BIẾT NGƯỜI
Câu chuyện Dự Nhượng đã trở nên quen thuộc với mọi người qua lời tuyên dương của Trần Quốc Tuấn ở Hịch tướng sĩ văn: “Dự Nhượng thôn than nhi phục chủ thù” (Dự Nhượng nuốt than để báo thù cho chủ).
Nhượng người nước Tấn, theo phò Phạm Trung Hàn. Trí Bá diệt Phạm, Nhượng theo hầu Trí Bá. Triệu Tương Tử diệt Trí Bá, Nhượng tìm cách báo thù. Triệu Tương Tử tìm cách thu phục Nhượng mà không đặng. Thù chủ không trả được, Nhượng phải tự hủy. Trước khi chết còn để lại câu nói nổi tiếng: “Trước ở với Phạm Trung Hàn, Hàn xem tôi là hạng tầm thường nên lấy cách hạng tầm thường mà trả. Khi theo Trí Bá, Trí Bá đãi tôi vào hàng quốc sĩ nên lấy lễ của hàng quốc sĩ mà đền trả”.
Trí Bá, nhân vật chìm khuất trong câu chuyện cắt ngắn này lại là người đáng phục nhất. Từ một Dự Nhượng hèn kém mà rèn thành hàng quốc sĩ nổi tiếng cổ kim, Trí Bá đáng xếp hàng vương đạo.
Và một chút băn khoăn, sống ở trong đời, ta có đủ cái đảm lược để đãi người bằng cả cái chí thành?
Thường thì một chút ích kỉ, một chút băn khoăn, thường thì yêu mình nên mãi đo lòng người. Một chút băn khoăn cẩn trọng đôi khi vụt mất người tri kỉ.
Giá mà đủ cái tâm để sống chí thành với tình bạn, tình yêu, và đồng nghiệp. Và dành đãi mọi người. Cuộc sống sẽ dễ chịu biết mấy với lòng tin cẩn.
Và mong sao đời còn nhiều Dự Nhượng.
Thêm một Trí Bá, xã hội thêm một nhà lãnh đạo có tài.
Thêm một Dự Nhượng, củng cố thêm lòng tin của con người vào cuộc sống.
Biết người là một Đức sống, mà cũng là cái Lễ của thời hiện đại.
CHUYỆN MẸ TÔI
Ngồi buồn đốt một đống rơm
Khói lên nghi ngút chẳng thơm chút nào
Khói lên đến tận Thiên Tào
Ngọc Hoàng phán hỏi: “Thằng nào đốt rơm?”
Ngày xưa mẹ thường đọc bài ca dao ấy, giọng móm mém, rồi nụ cười cũng móm mém như tuổi già mẹ ấy.
Bài ca vui mà mẹ cười buồn lạ.
Tôi ngây thơ hỏi mẹ:
- Ngọc Hoàng sao xấc xược thế, sao lại xưng hô “thằng”, “con” mà chẳng chút lễ nghi?
Mẹ cười xoa đầu tôi, mà câu trả lời như chẳng chịu trả lời cho con trẻ:
- Mũ cao áo dài nhọc lắm, “thằng”, “con” bỗ bã thế mà vui.
Bài ca như đùa mà nỗi buồn thật động địa kinh thiên.
Tôi sau này lớn lên, đã thấu được nỗi niềm trong nụ cười của mẹ. Mẹ đã hỏa thiêu những nỗi buồn, những tục làng lệ xã, những phiền muộn đời thường thành nhẹ tênh như làn khói mỏng, thành mất dấu trần gian.
Đức Chúa Trời của Abraham đã hỏa thiêu Sodome và Gomorrhe, lửa đã hỏa thiêu tội lỗi, ứng xử của Đấng Thánh.
Hạng Vương đã hỏa thiêu cung A Phòng, lửa đã xóa đi những trụy lạc, ứng xử của bậc quân vương.
Người ta khó có thể trở thành thánh nhân.
Và trong trăm triệu người cũng chỉ cho phép có một quân vương.
Tôi đành học theo những người nông dân cách hỏa thiêu những nỗi buồn. Lạc quan và tích cực không có nghĩa là không có những nỗi buồn, mà là biết chấp nhận và tiêu hóa những phiền muộn.
Lạc quan và tích cực là biết sống và sắp xếp cuộc sống một cách có trật tự... Và biết mỉm cười.
Tôi nghĩ còn là trang bị cho tâm hồn mình những yêu thương, nhu mì, nhẫn nhịn, hiền lành, trung tín, mềm mại và tiết độ.
Và mỗi ngày tự chọn cho mình một niềm vui.
Tôi thích một câu ngạn ngữ phương Tây: Hãy mỉm cười, mọi người sẽ mỉm cười với bạn, còn nếu than khóc, bạn sẽ phải than khóc một mình.
Lại một ý tưởng khác: Hãy hướng về phía mặt trời, bóng tối sẽ bị bỏ lại phía sau.
Tôi trở về với mẹ tôi ngày xưa. Ngày ấy, đời sống như một công trường còn nhiều dở dang lệch vẹo. Mà gia tài của mẹ có gì: Bờ tre thì gai, đường quê thì vắng, chiều quê thì buồn. Và trong dằng dặc nỗi niềm ấy, mẹ đã biết mỉm cười, dù nụ cười hãy còn móm mém.
Tôi hi vọng những người con của mẹ sẽ biết lọc trong gia tài mẹ để lại ấy một tinh thần lạc quan. Và sắp xếp cuộc sống mình, để nụ cười của mình trọn vẹn hơn. Và nụ cười của mọi người cũng trọn vẹn hơn.
N.T.A