|  Đăng nhập
Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search

 

Tiêu đề: THƠ VÀ CÁC SINH THÚ KHÁC TRONG TRUYỆN KIỀU
Tác giả: Trần Ngọc Hồ Trường


Hầu như trong mỗi sự kiện, gồm cả các sự kiện nội tâm trong Truyện Kiều, các nhân vật đều dùng tới thơ ca và các sinh thú khác là cầm, kì, thi, họa, đàn, địch. Chúng hiện diện khắp nơi trong truyện. Kiều và các nhân vật khác nhiều lần làm thơ, đàn ca, vẽ họa và đánh giá, bình phẩm thơ ca, tiếng đàn, bức tranh, chữ viết của nhau. Phục dựng, phác vẽ lại các sinh hoạt thơ ca và các sinh thú khác trong truyện, sẽ thấy được vai trò, ý nghĩa, chức năng của thi ca, nhạc họa trong cuộc sống hàng ngày của các nhân vật trong truyện nói riêng và của người trung đại nói chung, đồng thời cũng cho thấy quan niệm của Nguyễn Du về người tài tử, các đặc điểm cần có khi gọi một nhân vật là nhân vật tài tử.

Thơ có một chỗ đứng quan trọng, nếu không nói là bậc nhất, đối với mỗi cá nhân và trong cuộc sống thời trung đại. Trong Truyện Kiều, người ta ước định giá trị của một con người qua khả năng thơ của người đó. Mã Giám Sinh “cân sắc cân tài” Kiều bằng cách yêu cầu Kiều làm thơ (Ép cung cầm nguyệt thử bài quạt thơ). Người ta chỉ công nhận một người nào đó là có giá trị khi người đó có tài thơ. Sau khi nghe Kiều đàn và đọc thơ Kiều, Mã Giám Sinh mới “mặn nồng một vẻ một ưa”... Nhan sắc và tài năng, trong đó có tài thơ và tài đàn của Kiều “thơm nức hương lâu”, “nổi tiếng cầm đài” (Rằng nghe nổi tiếng cầm đài/ Nước non luống những lắng tai Chung Kỳ). Hầu như ai cũng muốn được thưởng thức lời thơ tiếng đàn của Kiều. Kim Trọng muốn được Kiều đề vịnh cho tranh của mình (Sinh rằng: “Phác họa vừa rồi/ Phẩm đề xin một vài lời thêm hoa”), ông quan tài tử xử kiện, Hoạn Thư, Hồ Tôn Hiến... đều muốn được nghe Kiều đàn, được đọc thơ của Kiều. Tiếng tăm về tài thơ của Kiều vẫn còn âm vang trong dư luận. Đã “ngoại mười niên” kể từ khi nàng không còn ở Lâm Tri nữa nhưng họ Đô vẫn còn nhớ rất rõ: Thúy Kiều tài sắc ai bì/ Có nghề đàn lại đủ nghề văn thơ. Khả năng thơ của Kiều không chỉ được bộc lộ qua các miêu tả của người kể chuyện mà còn qua ngôn ngữ, lời nhận xét, lời kể của các nhân vật khác. Đạm Tiên gọi thơ Kiều làm ở bãi tha ma là “ném châu gieo vàng” (Mấy lời hạ tứ ném châu gieo vàng). Thơ Kiều vịnh từ các đề bài Đạm Tiên đưa ra, theo Đạm Tiên, cũng là “tú khẩu cẩm tâm”, như gấm như thêu (Xem thơ nức nỏm khen thầm/ Giá đành tú khẩu cẩm tâm khác thường). Ông quan xử kiện tài tử thì đánh giá rất cao thơ Kiều (Khen rằng: “Giá đáng Thịnh Đường”). Cũng vậy, Kim Trọng so sánh thơ Kiều với thơ của các tác giả danh giá cổ xưa (Khen: “Tài nhả ngọc phun châu/ Nàng Ban ả Tạ cũng đâu thế này”). Trong khi đó, Hoạn Thư sánh chữ viết của Kiều với chữ của nhà thư pháp nổi tiếng nhất Trung Hoa cổ xưa (Khen rằng: “Bút pháp đã tinh/ So vào với thiếp Lan Đình nào thua!”). Ở đây cần nói rõ hơn về chữ viết đối với người trung đại. Theo họ, chữ viết là do thánh nhân sáng tạo ra và truyền lại, do đó chúng linh thiêng. Trong lịch sử văn học, người ta lưu truyền chữ của kẻ có chữ viết đẹp. Ngoài ra, còn có tục cho chữ, xin chữ, bán chữ ở chợ búa, có nghệ thuật thư pháp. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du không nói “tài”, “mệnh” mà nói “chữ tài”, “chữ mệnh”, vì chữ mang trong chúng không chỉ ngữ nghĩa mà còn là sự linh diệu. Ông cũng nói đến “cảo thơm”, “cổ lục”, “sử xanh”, là những yếu tố có liên quan đến chữ nghĩa. Như vậy, tài năng của một con người được biểu hiện ra ở chữ viết tinh tuyền, đẹp đẽ.

