Một ngày cuối tháng Giêng năm Bính Thân, khi trời đất vẫn còn trong tiết xuân ấm áp, người người đang trẩy hội mong cầu nhân khang vật thịnh -thì cũng là thời khắc anh em văn nghệ sĩ Quảng Nam hội ngộ tại phố cổ, sông Hoài để đau đớn tiễn đưa họa sĩ Lê Văn Luyến về cõi vãng sanh. Dẫu biết cái định phận “hữu tử quy” -sống là bị quy về cái mất- là lẽ đương nhiên, nhưng sâu thẳm trong lòng mỗi người, mấy ai không khỏi ngậm ngùi. Vừa mới hôm qua, hôm kia, bữa ni, bữa nớ, anh còn tay bắt, mặt mừng, câu hát, cuộc đùa, chung trà, chén rượu... xiết bao trìu mến mà chừ thì anh đã lặng im, chìm tịch, miên viễn xa rời cõi sống.
Trong niềm xa xót khôn nguôi của gia đình, thân hữu, đồng nghiệp, tri âm này, những người anh, người bạn, người em trong Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh Quảng Nam xin thổn thức ôn lại một chặng đời, một chặng đường mà anh Lê Văn Luyến đã trải, đã sống, đã nghiệm sinh, đã chia sẻ với thân quyến, thân hữu bao chuyện vui buồn, ấm lạnh.
Họa sĩ Lê Văn Luyến sinh năm 1952 tại Hội An. Anh có quê gốc Quảng Bình. Lớn lên trong hoàn cảnh chiến tranh, ly tán, cũng như bao thanh niên khác, anh không thoát khỏi việc “khoác áo lính” chế độ cũ dù là “lính vẽ” theo nghĩa đen của từ này. Anh vẽ tranh, vẽ phông, trang trí (décor) các sân khấu biểu diễn nghệ thuật. Sau 1975 cũng nhờ nghiệp vẽ mà anh và gia đình bươn chải mưu sinh trong những năm khó nghèo thời bao cấp. Anh vẽ paneaux, affic cho ngành văn hóa thị xã, cho các xã, phường nội, ngoại thị Hội An, rồi cho phường Sơn Phong - nơi cuối đời gia đình anh “neo đậu”. Cũng cần nhắc một chút về số phần anh dường không may mắn lắm, duyên nợ ba sinh có phần đứt nối, nhà cửa bao bận chuyển dời. Cũng may là anh đối đãi mọi sự bằng chữ “tình” sâu nặng, nghiêm cẩn mà khoan dung nên con cái phương trưởng trọn bề, vợ chồng trước sau sống vì nhau thơm thảo.
Gần 50 năm qua, họa sĩ Lê Văn Luyến sống gắn bó với cây cọ, có làm việc chi rồi anh cũng về với việc “làm đẹp” bằng đường nét, sắc màu, làm chi cũng không ngoài việc vẽ. Anh vẽ biển hiệu quảng cáo, biển hiệu buôn các hàng quán, biểu trưng hàng hóa... đến vẽ trang trí lồng đèn, mặt nạ, rồi chuyên chú đến việc vẽ tranh, trở thành hoạ sĩ vẽ phố cổ. Anh sống “đắm đuối” với phố, với những ngõ rêu, những mái ngói nâu trầm, với từng ngọn nắng, cơn mưa, với “những nẻo về im lặng”, những cuộc đời lao nhọc dù giới trí thức hay bình dân của phố. Anh yêu và vẽ bằng cái nhìn nội cảm, vẽ bằng chính phận đời mình trong đời phố. Vẽ với anh như một bản năng trời phú. Những người yêu hội họa ở Hội An trên 40, 50 tuổi thật khó quên những chữ kẻ, vẽ bảng hiệu của Lê Văn Luyến - có chữ bảng hiệu anh viết đã hơn 40, 50 năm mà chủ hiệu mỗi lần tu sửa vẫn nhờ anh “làm như cũ”. Người Hội An xa quê mỗi lần về là nhận ra ngay “chữ kiểu ni là chữ của ông Luyến” (trong đó có dòng chữ “Phố cổ Hội An” tiếng Việt kèm tiếng Anh trong các tờ rơi, paneaux, affic du lịch, bìa đặc san kỷ niệm 50 năm trường Trần Quý Cáp...). Khó mà miêu tả cái “bắt mắt” của cor chữ riêng của anh - một cor chữ vừa chân phương, nghiêm cẩn lại vừa thanh thoát, mềm mại, gọi mời.
