|  Đăng nhập
Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search

 

Tiêu đề: MỘT GIỌNG THƠ NGÚT TRỜI CHÍ KHÍ
Tác giả: Mai Bá Ấn(*)


Cao Bá Quát (1808-1855) là một kẻ sĩ có ý nguyện “lập thân” theo kiểu riêng mình: Muốn đem tài chí giúp nước, phò đời, nhưng không toại chí (Vì triều đình phong kiến đã mục ruỗng) thì ngang nhiên chống lại triều đình vì nhận thức rất rõ rằng: chính triều đình với đám vua quan chỉ biết hưởng thụ là kẻ đã đưa đến nỗi khốn cùng cho nhân dân, làm đảo điên vận nước. Làm chủ khảo mà dám hạ bút chữa những bài thi để chấp nhận tội tù, làm “quốc sư” cho một cuộc khởi nghĩa lẫy lừng của Lương Duy Cự với chí nguyện phá bỏ triều Nguyễn, để rồi, khi “quốc sự” không thành, hi sinh ngay giữa trận tiền với cái chết liệt oanh kéo theo án tru di tam tộc.

Nhưng thôi, dẫu sao, đó cũng là chuyện dông dài của các nhà nghiên cứu sử. Mà nếu đơn giản, Cao Bá Quát chỉ đóng vai trò là một vị “quốc sư” cho một cuộc khởi nghĩa, có lẽ rồi người đời cũng chẳng phải luận bàn lâu. Nhưng có một điều mà nhân thế không thể quên vì Cao Bá Quát lại là một nhà thơ mà tài thơ ấy, tư duy thơ ấy đã vượt qua khỏi khuôn khổ tư duy của một thời đại thơ nhằm vươn đến sự tiệm cận với một nền thơ hiện đại mà thời của ông chưa hề thấy có.

Bài viết này xin gửi đến một thông điệp rằng: tư duy và cảm xúc thơ của Cao Chu Thần hầu như rất hiếm thấy trong thời đại của ông mà rất dễ tìm thấy trong Thơ Mới của hơn nửa thế kỷ sau thời ông và cả thơ đương đại hiện nay. Thậm chí, tôi cho rằng: nếu so với Tản Đà, người mà Hoài Thanh cho là “cầu nối” giữa “thơ cũ” và Thơ Mới thì cái khoáng đạt, lãng mạn của Cao Chu Thần còn có thể vượt rất xa. Đối sánh giữa thơ Cao Bá Quát và Tản Đà, có cảm giác, cái tôi của cụ Tản chỉ lòng vòng trong cái bất đắc chí của những “giấc mộng lớn”, “giấc mộng con” của một cá nhân, còn cái tôi của Cao Chu Thần là cái lãng mạn cộng hưởng cùng sự khoáng đạt của một chí khí lớn mang “nỗi hờn thời đại” lồng lộng hơn và cao cả hơn, và vì thế, cũng... “tôi” hơn. Tản Đà dù có “mộng lớn” vẫn chỉ là “giấc mộng”, còn Cao Chu Thần không phải mộng mà vút cùng cánh thơ lãng mạn là một chí khí ngút trời và đã xả thân hành động thực tiễn nhằm thực hiện chí khí đó.

Để người đọc hôm nay có cái nhìn khách quan về tính hiện đại của một giọng thơ vượt thời gian khi đọc Cao Bá Quát, xin phép được trích dẫn ở đây lời (ý) thơ đã được dịch ra tiếng Việt thuần, tạm gác qua bên chuyện hình thức chữ viết và sự ràng buộc của thể thơ thời Cao Bá Quát.

*

*          *

Đầu tiên, xin bạn đọc lắng nghe tiếng lòng của một nhà thơ sống cách chúng ta, tư duy thơ cách chúng ta gần một thế kỷ rưỡi: Chủ sẵn rượu xin đừng ngần ngại!/ Hãy rót đi, rót mãi, uống đi anh!/ Chẳng thấy ru?/ Hồng hộc bay cao tít tận mây xanh/ Hạc đen ngủ một mình trên đỉnh núi (Trên chiếu rượu ở nhà ông Tuần phủ Đông Tác). Cũng là “kẻ sĩ” phong kiến đó với những “hồng hộc”, “hạc đen”, nhưng cái hồn thơ, chất thơ, tư duy thơ, chí khí thơ hầu như đã vượt hẳn ra khỏi thời gian với một giọng thơ rất gần hiện đại. Nếu chỉ có cái chí khí ngút “tận mây xanh” của “kẻ sĩ” mà không có cái khí khái ngang tàng, cái bay bổng “rất tôi” của người thơ ấy thì làm sao âm hưởng câu thơ vang đến tận bây giờ!