Thơ được đánh giá rất cao của Kiều là thơ như thế nào, có đặc điểm, diện mạo ra sao? Đó có phải là thơ như thấy trong Kim Vân Kiều truyện hay không? Chắc chắn là không, vì thơ Kiều trong cuốn tiểu thuyết đó không có gì là đặc sắc, thậm chí “thường thường bậc trung”. Có thể nói, Nguyễn Du chỉ vay mượn duy nhất cốt truyện của cuốn tiểu thuyết của Thanh Tâm Tài Nhân, còn lại, các thành tố khác đã được biến đổi đi rất nhiều. Từ chủ đề cho đến các yếu tố khác như mùi vị, âm thanh, biểu tượng, cung cách xưng hô (đại từ nhân xưng), tính cách nhân vật... đều đã khác hẳn với bản gốc. Cũng thế, thơ Kiều trong suy nghĩ của Nguyễn Du, là những áng thơ tuyệt phẩm nào đó, không phải là thơ trong cuốn tiểu thuyết ông vay mượn. Là nhà thơ tài hoa và có bình thơ, Nguyễn Du không thể nào xem thơ Kiều là thứ thơ trong sách của Thanh Tâm Tài Nhân. Kiều và tài thơ của nàng đối với Nguyễn Du khác với Kiều và thi tài của nàng trong Kim Vân Kiều truyện.

Thời trung đại, tài thơ được xem như thuộc tính của một tài năng. Nói ai đó tài năng là nói người đó có tài văn chương. Tài đó phải được thể hiện trong ứng đối, giao tiếp hàng ngày và trong những lúc có tâm trạng, cảm xúc. Kiều làm thơ trước mộ Đạm Tiên, Kiều đề vịnh tranh Kim Trọng hay Kiều làm thơ vịnh cái gông trong phiên xử mình ở công đường... là những thí dụ. Trong Truyện Kiều, người có thi tài thường biểu lộ cái tài ấy một cách nhanh nhạy, có thể vẩy bút thành thơ, như “gió táp mưa sa”. Trường hợp Kiều làm thơ sau khi Đạm Tiên ra đề là vậy (Tay tiên một vẩy đủ mười khúc ngâm). Thơ trong nhiều trường hợp có mang đến hiệu quả nhãn tiền. Ông quan xử kiện tác hợp cho Kiều - Thúc Sinh là bởi Kiều hay thơ. Ở các dịp khác, các nhân vật trong truyện cũng giao du, ứng đối bằng thơ, nhạc. Thơ là phương tiện để thể hiện cảm xúc, khi thương cảm, đau lòng, khi đối diện với cảnh vật hữu tình, khi cảm vật, xúc cảnh, do đó, thơ được xem như một cách để tỏ bày. Kiều làm thơ trước Lầu Ngưng Bích, trước mộ Đạm Tiên là như thế. Các nhà nho thường dùng thơ để cảm tạ khi được đưa tiễn, được tiến cử, được cho tặng... Trong Truyện Kiều, Kiều làm thơ để tạ lòng. Ở mộ Đạm Tiên, sau khi nhân vật này hiển linh, Kiều “Tạ lòng, nàng lại nối thêm vài lời”. Trong đêm trăng sáng, tĩnh lặng sau buổi tảo mộ, Kiều làm thơ để tỏ bày, ngụ tình (Nên câu tuyệt diệu ngụ trong tính tình). Thơ không phải bao giờ cũng được dùng cho các dịp nghiêm túc, nó còn là một thú chơi, một kiểu chơi (văn hí). Trong Truyện Kiều, thơ có lúc được dùng để ve vãn, như việc Sở Khanh “họa vần” Kiều ở Lầu Ngưng Bích (Chung quanh những nước non người/ Đau lòng lưu lạc nên vài bốn câu/ Ngậm ngùi rủ bức rèm châu/ Cách tường nghe có tiếng đâu họa vần) hay chuyện Thúc Sinh hưng phấn “thảo một thiên luật Đường” khi thấy Kiều tắm khỏa thân. Nhờ tiếng thơ mà có sơ giao. Thơ gây được ấn tượng tốt đẹp cho buổi ban đầu. Kiều nghe Sở Khanh “họa vần” mà nghĩ anh ta cũng thuộc “mạch thi hương” nên có cảm tình, dù là lầm lẫn.

