|  Đăng nhập
Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search

 

Tiêu đề: ANH NGUYỄN KHẮC PHỤC, VÀI KỶ NIỆM
Tác giả: Phùng Tấn Đông


Anh Nguyễn Khắc Phục giờ đã về miền mây trắng hay “miền xa thẳm” như tên gọi một ca khúc của nhạc sĩ Đức Trịnh khi viết về miền sương khói của linh hồn những người lính. Mà anh dường cũng “đi” theo cách của những người lính vậy. Kiên trì, lặng lẽ với nỗi đau, khát sống và khôn nguôi hy vọng “chiến đấu” cho đến những thời khắc cuối. Lại nữa, anh là một người “lính văn nghệ” nên cũng vận vào câu “mỹ nhân tự cổ như danh tướng/ bất hứa nhân gian kiến bạch đầu” (người đẹp từ xưa như danh tướng/ chẳng để nhân gian thấy bạc đầu). Những ngày đau nằm Viện Quân y 103 - khi bệnh trở nặng, theo người nhà kể lại - anh đòi giăng kín mùng mền vì “chói mắt” - chắc là sợ bạn bè, anh em hay những “hồng nhan tri kỷ” thấy mình “lệt xệt”, thấy mình “xuống cấp”. Còn đâu những ngày trai trẻ, đi như cuồng, viết như điên, nói như dao chém, sắc sảo, thâm trầm. Còn đâu một trí nhớ thuộc loại “quý hiếm” hay như người xưa nói là “cường ký”, và một phong cách bụi bặm mà lành sạch, một nụ cười hiền với đôi mắt “có đuôi”, thân gần mà không suồng sã.

Tôi đọc anh sau 1975, đọc thơ “Đà Nẵng - thành phố rốc-kết”, thành phố “những tâm hồn du kích”, đọc đã thấy anh “lạ” trong cách nói mà sau này bạn bè hay khen là “người có chữ”. Được biết khi vào chiến trường Quảng Đà những năm 70 thế kỷ trước anh có trường ca “Ăn cốm giữa sân”, kịch “Vườn thầy Năm”. Sau đó anh rất ít sáng tác thơ mà tập trung cho tiểu thuyết, kịch bản phim và sân khấu. Bộ ba tiểu thuyết “Bay qua cõi chết” với “Học phí trả bằng máu”, “Đầu sóng”, “Thành phố đứng trước biển” đã làm nên tên tuổi Nguyễn Khắc Phục. Văn phong anh mới mẻ, mạnh bạo, một giọng điệu vừa thơ mộng vừa có tính “triết luận” nhiều gọi mời tính “tương tác” ở người đọc do anh “tham chiếu” sự kiện, hình tượng nhiều chiều... Trong nhiều chương đoạn tiểu thuyết, văn anh thật “khốc liệt”, “bi tráng”, những “thắt nút” cuồng nộ mở ra những “mở nút” bão giông, ngoài sức tưởng tượng bình thường - những bi kịch “hiện đại” của con người thời chiến không phân biệt phe nào... Một tham chiếu mang tính “tâm lý đám đông vùng miền” hơi vội, chưa giới thuyết rõ cũng như người đọc có phần nào ngộ nhận giữa “hồi ký” và “tiểu thuyết”, giữa hư cấu và phi hư cấu đã làm cho “Học phí trả bằng máu” bị “kết án”, bị đốt. Cuộc ấy xảy ra ở Huế giữa những năm 80 có tôi dự khán và với chỉ một ý kiến “nên có một cuộc hội thảo thật sự khoa học về tác phẩm” đã bị một anh “phong trào” túm áo đòi đánh (sau này anh ấy xin lỗi, anh em lại là “anh em”). Về Đà Nẵng những năm 90 gặp anh Phục, tôi và anh cũng tranh luận với nhau về tính cách “vùng miền” và nhất trí tạm thời “khoanh” chuyện đó lại vì lúc đó - anh em khuyên “không nên đổ dầu vào lửa” vì chuyện cổ động viên hai đội bóng bên hai phía con đèo Hải Vân cũng đang “dậy sóng”...

Năm 1992 anh về Đà Nẵng làm một phim về “Thơ trẻ Quảng Nam-Đà Nẵng” cho Đài Truyền hình Đà Nẵng, anh mời tôi tham gia. Hôm tôi đến theo lời hẹn, anh đang “chống nắng” hè bằng cách cởi trần quần cộc trong căn phòng ở Hội Văn nghệ QN-ĐN, rồi cứ tưởng tôi đến một mình, cứ thế mời vào. Đâu ngờ tôi đi với một thằng bạn lính “người Đà Nẵng gốc Huế”, hắn đang cơ sương sương, cứ đứng “chửi” hồn nhiên rằng anh Phục “mất lịch sự”, rằng dân “viết sách” mà coi thường bạn đọc v.v... Tôi cố thanh minh, không ngờ anh Phục lập tức vùng dậy “quần áo chỉnh tề”, miệng cứ “tù tì” xin lỗi. Lúc ra về anh còn mang sách tặng bạn, bạn tôi nói, “tay này được, biết nhận lỗi, mình tha cho lão”. Hơn hai chục năm sau, gặp lại tôi kể chuyện “tha” ấy, anh Phục cười lớn rồi nói “anh sợ chiến tranh mà em”. Anh mê thơ Bùi Giáng, mê thật sự -hay nói như Phạm Xuân Nguyên- là “đọc” có văn hóa và trong một cuộc nhậu nghèo bên sông Hàn thủa đó, anh đã “bao” cho anh em bằng cách nói “trả nhuận chép” cho anh em vì công chép thơ họ Bùi vào cuốn sổ tay anh mang theo. Sau này anh có kịch bản “Giũ áo mù sa” viết về Bùi thi sĩ đúng như lời hứa.