Đã là người quân tử, là “kẻ sĩ” của thời ấy tất phải có văn chương. Cao Bá Quát đã gán cho văn chương một thiên chức. Đó chính là chữ “danh” trên bước đường khẳng định nhân cách “kẻ sĩ” của mình cho dù ông thừa biết hoạn lộ công danh vốn khá gập ghềnh: Rầu rầu lìa chốn cũ/ Man mác hướng lộ trường/.../ Ở đời có văn chương/ Chữ danh không lẽ ngơ (Đi thi Hội, ra đến cổng làng từ biệt các học trò). Chính vì thế, “kẻ sĩ” - người thơ này đã gửi chí khí của mình qua lời hát vang bằng sự lãng mạn bay bổng của chính mình: Ta muốn lên đỉnh núi/ Hát vang gửi nước mây (Qua núi Dục Thúy). Tản Đà từng than thở: Tài cao, phận thấp, chí khí uất/ Giang hồ, mê chơi, quên quê hương. Nhưng có cảm giác, đó chỉ là tiếng nói của một cái tôi “bất đắc chí”, thở than, cái máu giang hồ, ham dong ruổi. Còn cái tài trai của Cao Chu Thần lại gắn liền với vận mệnh nước non để phơi bày ra tất cả những bất công xã hội, tự ngẫm lấy chính trách nhiệm của mình trước vận đời, hổ thẹn về mình khi nghĩ mai sau về cõi bên kia, hội ngộ những tiền nhân tài đức (hai cụ Chu Văn An, Nguyễn Trãi):

Tài trai sống ở đời, đã không làm được việc phơi gan, bẻ gãy chấn song, giữ vững cương thường.

Lại ngồi nhìn bọn cầm quyền sói lang hoành hành,

Đến lúc tuổi già thì mặc áo gấm ban ngày về bôi nhọ quê hương.

Chỉ cúi đầu luồn xuống mái nhà thấp, nhục cả khí phách,

Đến lúc già thì gối đầu vào vợ con mà chết,

Giả sử hạng người ấy xuống suối vàng gặp hai cụ

Thì cũng mặt dầy, trống ngực đánh, thần sắc rũ rượi ra mà thôi...

(Tiễn Nguyễn Trúc Khê ra nhận chức tại phủ Thường Tín,

đồng thời gửi cho ông bạn già Lê Huy Vĩnh).

Tất nhiên, Cao Chu Thần không phải là loại “quân tử” ấy!

