|  Đăng nhập
Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search

 

Tiêu đề: MA TRƯỜNG
Tác giả: Phan Văn Minh

Truyện ngắn



Đang lim dim ngủ trong phòng bảo vệ, Năm Tự ngồi bật dậy như chiếc lò xo. Anh vớ lấy chiếc đèn pin cùng cây gậy tre và xô cửa chạy ra ngoài. Anh vừa mang máng nghe đâu đó phía bên trong khuôn viên trường có tiếng động lạ nhưng không xác định được là từ hướng nào. Bữa rượu khi chiều cùng mấy “chiến hữu” xóm chài trước khi vào ca trực vẫn còn váng vất trong đầu. Thêm vào đó, vết thương cũ trên trán thời chiến tranh biên giới Tây Nam hình như dạo rày đang bắt đầu “trở chứng”. Thỉnh thoảng như lúc này, nó lại buốt lên từng chặp và hai mắt trở nên nhập nhòe lú lẫn cả hình thù màu sắc, nhất là vào ban đêm. Trong ánh sáng chập chờn từ mấy ngọn đèn hắt qua những hàng cây rậm rịt, anh phải bóp trán định thần hồi lâu mới tìm được lối đi. Anh băng qua khoảng sân rộng trong cơn mưa lất phất cuối mùa. Vệt đèn của anh lia một vòng quanh sân trường rồi chiếu thẳng lên nóc khu hiệu bộ, rọi vào từng góc lõm chung quanh khu học xá và quét dọc theo các hành lang. Không thấy ai. Không có dấu hiệu gì bất thường ngoài những bóng cây lá chập chờn trên các mảng tường và tiếng gió hú đến rợn người trên các mái tôn. Cơn bão hồi tháng chín đã lột già nửa số tôn kẽm mà người ta lợp để chống thấm trên tầng thượng các công trình. Số còn lại cũng đều rách nát và long đinh. Cho nên từ đó đến nay, đêm đêm trong tiếng gió thông thốc từ biển thổi vào người ta lại loáng thoáng nghe đủ thứ âm thanh quái đản trên khắp các tầng mái, khi thì rần rật ồn ào giống như có cả một đám đông đang xô đẩy, chửi bới lẫn nhau, có lúc lại đột ngột im bặt rồi vang lên tỏ mồn một tiếng nghiến răng giận dữ và tiếng khóc hờ.

Ngôi trường đại học này vốn được xây trên một bãi tha ma dưới chân núi Bà, phía trước mặt là vũng biển Xác Rữa, cái địa danh có từ sau năm bảy lăm. Cạnh đó là ngôi miếu hoang đứng chơ vơ bên triền đá không biết thờ ai. Nghe rằng khi san ủi mặt bằng xây trường, rất nhiều hài cốt vô chủ đã bị tróc lên rồi lại bị vùi xuống lớp dưới. Lâu nay đám sinh viên ở khu kí túc xá thường rỉ tai nhau về một bóng người áo đỏ khắp mình đeo lủng lẳng những chiếc sọ người đi lại hằng đêm trên hành lang các tầng gác vào những đêm mưa. Năm Tự từ lâu vốn không tin chuyện ma quỉ nên cho đó là những điều bịa đặt nhảm nhí. Thời đánh nhau với quân Pôn Pốt ở K, anh đã nhiều lần nằm phục kích thâu đêm trong những ngôi chùa đổ đầy vết máu với xương người mà chưa từng chạm trán với con ma nào. Nhưng từ đầu năm học đến nay nhiều sinh viên đã bỏ ra ngoài thuê nhà trọ, số còn lại dường như tỏ ra... chăm học hơn. Đêm khuya ít thấy có cô cậu nào dám dắt nhau lên tự tình trên các dãy hành lang nằm xa khu kí túc xá. Trước đây thì loạn. Hằng đêm đi tuần một vòng trên các tầng lầu, nơi góc khuất nào Năm Tự cũng gặp một cặp đang ghì nhau bên lan can, có khi còn quấn riết nhau, rên rỉ sống chết dưới nền gạch. Đáng ra theo qui chế của phòng quản trị, nếu bắt quả tang cặp nào thập thò trên hành lang bất kể ở khu vực nào từ mười giờ đêm trở đi đều phải lập biên bản đưa ra hội đồng kỉ luật. Nhưng từ trước đến nay Năm Tự chưa lập một tờ biên bản nào. Mỗi khi ánh đèn pin trên tay quét nhằm một cặp anh thường tắt ngay và lờ đi. Đôi khi gặp một “ca” đang... hổn hển quên trời đất anh còn cao hứng nhắc nhở “Nhớ mặc áo vào cho nó nghe con!” hoặc “Lẹ lẹ lên rồi về kẻo lạnh tụi bay ơi!”. Những lúc như thế anh lại cười thầm nhớ tới thời trai trẻ của mình. “Cũng đêm đêm dắt nhau ra bờ ruộng bờ kênh, có khác chi chúng nó!”.

