậy mà con đường hay sợi chỉ để dẫn ta vào thi giới của Trung niên thi sĩ vẫn thăm thẳm và tuyệt không dấu vết..
Thi sĩ tự trào mình là người điên ấy xem cuộc đời là một cuộc chơi, và Bùi Giáng đã chơi cùng cái hỗn độn, cái mất trật tự, đó là cái hỗn loạn của thời đại, hỗn độn của ngôn từ, hỗn độn của tư tưởng. Trong thơ Bùi Giáng xuất hiện những kết hợp của những điều không thể kết hợp được: Hoàng hậu và cọp beo, mộng và thực, người và đười ươi, điên và tỉnh, cổ điển và hậu hiện đại, phương Đông và phương Tây, tiếng cười và nỗi buồn của sự cô đơn toàn triệt, đám đông lễ hội và cuộc viễn du một mình... Tiếng nói trong thơ ông là tiếng nói đa thanh, phức điệu. Lời thơ chỉ có một mà ta nhận ra qua đó là lời của một nhà minh triết đã nắm rõ mọi quy luật của vũ trụ, của con người, một người đã vô vi, vô ngôn trong cơn bão thời đại, là lời của một người đã yêu cái đẹp đến quên mình, lời của một người tình đơn phương, lời của một cái tôi mà những khát khao bị kìm nén bùng lên và thăng hoa thành nghệ thuật. Và mạnh mẽ nhất là tiếng cười tự trào và giễu nhại mình, rất nhiều lần thi sĩ tự gọi mình là đười ươi, là anh điên. Một kiểu điên toàn triệt để chạm đến tự do trong tư tưởng:
Điên duỗi dọc, điên ngửa nghiêng
Điên là hạnh phúc thần tiên ở đời
Điên rồi rốt cuộc hỡi ôi
Cũng đành chấm dứt lìa đời hết điên
(Dzách)
Và rạng rỡ đến phút cuối:
Sẽ nhìn thấy mãi thiên tài chết điên
(Mười Hai Con Mắt)
...Uống và say nói lăng nhăng
Miệng mồm lý nhý thằn lằn đứt đuôi
Tâm can chân thể chôn vùi
Mặt trời không mọc với người lem nhem
Còn đâu nguyệt tỏ bên thềm
Ôi người uống rượu còn thêm điên rồ...
(Người điên uống rượu)
Để những người tỉnh táo phải giật mình:
...Tôi bàng hoàng hốt hoảng những đêm đêm
Tôi xin chịu cuồng si để sáng suốt...
(Phụng hiến)
Những từ cuồng điên, cuồng si, cuồng dại, khùng... xuất hiện với một mật độ khá dày trong thơ Bùi Giáng... Cuồng, điên (crazy) là một trạng thái loạn thần kinh. Theo Freud và K. Jung, đó là sự trỗi dậy của những khao khát bị ức chế. Trong lịch sử văn chương từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, hình tượng người điên lại là những người sáng suốt nhất để nói cho nhân loại những bí mật và những điều minh triết, từ Hamlet giả điên của Shakespeare, đến nhân vật người điên trong “Nhật kí Người điên” của Lỗ Tấn. Trung niên thi sĩ cuồng điên để “khải huyền” cho chúng ta về sự mong manh của thân phận, sự cô đơn của những tư tưởng lớn, của thiên tài.
Cõi mộng và cõi điên trong thơ Bùi Giáng là cõi của giấc mơ yêu và được yêu. Thơ của Trung niên thi sĩ là sự thăng hoa của những khao khát cháy bỏng, những ham muốn bị đổ gãy trong đời thực. Những giấc mơ yêu đầy hoan lạc trong thi giới cuồng ngôn. Nhà thơ đã viết một loạt bài về chuyện chiêm bao. Hai lăm bài theo một nguồn mạch và rải rác có mặt trong các tập thơ về cõi mộng. Cõi mộng hay chiêm bao ấy gắn liền với hình ảnh của em, của người đẹp làm trái tim thi nhân đảo điên, cuồng si.   
Người đẹp trong thơ Bùi Giáng là những nàng thôn nữ, tiên nữ và đặc biệt là em mọi, hay nàng Marilyn More, Brigitte Bardot, Emily... Đó là những vẻ đẹp khiêu khích mọi định kiến. Dù có là gì đi chăng nữa đó cũng là từ một nguyên mẫu mà ra. Người trong mộng mà thi sĩ hằng yêu đơn phương, yêu đến si mê và cuồng dại. Không có được tình yêu của em trong đời nên Bùi Giáng yêu những ảnh ảo phản chiếu từ bóng hình kia. Yêu cả lúc tỉnh lẫn lúc say, lúc còn trẻ cũng như khi đã lóng cóng co ro (chữ của Bùi Giáng). Trong thơ ông, em là biểu tượng của cái Đẹp - một cái đẹp tràn đầy sức sống, tự nhiên và phóng khoáng. Em cũng là biểu tượng của vô thức, của phần bóng tối trong bản năng của con người. Hơn một lần Trung niên thi sĩ đã gọi tên Brittee trong thơ mình. Nhà thơ khóc khi Marilyn More qua đời. Vẻ đẹp của em trong thơ Bùi Giáng gắn liền với khao khát ái ân, sự thăng hoa của hai tâm hồn và thể xác để được tái sinh dưới trời xanh mây trắng. Nhà thơ đặc biệt bị quyến rũ và ám ảnh bởi đôi mắt và bờ môi của những giai nhân:
Em có nụ cười buồn buồn môi mọng
Em có làn mi khép lá cây rung
Em có đôi mắt như sầu xanh soi bóng
Hồ gương ơi! sao sóng lục vô chừng!