Ở giữa cao (đỉnh núi) và xa rộng (biển) khi đứng trên đỉnh “Hoành Sơn ngắm biển”, cách nhìn biển của Cao Chu Thần cũng rất khác, rất mới. Và từ cái dữ dội của biển, nhà thơ cảm nhận mình như một cánh hải âu tự do và một chí khí vững vàng của “kẻ sĩ”. Hơi thơ khoáng đạt, giọng thơ trào tuôn mà “sừng sững”, khí khái: Anh không thấy:/ Sóng biển trào lên như đầu bạc lô nhô/ Gió giận dữ đánh chìm cả những chiếc thuyền to/ Chớp giật sấm ran ai nấy đều xanh mắt/ Giữa cảnh, con chim hải âu vẫn nhởn nhơ/ Biển như cuốn núi, núi sừng sững/ Non Bắc, non Nam ngàn bạt ngàn (Bài ca “Từ Hoành Sơn ngắm biển”). Đi “qua Quảng Trị”, thấy mọi người lập “cung vua” để chào đón vua, nhà thơ cũng thể hiện chí khí của mình bằng những lời thơ mai mỉa, xót xa đến quặn lòng, lên án sự xa hoa của vua chúa giữa cảnh nhân dân nghèo đói: Nghe nói sáu rồng vừa ngự tới/ Cung vua sẵn đó, lại cung vua (Qua tỉnh Quảng Trị). Bọn vua quan kia đâu để ý thấy và hiểu cho những số kiếp đớn đau, đói nghèo đang lang thang vất vưởng! Chỉ có riêng nhà thơ đã bộc lộ nỗi thương cảm, đớn đau của chính mình bằng những lời cảm thông chia sẻ: Một người đi thất thểu/ Áo nón rách tả tơi/ Từ phía Nam tiến lại/ Đến trước ta than hoài (Đi đường gặp người đói). Thơ Cao Bá Quát buồn, ngùi ngùi, man mác, nhưng ẩn chứa bên trong là một nỗi đau của một chí khí lớn đầy nhân cách “kẻ sĩ”. Nhà thơ lặn vào nỗi đau, nỗi mong chờ của nhân dân trong cơn nước nhà nguy biến: Nước cả, sông man mác/ Đêm khuya gió não nùng!/ Vầng hồng đâu khuất mãi/ Dân chúng bao chờ mong! (Nhìn mưa). Chính cái chí khí ngất trời này của Cao Chu Thần đã khơi mạch cảm hứng để nhà thơ Thanh Thảo sáng tạo nên một trường ca độc đáo Đêm trên cát về ông. Trong trường ca ấy, có người đã đánh giá là hiện tượng “nhập hồn” (Hồn Cao Chu Thần nhập vào Thanh Thảo để Thanh Thảo viết thành thơ): Đừng nói đừng nhắc/ Ta đã gượng dậy thế nào/ Để ném những câu thơ/ Như khạc từng búng máu (Đêm trên cát - Thanh Thảo). Hồn thơ ấy hòa cùng máu lệ oán hận về sự bất công của triều đình, đớn đau về sự loạn lạc của xã hội. Thơ với Cao Bá Quát là lệ hận, máu hờn, là men rượu say giữa buổi phân kỳ:

Hồn thơ oán hận lệ hòa máu

Chén rượu phân kỳ hồn dễ say

(Gửi hận 1)

Nhà thơ khao khát được trải oán hờn thời thế lên trang thơ, đem dán khắp thành để truyền rao cho mọi người cùng biết: Mây thu lá rụng tình man mác/ Chữ “oán” khôn đem viết khắp thành (Gửi hận 2). Thiệu Ung đời Tống (Trung Hoa) có viết bài thơ Thiện sự ngâm nói: “Người ta làm việc thiện cũng vì việc thiện nên làm”, vậy việc Cao Chu Thần chữa văn cho những người tài, suy cho cùng cũng chỉ là trọng kẻ hiền tài (việc thiện) mà thôi, hà cớ gì phải chịu mang gông đày ải, tù tội của triều đình? Lẽo đẽo trăm năm thương củi giạt!/ Lao đao trọn buổi xót thân tròng!/ Chẻ ra mà viết đôi dòng chữ/ “Thiện sự” ghi bài của Thiệu Ung (Thơ vịnh cái gông dài 2). Nhưng với chí khí ngang tàng lồng lộng của mình, nhà thơ tự so sánh mình với vua rượu (Lý Bạch), rồi muốn đem “cái gông dài” ấy bắc làm thang để thỏa thuê “cưỡi gió, trèo mây” tìm đến tinh thần tự do khoáng đạt của một hồn thơ đang tù tội: Vướng gót, sự đời thường có bẫy/ Vểnh râu, sao rượu cũng ngồi tù/ Tiện đây đem bắc làm thang thử/ Cưỡi gió, trèo mây mát mẻ sao! (Vịnh cái gông dài 3). “Cái roi song” - công cụ tra tấn của những kẻ vâng mệnh triều đình hành hạ người tù lại được Cao Bá Quát hát lên thành khúc hát, bài ca để thể hiện cái chí khí ngút trời cao của chính bản thân mình (Như cây tùng cây bách trên non cao đang chết dở giữa trời đông vẫn đứng vững vàng, khí khái, hiên ngang): Nợ nhà ơn nước chưa đền xong/ Chết chốn văn chương đâu phải chỗ!/ Này này roi song!/ Mày có thấy:/ Bờ nam Đức Giang, đỉnh núi Nguyệt Hằng/ Trên có cây tùng cây bách đương chết dở/ Giữa trời đông rét mướt mà vẫn đứng hiên ngang? (Bài ca cái roi song).