Lê Văn Luyến khởi đi từ tự học, lặng lẽ với những buồn vui đời mình, ngại phô phang, khoe mẽ. Tranh anh dung dị với những góc phố riêng, khi thì một mái cổ liêu xiêu đẫm nắng chiều, vài khóm hoa ngày chưa xa bờ giậu, cửa sổ mở ra một ban công vắng lặng, vài chiếc áo trẻ con, một chiếc khăn ngày cũ buộc hờ song cửa, đâu đó một mảng tường tróc lở, một giếng vắng, một vuông sân rêu lạnh và đôi khi ẩn hiện một bóng hồng như thực như mê... Anh có một bảng màu trầm sáng, thanh đạm, có lẽ để phô bày cái “ẩn mật” bên trong. Anh chú tâm đến “nhịp điệu” của nét, của màu - điều mà anh hay gọi là “điểm nhấn”. Phố riêng anh không có địa chỉ cụ thể góc nào, đường nào mà tranh nào cũng “rặt” Hội An. Cầm chắc rồi, anh chắc chẳng xa lạ gì với Picasso “vẽ là yêu trở lại”, hiện thực ở anh là cái nhìn tâm tưởng, một cái nhìn chắt lọc thời gian, giàu hoài niệm và cũng thật nhiều hy vọng níu giữ bóng dáng cái đẹp dù mỗi ngày càng nhận ra nó khá mong manh, dễ vỡ.
Mấy năm gần đây, họa sĩ Lê Văn Luyến vừa sáng tác tranh tham gia triển lãm với anh chị em trong Chi hội Mỹ thuật (Hội Văn học - Nghệ thuật Quảng Nam) dự các cuộc triển lãm toàn tỉnh, khu vực, vừa vẽ lồng đèn, trang trí các sự kiện văn hóa. Nghĩa là vẫn như xưa, việc gì anh cũng thể hiện hết “bản năng vẽ” của mình. Anh trở lại với mảng tranh cổ động, nhận giải thưởng toàn quốc về đề tài “Gia đình văn hóa” năm 2010, giải ba toàn quân về đề tài “Đường Trường Sơn” năm 2014, có tranh dự triển lãm về đề tài “Biển đảo”...
Sống trọng tình, cư xử khoan hòa, họa sĩ Lê Văn Luyến được anh em cảm mến không những trong đời sống thường ngày mà còn trong cả sáng tác. Anh luôn đồng hành cũng các tác giả trẻ, luôn cập nhật những vấn đề mới mẻ về nghề, luôn chia sẻ với anh em những ước ao “bứt phá” để diện mạo mỹ thuật tỉnh nhà thêm khởi sắc. Theo lời anh em kể lại, mỗi một lần có ai đó xích mích, “khó chịu, khó chơi” với ai thì chính anh là người hòa giải. Với cha mẹ, anh là người con chí hiếu, với con cháu anh là người cha, người bác nghiêm khắc nhưng rất đỗi nhân từ.
Bây giờ, họa sĩ Lê Văn Luyến đã đi xa. Đã mãi mãi ngưng lặng một nét cọ, một vệt màu, phố một ngày đã thành hoang vắng, hoa đã xa bờ giậu, lời hát gió bay, anh đã dũng cảm đối diện với cái mất, vẫn tỉnh táo, minh mẫn trong cuộc đoạn lìa. Âm vang miên viễn như hôm nao anh hát “đưa em vào quán không mùa/ ta chia nhau ngọn gió lùa rét căm”([1]). Còn mãi dáng anh cao liêu xiêu trên ngõ về đầy gió, còn đó trong bức vẽ cuối của anh - chiếc khăn buộc hờ song cửa trên gác cao như một vẫy chào vĩnh biệt!...
Cầu cho hương linh họa sĩ Lê Văn Luyến sớm vãng sanh cực lạc!
P.T.Đ