|  Đăng nhập
Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search

 

Tiêu đề: NGÀY HỘI DÂN CHỦ
Tác giả: Phú Mỹ


1. Ngày 22/5 tới đây, cùng với cử tri cả nước, hơn 1,1 triệu cử tri tỉnh Quảng Nam sẽ thực thi quyền làm chủ của mình là bỏ phiếu để chọn ra những người có đủ đức, đủ tài, đại diện cho tiếng nói của toàn dân tham gia vào cơ quan quyền lực cao nhất - Quốc hội. Đây cũng là dịp để người dân chọn ra những người đại diện tham gia vào các cơ quan dân cử cấp địa phương qua việc bỏ phiếu bầu chọn đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.

So với trước đây, cuộc bầu cử lần này có một số điểm mới, thể hiện rõ ràng và đầy đủ hơn tính công bằng, dân chủ, công khai và nhân văn. Trước đây, quyết định ngày bầu cử toàn quốc, việc bầu cử bổ sung ĐBQH trong thời gian giữa hai nhiệm kỳ và quyết định thành lập Hội đồng Bầu cử quốc gia là thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Lần này, theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính quyền địa phương và Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và đại biểu HĐND, thẩm quyền ấy thuộc về Quốc hội. Cùng với đó, Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND cũng quy định phải có ít nhất 18% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử ĐBQH là người dân tộc thiểu số và ít nhất 35% là phụ nữ; tỷ lệ nữ ứng cử đại biểu HĐND các cấp cũng phải bảo đảm ít nhất là 35%. Thời điểm thành lập Ủy ban Bầu cử, ban bầu cử, tổ bầu cử; ấn định đơn vị bầu cử, xác định khu vực bỏ phiếu; niêm yết danh sách cử tri; niêm yết danh sách những người ứng cử... so với ngày bầu cử cũng được xác định sớm hơn, tạo sự chủ động và thuận lợi hơn cho việc tổ chức thực hiện. Đặc biệt, tại cuộc bầu cử lần này, đối tượng được tham gia bầu cử được mở rộng hơn khi mà những người đang bị tạm giam, những người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc cũng sẽ được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu ĐBQH và đại biểu HĐND cấp tỉnh nơi người đó đang bị tạm giam, đang được giáo dục, cai nghiện bắt buộc.

Suốt mấy tháng qua, trên phạm vi cả nước nói chung và Quảng Nam nói riêng, những phần việc quan trọng nhất chuẩn bị cho công tác bầu cử đều đã được thực hiện theo đúng các quy định mới đó. Quá trình lựa chọn giới thiệu người ra ứng cử, tiếp nhận hồ sơ tự ứng cử, tổ chức hiệp thương, lấy ý kiến cử tri nơi ứng cử viên làm việc và cư trú... cũng được thực hiện khách quan, dân chủ và đúng luật. Trong số 11 ứng cử viên chính thức ứng cử ĐBQH do địa phương giới thiệu, 101 ứng cử viên chính thức ứng cử đại biểu HĐND tỉnh khóa IX, 957 người ứng cử đại biểu HĐND cấp huyện và 10.437 người ứng cử đại biểu HĐND cấp xã do Ủy ban Bầu cử tỉnh công bố cho thấy các yếu tố về cơ cấu, thành phần đều đảm bảo theo luật định và đặc biệt, tỷ lệ ứng cử viên trẻ tuổi (dưới 35 tuổi) và tỷ lệ ứng cử viên có trình độ chuyên môn cao (đại học trở lên) nhiều hơn hẳn so với trước đây. Trong cuộc bầu cử sắp tới, ai là người trúng cử hoàn toàn do cử tri quyết định, nhưng với cơ cấu, thành phần và mặt bằng trình độ ứng cử viên như thế, từ lúc này chúng ta đã có quyền hy vọng về chất lượng của một nhiệm kỳ Quốc hội và HĐND các cấp.