Trong Truyện Kiều, cơ hồ như trong mọi trạng huống, người ta đều dùng thơ nhạc để phát ngôn, để tỏ bày, để chơi. Rất nhiều nhân vật biết xướng tùy, ngâm nga, đề vịnh và biết thưởng thức thơ nhạc. Thậm chí khách làng chơi ở lầu xanh cũng chơi thơ với Kiều. Nếu không như thế thì Kiều “Đòi phen nét vẽ câu thơ” ở đó với ai? Cùng với lời khấn vái, nhang khói, tiếng khóc thì thơ cũng là phương tiện để nối thế giới siêu hình và trần gian, giữa cõi âm và cõi dương. Đó là trường hợp Kiều có thơ vịnh ở bãi tha ma. Đêm đó, Đạm Tiên đến trong giấc mơ Kiều và chỉ nhắc duy nhất tới thơ Kiều đã làm ở đó. Thơ hay có khi sẽ bị lận đận. Đạm Tiên nghĩ thơ Kiều đáng được “trao giải nhất” trong Hội đoạn trường (Ví đem vào tập đoạn trường/ Thì treo giải nhất chi nhường cho ai). Nhưng thơ hay cũng có khi sẽ được hạnh phúc, có nhiều ân huệ. Kim Trọng khen thơ Kiều và nói “Phúc nào nhắc được giá này cho ngang”. Ở đây, thậm chí không có hạnh phúc nào có thể sánh với tài thơ của Kiều.

Không chỉ có thơ, không khí trong Truyện Kiều còn thấm đẫm chất nhạc, chất họa, các sinh thú cầm kỳ, phong nguyệt. Cần phác họa lại cái không khí này qua nhân vật tài tử Kim Trọng và một số nhân vật khác. Không gian nơi chàng Kim cư ngụ, hành chức, các quan hệ ứng xử với Kiều của chàng cùng các sinh hoạt khác đều đậm màu sắc thi nhạc, thi họa. Kim Trọng trở về nhà mình sau khi gặp gỡ Thúy Kiều là trở về với “thư song” (Chàng Kim từ lại thư song), phòng của chàng là “phòng văn” (Phòng văn hơi giá như đồng), có bút giá, ống đựng thơ (Trên yên bút giá thi đồng), cái hiên nơi tình tự giữa chàng và Kiều là “thư hiên” (Sánh vai về chốn thư hiên). Kim Trọng không chỉ có tài năng văn chương mà còn thông thạo đàn địch, hội họa. Chàng cũng là họa sĩ, có vẽ tranh (Đạm thanh một bức tranh tùng treo trên). Khi chuyển sang nhà vị thương gia để trọ, chàng mang theo đàn (Túi đàn, cặp sách đuề huề dọn sang). Đó cũng là nơi có non bộ, giả sơn, cây cảnh (Có cây có đá sẵn sàng). Kim Trọng khi đã ra làm quan vẫn không quên “tiếng hạc, tiếng đàn” (Cầm đường ngày tháng thanh nhàn/ Sớm khuya tiếng hạc, tiếng đàn tiêu dao). Đây là cảm nhận riêng của Nguyễn Du về các thú tiêu khiển của tài tử, không được nói tới trong tiểu thuyết của Thanh Tâm Tài Nhân.