Cao Chu Thần trong một đêm tiễn bạn cũng uống rượu, cũng mời trăng theo lẽ thường của một thi sĩ, thế nhưng, vảng vất trong ly rượu chia tay, trong ánh trăng bàng bạc giữa đêm thu sông Trà là một chí khí lớn của kẻ “trượng phu”: Cất chén thử mời trăng/ Trăng đi vào trong chén/ Đỡ chén lên môi, trăng vụt biến/ Chỉ còn bóng người đang dọc ngang/.../ Gió vàng đêm qua, từ cửa trời thổi xuống/ Móc trắng sương trong lạnh buốt xương da/ Đời người gặp gỡ nhau được mấy?/ Có rượu hãy uống với trăng sông Trà/.../ Trượng phu chống kiếm đi thì đi/ Đừng buồn như đàn bà trong lúc phân ly (Bài ca trăng thu sông Trà).

Tìm được bài thơ chia tay hay cỡ này trong thơ ca hiện đại cũng là một việc khó. Hồn và giọng điệu thơ Cao Bá Quát quả đã vượt thời gian tồn tại đến vô cùng. Như ở 4 câu thơ sau, thể hiện rõ nhất cái chí khí, cái tài hoa và một tư duy thơ, một giọng điệu thơ đã ngang tầm hiện đại:

Sáng lên Hoành Sơn trông

Chiều xuống Bàn Thạch tắm

Nhặt hòn đá mỗi nơi

Núi sông không đầy nắm

(Tắm ở khe Bàn Thạch)

Và, xin được kết thúc bài viết bằng hai câu thơ giản dị mà đầy triết lý của nhà thơ:

Có sắc, được người chuộng

Không hương, đời lãng quên

(Cỏ trong vườn)

Chỉ ngắm “cỏ trong vườn” để từ phận cỏ nhỏ nhoi, khái quát lên được triết lý cuộc đời, thì quả là kiểu tư duy rất gần với lối tư duy của thơ ca đương đại.

Thơ Cao Bá Quát, tôi nghĩ, luôn “bay quá” một cái gì mức độ. Và cho tới bây giờ, sau hơn 150 năm, thơ ông vẫn tiếp tục “đánh đu” trên cả dao động và yên tĩnh”.

M.B.Â



(*) Tiến sĩ văn chương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính-Kế toán Quảng Ngãi.


Quay về
VĂN
NGÀY HỘI DÂN CHỦ
TIN TƯỞNG VÀ KỲ VỌNG...
CHUYỆN KỂ GIỮA RỪNG ĐÊM
NHÀ CÓ THÊM NGƯỜI
SÁT NA
MỘT TẤM GƯƠNG SÁNG TRONG, GẦN GŨI
NHỚ MÃI CHU CẨM PHONG
THƠ
QUẢ BÀNG VUÔNG
VU GIA
CÀ PHÊ SÁNG
SÔNG QUÊ
KHÔNG ĐỀ
NĂM NGOÁI
KHÓI HỒI SINH
ĐÊM KHÔNG NGỦ
NGHÌN ĐÊM NẮNG GIÓ
LẠC PHỐ
LẶNG THẦM TÌM BÓNG NGÀY XƯA...
TRÔNG CHỒNG
TÌM VỀ TUỔI THƠ
MƠ NHỮNG CƠN GIÓ + HOẠN LỘ
CHIẾC DÙ CỎ + LỜI RU CHO MẸ CHO CON
ĐÊM NẰM LẠI VỚI RỪNG + VỀ LẠI SÔNG GIA
NỖI NHỚ + CÓ MỘT NGÀY
NGHIÊN CỨU - LÝ LUẬN - PHÊ BÌNH
MẤY ĐẶC TRƯNG CƠ BẢN CỦA CA DAO ĐỊA DANH QUẢNG NAM
MỘT GIỌNG THƠ NGÚT TRỜI CHÍ KHÍ
VĂN HỌC - HỌC VĂN
VỀ MỘT CÂU THƠ TRONG BÀI VIẾNG LĂNG BÁC