Anh yêu Quảng Nam, yêu Đà Nẵng. Nhà báo Hoàng Hải Vân cảm nhận sau lần gặp anh đầu tiên vào năm 1974 tại căn cứ Xuyên Trà, đặc khu Quảng Đà: “Anh là nhà văn miền Bắc đầu tiên mà tôi được gặp... anh vẫn là anh Nguyễn Khắc Phục năm xưa: nụ cười tươi với mấy cái răng cửa bám đầy khói thuốc lá, đôi mắt sáng, giọng nói hào sảng và tâm hồn trong veo”.

Anh thường đi, về với đất Quảng. Khi thì về viết tiểu thuyết, khi thì về làm giám khảo điện ảnh, viết kịch bản, đạo diễn phim. Mười năm trước, khi gặp lại tôi trong một cuộc họp cuối năm ở báo Quảng Nam, anh nhầm tôi với bạn anh - anh Hoàng Công Khảm, tôi nói anh Phục ơi, anh “già” nhanh rứa, anh nói ừ, trí nhớ không được như trước, “lão lai tài tận” (già đến tài mòn) mà em.

Rồi anh về làm loạt phim tài liệu “Mẹ Thu Bồn” với Đài Phát thanh-Truyền hình Quảng Nam, anh em lại có dịp ngồi lại với nhau. Anh như trẻ lại sau khi có vợ mới trẻ hơn tròn 30 tuổi. Vô quán món đầu tiên anh quan tâm là mì Quảng. Trang Thanh - vợ anh nói “lại mì Quảng”, anh nói anh đã ăn suốt ba ngày nay, sáng, trưa, chiều chỉ độc một món mì Quảng với một lý do duy nhất là thèm từ khi ở trên núi, từ ngày ăn mì Quảng đầu tiên. Anh định làm một serie phim về cái chết của người Quảng Nam, những Hoàng Diệu, Ông Ích Khiêm, Nguyễn Duy Hiệu, Phan Bá Phiến, Trần Quý Cáp, Thái Phiên, Trần Cao Vân... Anh gặp anh em trong ngành văn hóa Hội An với một tâm nguyện làm sao giữ cho được một Hội An thân thiện, lành sạch, yên tĩnh với triết lý “sống chậm”.

Nhớ câu chữ Xuân Ba khi viết về anh, rằng “tạo hóa lưu nhân” và “tạo hóa cũng liêu nhân”, trời phù trợ người tài, trời cũng trêu đùa thân phận người tài, đang hồi hạnh phúc, vạn sự hanh thông thì ai ngờ bạo bệnh. Tiểu thuyết “Hỗn độn” - tiểu thuyết cuối cùng của anh đọc rất đã, rất chi là “thống thiết” như tiếng hót cuối cùng của con chim “đến từ núi lạ”. Anh đã là chính anh từ trong “hỗn độn” mà về “hỗn độn” như cuộc đời vốn dĩ, phải vậy không anh Phục? Bình sinh anh đã từng chia sẻ về cái nghiệp viết lách này, rằng “quý hồ tinh bất quý hồ đa”, anh đã chuyển từ “tư duy sử thi” sang “tư duy tiểu thuyết” một cách tài hoa ở cuốn sách cuối cùng.

Nhớ anh - những thước phim bị “cắt cúp”, những “xen” hay trong các kịch bản bị “lược bỏ” như “không gian Trường Sơn với thơ Phạm Tiến Duật” ở Viện 108 trước khi nhà thơ Phạm Tiến Duật mất, rồi những trường đoạn trong kịch bản lễ hội nghìn năm Thăng Long nữa. Anh kể về một tuổi thơ buồn, về thành Nam, về bến đò Cựa Gà, về những phận người trong và sau chiến tranh... Bữa rượu cuối bên sông Thu Bồn có anh em trẻ, có những người bạn hồi ở cứ như Lê Đức Hùng, Ngô Quy Nhơn, anh em ngồi cười vì kể chuyện tiếu lâm Quảng Nam khiến anh phải xin thôi vì cười “đau hết cả mồm”. Non tháng sau đã nghe anh bị “trời kêu”...

Rồi sẽ một ngày như đã hẹn - sẽ ghé xem tranh nơi căn nhà thuê trọ của vợ chồng anh...

P.T.Đ


Quay về
VĂN
NGƯỜI GIEO TRỒNG KÝ ỨC
NẮNG CỦA ẤU THƠ...
DƯỢNG ÚT
MẶT TRỜI VỪA RỤNG
THƠ
LÀNG BIỂN
ĐÊM HÈ
CÁI BÍM TÓC
THỨC
CHẠM
RIÊNG MANG
NGÀY ĐÃ XA
KHOẢNG LẶNG
ĐỈNH SÓNG
HOA CỎ MAY VÀ CHỊ
DẦN TAN
MA TRƯỜNG
NGƯỜI KHÔNG BIẾT NHỚ + VẾT CỨA
PHÍA BÊN KIA + KÝ SỰ VỀ NHỮNG CON ĐƯỜNG
THÌ THÔI... + NHỮNG TRỐNG KHÔNG
EM VÀ LỤC BÁT + KHÁT
VĂN HỌC NƯỚC NGOÀI
NHÀ BẾP
NGHIÊN CỨU - LÝ LUẬN - PHÊ BÌNH
CHẤT TƯỢNG TRƯNG TRONG NGÔN NGỮ THƠ SAU 1975
GHI NHẬN TỪ MỘT TRẠI SÁNG TÁC MỸ THUẬT
ANH NGUYỄN KHẮC PHỤC, VÀI KỶ NIỆM
VĂN HỌC - HỌC VĂN
BẮT ĐẦU TỪ KẾT THÚC