QN. Ngày... tháng... năm...
Em gái nhỏ của chị!
Ngày hôm qua, em đã kể với chị về việc mà em đã làm để giúp đỡ cô bạn ngồi bên cạnh khi bạn ấy bị ốm, và đến khi em nhờ cô bạn ấy giúp em giặt khăn lau bảng khi em có việc bận nên đã đến lớp trễ trong ngày trực nhật thì cô bạn lại từ chối thẳng thừng với lí do “tại sao tớ lại giúp cậu, với lại tớ ngại bẩn lắm”. Chị đã cười xòa và nói với em là hãy quên chuyện đó đi. Thật ra em biết không, chị thật sự không muốn em có những định kiến đối với bạn mình dù người bạn ấy có đối xử với em chẳng thật lòng.
Nhưng lúc này đây chị lại muốn nói cho em biết rằng: “Đôi khi những việc tốt em làm sẽ chìm vào quên lãng, nhưng em hãy cứ tin rằng đó không phải là một nỗ lực hoài công và vô nghĩa”. Có thể bây giờ em đang hoài nghi lời chị nói, và em cũng đang rất buồn vì những việc làm tốt của bản thân lại không được người ta nhớ đến. Nếu là như thế, chị sẽ kể cho em về một con người, với một việc làm tưởng chừng nhỏ bé. Đó là câu chuyện về vị đốc công trẻ được giao nhiệm vụ giám sát công trình đặt nền móng cho một trong những tòa kim tự tháp của Pharaon. Anh ta không ngại ánh mặt trời như thiêu đốt, dưới cái nắng gay gắt anh đã không ngừng hô hào khuyến khích, đốc thúc và chỉnh đốn những người thợ làm việc. Anh ta tỉ mỉ quan sát đến từng phiến đá được lắp vào, nếu thấy bất cứ phiến đá nào không ngay ngắn thì ngay lập tức, anh ta yêu cầu phải chỉnh sửa chúng cho đến khi hoàn toàn khớp với nhau mới thôi.
Một đốc công khác lớn tuổi hơn cùng làm việc trong công trường, đã quan sát hết mọi chuyện và đến bên khuyên nhủ anh ta: “Cậu lo cái gì chứ? Phần móng này được đặt chìm dưới mặt đất. Có ai nhìn thấy đâu mà cậu tỉ mỉ như vậy?”.
“Mọi người không thấy nhưng chính tôi đã thấy rồi”, cậu đốc công trẻ đáp nhã nhặn và tiếp tục phần việc của mình.
Khi đọc câu chuyện này em cảm thấy thế nào cô gái nhỏ của chị? Em có cảm thấy cậu đốc công đó làm việc vô ích không? Nếu như không, thì em nghĩ như thế nào khi việc anh ta làm không được ai ghi nhận và biết ơn?
Thật ra, chính nhờ vào những việc làm nhỏ nhoi ấy đã làm nên những kim tự tháp đồ sộ vững chắc cho đến tận ngày nay. Và chị tin chắc rằng khi người đốc công làm công việc đấy anh ta đã cảm thấy rất hạnh phúc, không phải hối tiếc về bất cứ điều gì. Vì khi anh ta làm điều đúng đắn ấy, hơn ai hết, trước ai hết chính bản thân anh ta đã ghi nhớ về hành động đó của bản thân mà không cần phải được ai khen tặng và biết ơn.
Em hãy luôn nhớ rằng dù người ta có ghi nhận một vài việc tốt em đã làm thì sự ghi nhận ấy rồi cũng sẽ bị mài mòn qua thời gian. Nên giá trị của một việc làm không nằm ở việc được thừa nhận hay không mà là hành động đó đã khiến em tự hào với chính bản thân mình như thế nào. Thế nên việc cô bạn ngồi bên không đồng ý giúp em thì cũng đừng cảm thấy hối tiếc vì đã từng giúp đỡ bạn ấy nhé. Vì trong chính lúc em giúp đỡ bạn ấy em thật sự vui vẻ và hạnh phúc, vậy thì tại sao lại hối tiếc đúng không nào?
Và nếu có thể em hãy làm vài điều trong “sống theo phương châm Aloha” nhé. “Aloha” là tiếng thổ dân Hawaii có rất nhiều nghĩa, nhưng ở đây nó được hiểu là sự quan tâm, tình yêu thương và thái độ ứng xử văn minh. Đó là một chương trình do một người có tên là Robbie Alm và vài người bạn của mình sáng tạo nên.
“Phương châm “Aloha”:
- Hãy kính trọng người già và yêu mến trẻ nhỏ.
- Hãy làm cho những nơi in dấu chân bạn tốt đẹp hơn lúc ban đầu.
- Hãy giúp người khác mở rộng cánh cửa bạn vừa mới bước qua.
- Hãy gieo trồng một thứ gì đó.
- Khi lái xe đừng nên chen lấn và hãy cho người khác quá giang.
- Đừng từ chối sự kiện khi được mời tham gia vào sự kiện tìm hiểu một quốc gia khác.
- Hãy hòa mình với thiên nhiên.
- Nhớ nhặt rác bỏ vào thùng.
- Hãy sống và chia sẻ với những người láng giềng.
- Luôn luôn mỉm cười và mang niềm vui đến cho người khác’’.
Em đã đọc hết bức thư này rồi, vậy nên hãy luôn nhớ rằng phải làm điều tốt cho mọi người xung quanh em và hơn hết là cho chính bản thân em - em gái nhỏ của chị. Hãy luôn nhớ rằng chị vẫn luôn bên em và tự hào về em.
N.T.D