2. Trong quá trình thực hiện bầu cử có một khâu quan trọng, thể hiện sự khách quan, công bằng và dân chủ trong việc tranh cử, đó là việc các ứng cử viên ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp thực hiện việc tiếp xúc cử tri tại khu vực bầu cử nơi mình tham gia ứng cử. Đây là khâu quan trọng, có tính quyết định đến khả năng trúng cử của mỗi ứng cử viên trong cuộc bầu cử vào ngày 22/5 tới đây. Bởi lẽ, ngoài việc công khai cho cử tri về năng lực và quá trình cống hiến của mình, đây còn là cơ hội để các ứng cử viên thể hiện mình trước cử tri một cách đầy đủ và trực tiếp thông qua phần trình bày dự kiến chương trình hành động của cá nhân cũng như sự hiểu biết về các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội nói chung và các vấn đề mà cử tri quan tâm nói riêng. Phần việc này vừa “có lợi” cho các ứng cử viên, vừa “có lợi” cho đại cuộc, bởi qua đó ứng cử viên có cơ hội thể hiện được phần nào năng lực của mình, còn cử tri sẽ xác định được rõ hơn ai là người có khả năng nắm bắt, đề xuất hướng xử lý vấn đề, đặc biệt là tầm nhìn trước các vấn đề kinh tế - xã hội của đất nước và của địa phương.

Để nhận được sự tín nhiệm cao của cử tri, các ứng cử viên không chỉ phải nói đúng, nói hay mà nội dung vận động tranh cử còn phải có sức thuyết phục, thể hiện ở khả năng hiểu biết, sự sâu sát và thái độ trách nhiệm của mình. Tâm huyết, tài năng của mỗi ứng cử viên đến đâu một phần cũng được thể hiện ở điểm này. Trong các kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp trước đây từng có một số ứng cử viên “diễn thuyết” rất hay nhưng lại “mất điểm” chỉ vì các vấn đề họ đưa ra không thật sự thiết thân với số đông cử tri. Một số người khác xoáy đúng vào các vấn đề bức xúc của xã hội nhưng lại không nhận được sự ủng hộ rộng rãi của cử tri chỉ vì giải pháp mà họ đưa ra hoặc quá xa rời thực tế hoặc quá cực đoan... Ngoài ra, giờ đây, khi trình độ dân trí và nhận thức xã hội được nâng lên, cử tri cũng đã “cảnh giác” hơn khi tiếp nhận thông tin từ cương lĩnh tranh cử của các ứng cử viên. Trong thực tế từng có một số người khi đi vận động tranh cử thì nói rất hăng, rất hùng hồn, nhưng khi đã thành đại biểu chính thức rồi thì... im hơi lặng tiếng, hoặc có nói, có làm thì hình như lại không đúng với những gì đã tuyên hứa trước đó.

Chính vì những lẽ đó, các ứng cử viên buộc phải “rèn” kỹ năng và chịu sự “sàng lọc” khắt khe hơn. Chính vì những lẽ đó, việc vận động tranh cử như thế nào cho thuyết phục là một bài toán khó đối với các ứng cử viên, nhưng ngược lại, đây lại là một biểu hiện sinh động của công bằng, dân chủ trong ứng cử, tranh cử và xa hơn, rất có lợi cho sự nghiệp chung: Quốc hội và HĐND các cấp chắc chắn sẽ có được những vị đại biểu dân cử có chất lượng cao hơn.

3. Hiếm có quốc gia nào như Việt Nam, ngày bầu cử ĐBQH (và HĐND các cấp) lại được xem như một ngày hội - và thực tế là một ngày hội. Kể từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên vào ngày 6/1/1946 đến nay, cuộc bầu cử nào tỷ lệ cử tri đi bầu cũng xấp xỉ 100%. Trước, trong và sau mỗi cuộc bầu cử, hàng loạt các hoạt động văn hóa, văn nghệ và cả các sinh hoạt chính trị gắn với công tác bầu cử cũng được tổ chức. Tất cả đều diễn ra ngay trong cộng đồng các khu, cụm dân cư; người dân vừa tham gia thực hiện vừa giám sát. Qua đó, người dân toàn quyền quyết định về thành phần và chất lượng ứng cử viên và cuối cùng là quyết định ai sẽ trở thành người đại diện của mình trong các cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước và của từng địa phương. Ngày bầu cử, vì thế không chỉ là ngày hội đơn thuần với sự náo nức, tưng bừng mà còn là ngày hội của dân chủ.