Minh họa: NGUYỄN DŨNG

Năm Tự bắt đầu kiểm tra từ khu hiệu bộ, nơi tập trung tất cả các khoa phòng của nhà trường và thường có những cuộc hội họp buổi tối, thỉnh thoảng vài người còn nán lại làm việc cho đến tận nửa đêm. Nhưng từ khi có tin đồn một người nào đó gặp cô Thời dang tay đứng trước phòng tài vụ với cái lưỡi thè dài thì không ai còn dám ở lại sau chín giờ tối. Cô Thời nguyên là phó phòng tài vụ. Đầu năm ngoái, khi ông Tín trưởng phòng đi bồi dưỡng nghiệp vụ sáu tháng sắp về thì thanh tra tài chính ập đến. Người ta phát hiện ngân quĩ nhà trường đã thất thoát gần cả tỉ đồng trong phí quản lí dự án xây dựng giảng đường số hai. Không rõ việc qui kết trách nhiệm thế nào mà sau một cuộc họp nội bộ vào cái đêm oan nghiệt đó, sáng ra một cậu sinh viên dậy sớm tập thể dục đã hét lên thất thanh khi thấy cô Thời treo mình thẳng đuột trên chạc cây nhãn trước lan can phòng tài vụ trên tầng hai, xác đã lạnh cứng. Sự vụ đã kéo theo nhiều nghi vấn nhưng sau mấy cuộc điều tra, người ta kết luận rằng đó là do buồn chuyện gia đình. Tuy nhiên, tiền dự án cũng đã thất thoát. Nhà trường thông báo rằng do không nắm vững qui chế nên phòng tài vụ đã chi cho số phần trăm tăng thu nhập của giảng viên theo nghị định số này số nọ vượt quá định mức. Từ đó đến nay, cái khoản phần trăm này bị rút xuống chỉ còn một phần ba để bù vào. Ai cũng ngơ ngác nhưng chẳng biết hỏi ai.

Năm Tự đi qua các dãy hành lang lặng ngắt. Chỉ có tiếng gió hun hút trên các tàng cây móng bò bên ngoài. Ánh đèn từ xa lọt vào các khe thông gió soi bóng anh chập chờn trên những ô cửa kính, thoạt trông như có ai trong các khoa phòng nhìn ra. Bất chợt, anh giật mình khựng lại. Hình như có tiếng gót giày lê trên hành lang tầng ba. Anh theo cầu thang đi lên, một tay cầm đèn pin một tay nắm chắc đầu cây gậy. Anh nín thở lần theo bờ tường. Gần đến trước cửa phòng tài vụ, anh mới biết tiếng động soàn soạt phát ra từ mấy cành nhãn quệt vào thành lan can. Anh bật đèn soi lên cành nhãn, nơi đó vẫn còn một đoạn dây thừng của cô Thời còn sót lại từ năm ngoái mà chưa ai dám cắt. Đột nhiên Năm Tự nghe lạnh sống lưng, cảm giác như có cái gì phía sau. Anh xoay người rọi đèn qua ô cửa kính của phòng tài vụ. Một bóng người lờ mờ hiện ra trong phòng, ngay nơi bàn làm việc của ông Tín. Trước mặt ông là màn hình chiếc laptop đang hắt chùm ánh sáng xanh lét lên gương mặt vô cảm trông như xác ướp. “Quái, cha Tín làm việc chi vào giờ này? Mà lão vào đây bằng cách nào?”. Năm Tự vừa nhủ thầm vừa dán mắt vào ô cửa. Trong tích tắc ông Tín đã biến đâu mất. Chiếc laptop vẫn còn nguyên ở đó nhưng ánh đèn màn hình đã tắt như chưa hề được bật lên. Năm Tự soi đèn khắp phòng nhưng vẫn không thấy gì. Ngay chỗ ghế ngồi của ông Tín chỉ là một bó hoa héo cắm trên chiếc độc bình màu lam. Hình như ai đó đã để quên khi quét dọn phòng làm việc. Anh vỗ trán, dụi mắt mấy lượt, vừa lắc đầu đi xuống cầu thang vừa lẩm bẩm: “Chắc phải xin nghỉ hưu non thôi. Mắt mũi kèm nhèm rồi!”.