Con mắt ấy có gieo buồn rớt lệ
Trên nẻo đường lạnh lẽo lối lang thang
Môi thắm ấy mấy lần thao thức kể
Với đèn khuya vò võ mộng khôn hàn
(Ly tao I)
Vì con mắt một lần kia đã ngó
Giữa nhân gian bủa dựng một màu trời
Đài vũ trụ hồn chiêm bao rạng tỏ
Một nụ cười thế giới sẽ chia đôi
(Ly tao II)
Hơn thế nữa, dáng em trong thơ cũng rất lạ và độc:
Em nằm duỗi dọc dưới trời ngủ yên
(Chuyện chiêm bao 25)
Này là em và những giấc mơ yêu đầy hoan lạc, dẫn dụ:
Chép tờ sa mạc sầu tuôn
Muộn trồng ân lộc mưa nguồn éo le
Đường sâu hun hút khôn dè
Khe dồn làn giậy, mép hoe hoe vàng
Cập bờ kỳ ảo thiên cang
Vết hoen rỉ dấu rìa hoang sũng dầm
Thập thành nguyện ước tuyền lâm
(Cô nương kí ức)
Diệu kỳ thay! giấc mộng dài
Tận cùng bờ bến thiên thai ghé về

Gặp em khắp mặt sơn khê
Em thành tiên nữ đề huề tiên nương

Gặp em ở khắp phố phường
Em thành thơ mộng thôn nương thôn làng
(Uống xong về ngủ chiêm bao thấy gì)
Những thi ảnh huyền thoại và lung linh trong thơ Bùi Giáng được tạo nên từ những liên tưởng và kết hợp không biên giới. Người đọc rung động và say mê bởi sự quyến rũ của cánh mộng tung lên, trời xanh tay với, sương Hy Lạp phượng lên mù hay biển dâu sực tỉnh sơn hà-còn sơ nguyên mộng sau tà áo xanh, hay những thi ảnh mà nhà thơ lấy cảm hứng từ văn học nước ngoài.
Còn ở lại một ngày còn yêu mãi
Còn một đêm còn thở dưới trăng
Thì cánh mộng còn tung lên không ngại
Níu trời xanh tay vói kiễng chân cao
(Phụng hiến)
...Đi khắp càn khôn vũ trụ nào
Biển về đâu lại gãy ngàn sao
Con đường đổ lộn chôn và lấp
Tơ tóc liên tồn tập tuyết mao
(Emily)
Hai bờ mép hai bờ miền
Ruộng nương ký ức cuồng điên giậy thì
Sa trường khoảng khắc lâm ly
Sát na đột ngột điều quy điệp trùng...
(Kỷ niệm Penthésilée )
Rêu tri phủ xuống hiên xanh
Một bầy chim én vây thành sang thu
Sương Hy Lạp phượng lên mù
Ba mươi thế kỷ cầm dù dưới mưa
(Logos)
Nghe trời đổ lộn nguyên khê
Tiếng vàng rụng rớt gieo về động xanh
(Cỏ hoa hồn du mục)
Thơ Bùi Giáng còn gây ngạc nhiên vì lối phá cách của ngôn từ:  vui vĩnh viễn, điên rực rỡ, lẻ tẻ lả tả, mọi em em mọi, thênh thang là là, anh sực nhớ, anh sực nghe, bất ngờ, bất thình lình, đường hở hang, khóa chặt đời chưng hửng, trời dửng dưng, trật lất, cô em kí ức... Tất cả đã kiến tạo nên những thi ảnh vô cùng ám gợi, dị thường.
Ngưỡng mộ và được thăng hoa khi bước vào thi giới của Trung niên thi sĩ, đau đáu đi tìm một con đường riêng trong cõi mộng và điên kia, càng thêm yêu mến nhân cách và tài năng thiên phú của một người đã đến và đã yêu cuộc đời này trong từng huyết mạch:
Tôi đã nguyện yêu trần gian nguyên vẹn
Hết tâm hồn và hết cả da xương

Xin yêu mãi yêu và yêu nhau mãi...
Trần gian ôi! cánh bướm cánh chuồn chuồn
(Phụng hiến)
H.T.H
Quay về
Văn
Bài thơ sông núi
Tình cha
Khuya xa
Ám ảnh thu
Người viết điếu văn cho mình
Thơ
Vòng tay bất tử
Ghi chép dọc đường
Câu Lâu
Mẹ kế
Người dưng
Cánh đồng khói
Tác phẩm
Thiền
Lệ phố
Thu và em
Ngộ
Thời vụ
Rót tiếng guitar
Em viên mãn anh sợ mình nông nổi
Cháy
Chỉ là
Sau những ngày rối loạn tiền đình
Sông bấc
Giọt sương
Thôn nhỏ
Ở đây
Yêu thầm
VĨNH BIỆT NHÀ THƠ VŨ MINH
Nghiên cứu-Lý luận-Phê bình
Cõi mộng và điên trong thơ Bùi Giáng
Đọc Gác chân lên cô đơn
Một tâm hồn thơ Hội An
Một thoáng Vũ Minh
TRÀ DƯ TỬU HẬU
Những vần thơ... nghịch
Văn học-Học văn
Lời hứa
Nhip sống văn nghệ-Hộp thư
Nhịp sống văn nghệ
Hộp thư