Người trung đại trong Truyện Kiều khi mến thương nhau, nhất là trong tình cảm giữa các tài tử, thường dùng văn thơ, thi họa để vui thú (Kiều đề thơ cho tranh Kim Trọng, chơi đàn cho chàng nghe, hai bên bình tán nhau). Ở lầu xanh vẫn có các sinh hoạt mỹ miều của tài tử và khách làng chơi (Đòi phen nét vẽ câu thơ/ Cung cầm trong nguyệt, nước cờ dưới hoa). Cũng ở lầu xanh, Kiều và Thúc Sinh lấy phong nguyệt, thi tửu, cầm kỳ là thú chơi (Khi gió gác, khi trăng sân/ Bầu tiên chuốc rượu, câu thần nối thơ/ Khi hương sớm khi trà trưa/ Bàn vây điểm nước, đường tơ họa đàn). Không gian tồn tại của tài tử, như thế có đặc trưng riêng, rất nghệ sĩ. Lầu xanh - nơi giam cầm là thế và Quan Âm các, một nơi giam giữ khác cũng “có thảo thụ, có sơn hồ”, đậm màu sắc tiêu dao, kỳ thú. Kim Trọng và Kiều có đủ các sinh thú của thời trung đại sau cuộc đoàn viên: Chẳng trong chăn gối cũng ngoài cầm thơ/ Khi chén rượu, khi cuộc cờ/ Khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên. Đây là các thú vui của nhân vật mà Nguyễn Du đề cập tới, không thấy nói trong Kim Vân Kiều truyện. Do vậy, theo quan niệm nhà thơ, thi tửu, hoa nguyệt là cái phong vị, cái thú không thể thiếu của người tài tử. Các thú chơi ấy phù hợp với bản tính của tao nhân.

Thơ tửu, đàn nhạc, trăng gió trong Truyện Kiều làm cho truyện có sắc màu của sự phong nhã, hào hoa đầy thi vị và sự tùy hứng. Khi chúng là các lạc thú, để chơi thì không khí truyện có thêm màu sắc ngả ngớn, thậm chí là ỡm ờ. Truyện Kiều không chỉ là cuốn tiểu thuyết tâm lý, diễm tình mà còn có không khí phong tình, là sự diễn đạt các lạc thú, các sinh thú. Nó thể hiện phong vị của các nhân vật tài tử. Nói Kim Trọng, Kiều... là tài tử bởi họ có bản tính tài tử, luôn lấy thi cầm, thi tửu làm phương tiện để tiêu khiển, để bộc bạch cảm xúc, sự rung động. Mục đích của thơ, giá trị của thơ, cảm hứng khi sáng tác thơ, chức năng thơ... trong Truyện Kiều có thể dùng để minh họa cho lý luận về thơ của lý luận văn học trung đại. Đọc Truyện Kiều không chỉ để đồng cảm, thương mến, ngạc nhiên mà còn để hiểu biết về cuộc sống, sinh hoạt, các sinh thú của nhân vật, của con người thời đại Nguyễn Du sống.

T.N.H.T

Quay về
VĂN
BIỂN HÁT
SÁNG ĐẦY HƯƠNG GIỮA MÙA SEN
NHÀ VĂN NGUYỄN CHÍ TRUNG LÝ TƯỞNG, NHÂN CÁCH, SÁNG TẠO
BÉ MỌN
VIỆT AN CỐ SỰ
THƠ
TƯỢNG ĐÀI VĨNH CỬU
GIỌT THỜI GIAN
VIẾT BÊN MỘ NHÀ THƠ NGUYỄN MỸ
CHỊ ƠI!...
THỂ NGHIỆM HÈ
LỜI SÓNG
TIẾNG HÁT THỜI GIAN
BẢN GIAO HƯỞNG MÙA HÈ
NGÔI LÀNG XƯA
HOA BÂNG KHUÂNG
NGÀY ẤY
NHỚ
QUA CHIỀU THẠCH HÃN + XÓM KHÔNG CHỒNG
EM VÀ MÙA HẠ + NGỌN LỬA
GIÓ CŨNG SANG SÔNG + BỀNH BỒNG SƯƠNG MAI
NGẪU HỨNG 3 CÂU + LỜI RU TRÊN SÔNG
VA CHẠM + NẾP NHĂN VĨNH CỬU
LÁ ĐA + CẦN KIỆM MO
CÂU CHUYỆN CỦA LÀNG
NGHIÊN CỨU - LÝ LUẬN - PHÊ BÌNH
THƠ VÀ CÁC SINH THÚ KHÁC TRONG TRUYỆN KIỀU
HÌNH TƯỢNG GIẾNG NƯỚC TRONG CA DAO
TRÀ DƯ TỬU HẬU
CÀ KÊ CHUYỆN... CHỬI!
VĂN HỌC - HỌC VĂN
DẰNG DẶC NỖI HOÀI HƯƠNG...