Năm Tự định qua khu thí nghiệm thực hành nhưng rồi lại thôi vì biết nơi đó không có gì hấp dẫn bọn trộm. Phòng hóa sinh chỉ còn chai lọ, hóa chất đã hết sạch từ lâu mà đến nay hình như vẫn chưa mua kịp. Phòng thực hành tin học có năm chục bộ vi tính nhưng phần lớn đều không dùng được. Lô thiết bị này còn gồm cả hai chiếc máy chiếu projector do một tổ chức phi chính phủ nước ngoài gửi tặng. Hôm nhận số hàng này về, cả trường mừng như trúng số. Tất cả đều được đưa vào nhà kho của khu học liệu. Nhưng một buổi sáng khi mở kho đưa đi lắp đặt thì hai chiếc projector lại biến thành hai chiếc máy ổn áp Li-oa cũ rích thuộc hàng phế liệu. Chúng cũng nằm vừa khít trong hộp các-tông như một trò đùa nghịch. Còn máy vi tính thì sau một học kì, chỉ có khoảng hai chục bộ còn chạy được trong tình trạng chập chờn. Theo các giáo viên bộ môn này thì có thể đây là hàng thanh lí được gom lại từ đâu đó mang về. Tất cả sự việc đều được báo cáo, kiểm tra, kiểm điểm gay gắt nhưng rồi cũng “chìm xuồng”, không nghe lãnh đạo nhà trường kết luận gì ngoại trừ một tờ quyết định đuổi việc cậu bảo vệ. Cậu này lâu nay vốn rất thật thà, chỉ mỗi tội... có phiên trực vào cái đêm trước khi phát hiện tài sản bị mất cắp. Cũng từ sau sự cố này, phòng quản trị buộc tổ bảo vệ phải đi tuần mỗi đêm ít nhất hai lần, và phải ghi chép đầy đủ tình hình vào sổ trực.

Năm Tự đi vòng ngược trở lại, hướng về phía trung tâm học liệu. Đây là công trình bề thế và có kiểu dáng đẹp nhất trường, được thiết kế theo lối kiến trúc gô-tích với những cửa vòm và những hàng cột trụ tròn màu giả cổ. Theo qui chế làm việc, trung tâm đã đóng cửa sau mười giờ đêm. Tất cả đèn đóm đã tắt hết chỉ trừ một chùm đèn vàng trước sảnh. Năm Tự vừa đi tới vừa thích thú ngắm nhìn những hình khối của tòa kiến trúc phía trước. Những đường kỉ hà của nó nổi bật lên trên nền trời đêm với vẻ thâm u bí hiểm như một tu viện thời trung cổ. Bất giác anh phát hiện một ô cửa sổ phía sau tòa nhà vẫn còn hắt ra ngoài một thứ ánh sáng xanh lờ nhờ. Đó là phòng dành cho cậu thủ kho của nhà trường. Chưa lần nào Năm Tự thấy cậu ta ngủ lại ở nhà kho này. Anh bật đèn pin soi về hướng đó nhưng đèn không sáng. “Chắc là bị chạm rồi!”. Anh khom người, nhón gót men theo chân tường rồi thò đầu lên nhìn qua ô cửa. “Ôi mẹ ơi!”. Năm Tự có cảm giác như tất cả lông tóc trên người mình từ đầu tới chân đều dựng ngược. Anh thoáng nghĩ như mình không phải đang nhìn bằng mắt. Giữa căn phòng hẹp là hai người đàn ông đang đứng quay mặt vào nhau. Trong thứ ánh sáng xanh lè ma quái không biết phát ra từ đâu, Năm Tự vẫn nhận ra gương mặt đầy mụn cóc của ông Vương giám đốc trung tâm học liệu, chiếc mũi khoằm cùng cái đầu tóc xoăn của ông Phi hiệu trưởng. Họ đứng bất động như hai cái thây ma, mắt chằm chằm nhìn nhau nhưng miệng không hề mấp máy. Năm Tự lại nghe đau buốt ở trán. Anh nhắm mắt lại, véo đùi xem thử có phải mình đang mơ không. Nhưng khi anh mở mắt ra thì căn phòng đã tối om như có ma thuật. Anh nghĩ có lẽ đôi mắt mình đã hỏng. Đột nhiên anh nghe tay chân bủn rủn, đầu óc kêu ong ong như có ai cầm dùi gõ lên trán. Anh khuỵu xuống dưới bậc cửa sổ và ngã lăn ra đất.