Tham gia vào ngày hội dân chủ, mỗi cử tri có toàn quyền quyết định sẽ dành lá phiếu của mình cho ai. Và không chỉ có vậy, mỗi người còn phải có trách nhiệm lựa chọn một cách sáng suốt để bầu ra những người có phẩm chất, năng lực, nhiệt huyết, toàn tâm, toàn ý vì mục tiêu xây dựng đất nước, quê hương ngày càng giàu đẹp hơn. Nói cách khác, tư thế và tâm thế tham gia ngày hội này phải khác, không phải chỉ để vui. Việc được cầm lá phiếu trên tay đối với mỗi cử tri không chỉ là niềm vinh dự, tự hào mà còn là để gởi gắm ý chí, tâm tư, nguyện vọng của chính mình. Không ai muốn diễn đàn Quốc hội và HĐND các cấp xuất hiện những ông phỗng hay nghị gật, do vậy cử tri phải đề cao tinh thần trách nhiệm công dân, phải thật sự tỉnh táo và sáng suốt trong chọn lựa của mình. Trong các nhiệm kỳ Quốc hội (và cả HĐND các cấp ở một số nơi) trước đây và gần nhất là trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, Quốc hội đã phải bãi nhiệm tư cách ĐBQH đối với một số trường hợp. Đó là một điều đáng tiếc, là một thiệt thòi cho cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước và cũng là một thiệt thòi cho chính nhân dân. (Ở một khía cạnh khác, sự bãi nhiệm tư cách ĐBQH kể trên còn cho thấy tinh thần dân chủ, sự minh bạch, quyết liệt và nghiêm túc trong hoạt động nghị trường ở nước ta). Từ thực tế đó, hơn lúc nào hết, việc tham gia ngày hội dân chủ lần này càng đòi hỏi ở cử tri một tư thế và tâm thế hết sức chuẩn mực, nhằm lựa chọn cho được và đúng người có thực tài, thực tâm, có đạo đức, lối sống lành mạnh.

Tiếp sau thành công của Đại hội Đảng các cấp và đặc biệt là Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, việc tổ chức cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp lần này là để tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tổ chức thành công cuộc bầu cử, đảm bảo bình đẳng, dân chủ, đúng pháp luật, an toàn và thực sự là ngày hội của toàn dân... chính là một yếu tố cần và đủ để góp phần thực hiện mục tiêu to lớn đó.

P.M


Quay về
VĂN
NGÀY HỘI DÂN CHỦ
TIN TƯỞNG VÀ KỲ VỌNG...
CHUYỆN KỂ GIỮA RỪNG ĐÊM
NHÀ CÓ THÊM NGƯỜI
SÁT NA
MỘT TẤM GƯƠNG SÁNG TRONG, GẦN GŨI
NHỚ MÃI CHU CẨM PHONG
THƠ
QUẢ BÀNG VUÔNG
VU GIA
CÀ PHÊ SÁNG
SÔNG QUÊ
KHÔNG ĐỀ
NĂM NGOÁI
KHÓI HỒI SINH
ĐÊM KHÔNG NGỦ
NGHÌN ĐÊM NẮNG GIÓ
LẠC PHỐ
LẶNG THẦM TÌM BÓNG NGÀY XƯA...
TRÔNG CHỒNG
TÌM VỀ TUỔI THƠ
MƠ NHỮNG CƠN GIÓ + HOẠN LỘ
CHIẾC DÙ CỎ + LỜI RU CHO MẸ CHO CON
ĐÊM NẰM LẠI VỚI RỪNG + VỀ LẠI SÔNG GIA
NỖI NHỚ + CÓ MỘT NGÀY
NGHIÊN CỨU - LÝ LUẬN - PHÊ BÌNH
MẤY ĐẶC TRƯNG CƠ BẢN CỦA CA DAO ĐỊA DANH QUẢNG NAM
MỘT GIỌNG THƠ NGÚT TRỜI CHÍ KHÍ
VĂN HỌC - HỌC VĂN
VỀ MỘT CÂU THƠ TRONG BÀI VIẾNG LĂNG BÁC