Năm Tự tỉnh dậy khi tiếng ghe máy dưới xóm chài nổ giòn. Anh nghe toàn thân lạnh buốt và nhận ra cả người mình đều ướt sũng. Anh dụi mắt nhìn quanh và thốt kêu lên mừng rỡ khi vẫn nhìn thấy ánh đèn le lói phía cổng trường. Trời đã tạnh hẳn nhưng nước giọt từ trên mái nhà vẫn còn rỏ xuống vai anh nhoi nhói như kim châm. Ngồi dựa vào tường, bất giác anh rùng mình nhớ lại hình ảnh khi hôm và không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Ông Phi và ông Vương đã bay đi New Zealand từ ba hôm trước theo một chuyến xuất ngoại tham quan học tập. Cả trường ai cũng biết điều đó. Năm Tự lại tự hỏi nếu chỉ là chuyện chiêm bao thì sao mình lại ngồi ngay dưới bậc cửa sổ này? Anh vẫn còn nhớ trước đây thằng Quân trong tổ bảo vệ kể rằng trong một phiên trực đêm nó thấy ông Phi mặc áo choàng đỏ với chiếc thắt lưng treo đầy những chiếc đục, khoan dùi đủ cỡ. Quái lạ là ông lại bước ra từ mảng tường vỡ do nứt gãy ở giảng đường số một. Năm Tự đã mắng nó là thằng điên bởi anh biết đêm đó ông hiệu trưởng đã đi đón một vị giáo sư ở ngoài thành phố. Không ngờ sau đó nó bị điên nặng, đến nay vẫn chưa thấy xuất viện. Chẳng lẽ lần này sẽ đến lượt anh? Chẳng lẽ chuyện ma quỉ ở ngôi trường này là có thật?

Năm Tự đứng lên, phân vân không biết phải ghi thế nào vào sổ trực đêm nay.

P.V.M


Quay về
VĂN
NGƯỜI GIEO TRỒNG KÝ ỨC
NẮNG CỦA ẤU THƠ...
DƯỢNG ÚT
MẶT TRỜI VỪA RỤNG
THƠ
LÀNG BIỂN
ĐÊM HÈ
CÁI BÍM TÓC
THỨC
CHẠM
RIÊNG MANG
NGÀY ĐÃ XA
KHOẢNG LẶNG
ĐỈNH SÓNG
HOA CỎ MAY VÀ CHỊ
DẦN TAN
MA TRƯỜNG
NGƯỜI KHÔNG BIẾT NHỚ + VẾT CỨA
PHÍA BÊN KIA + KÝ SỰ VỀ NHỮNG CON ĐƯỜNG
THÌ THÔI... + NHỮNG TRỐNG KHÔNG
EM VÀ LỤC BÁT + KHÁT
VĂN HỌC NƯỚC NGOÀI
NHÀ BẾP
NGHIÊN CỨU - LÝ LUẬN - PHÊ BÌNH
CHẤT TƯỢNG TRƯNG TRONG NGÔN NGỮ THƠ SAU 1975
GHI NHẬN TỪ MỘT TRẠI SÁNG TÁC MỸ THUẬT
ANH NGUYỄN KHẮC PHỤC, VÀI KỶ NIỆM
VĂN HỌC - HỌC VĂN
BẮT ĐẦU TỪ KẾT THÚC