Chế Lan Viên là thi sĩ có một tâm hồn đa cảm và một trái tim dễ rung động trước mọi biến chuyển của cuộc đời. Đối với ông, cuộc sống và tình yêu có sự đan xen, hòa quyện trong nhau. Nhà thơ ca tụng tình yêu để thể hiện khát vọng sống và khát vọng sáng tạo không mệt mỏi của mình. Thơ Chế Lan Viên là cuộc đối thoại giữa cái tôi và người tình. Tuy không phải là nhà thơ viết nhiều về tình yêu như Xuân Diệu, nhưng hình tượng người tình cũng bàng bạc ở hầu hết trong các tập thơ Chế Lan Viên.
Trước cách mạng, không tìm được sự thanh thản ở chốn hư không, Chế Lan Viên tìm đến tình yêu. Tình yêu trở thành một chủ đề lớn trong Thơ Mới như là thể hiện tập trung nhất cái riêng tư của con người cá nhân. So sánh thơ tình của Chế Lan Viên với thơ tình của Xuân Diệu, Nguyễn Bính hay Huy Cận ở chặng đường sáng tác trước cách mạng, dễ thấy có nhiều nét khác biệt. Tình yêu trong Điêu tàn không phải là một thứ tình yêu trần thế mà nó hoàn toàn siêu thoát với những giấc mộng “ngủ trong sao”.
Tình yêu Chế Lan Viên vào thiên cổ, và cũng là cái cớ đưa đến cho con người thơ này trạng thái si mê. Tình yêu và cõi chết vẫn có thể hòa quyện với nhau không tách rời. Người tình của Chế Lan Viên là Chiêm nữ gần gũi mà xa xăm, mong manh và hư ảo. Chính giữa hư vô - nơi nhà thơ nhập thể vào, hiện lên hình ảnh như thực, như mộng của Chiêm nương. Đôi khi trong giấc mơ, Chế Lan Viên thấy cả một vũ khúc tuyệt vời của đoàn Chiêm nữ biến hóa theo từng điệu nhịp trống kèn, vọng lên trên tận cõi trời xanh thẳm. Tiếng nhạc u buồn ấy đã dẫn lối cho Chế Lan Viên đi tìm dáng hình Chiêm nữ khi xưa, gợi ông nhớ tới giọng ca vong quốc của các thiếu nữ Chàm: “Ta vừa nghe giọng sầu bi tha thiết/ Của Chiêm nương gờn gợn sóng cung Hằng” (Mộng). Giọng hát đó đã mang đến cho Chế Lan Viên nỗi buồn vô hạn. Ông sợ nỗi buồn đó sẽ thấm vào tâm can nên đã cất lên:
Đừng hát nữa, tiếng cô trong trẻo quá
Khiến môi tôi tê liệt khó bay cao
(Hồn tôi)
Nét đẹp của Chiêm nương hiện lên một cách mơ hồ, mỏng manh. Chế Lan Viên thấy những Chiêm nữ đi dưới trăng như những nàng tiên. Nàng là ai? Ở nơi nào? Ta không hề biết. Và ngay cả Chế Lan Viên cũng không biết nên mãi đi tìm. Suốt hành trình dai dẳng đi tìm người tình trong cơn mê hoảng, ông bắt gặp người tình trong hư vô, tiềm thức, tâm linh:
Ta vừa thấy bóng nàng trên cỏ biếc
Suối tóc dài vừa chảy giữa lòng trăng
(Mộng)
Chiêm nương là kết tinh những gì mờ ảo, phù du của mộng. Có thể nàng là trăng, là hoa, là vẻ đẹp của đất trời: mái tóc “chảy giữa dòng trăng”, giọng hát “trong trẻo quá”, dáng đi “uyển chuyển uốn mình hoa”... Người tình ấy không có tên gọi cụ thể mà chỉ hiện lên như là biểu tượng: Chiêm nương, Chiêm nữ, Cô nương, Cô em, Thân cô, Em... Người con gái đẹp đẽ nhưng lạnh lùng kia có một sức hấp dẫn tuyệt vời khiến tâm hồn nhà thơ ngây ngất. Tình yêu ấy cũng có những phút giây nồng thắm: “ôm”, “hôn”, “ghì”, “riết”... nhưng nhiều hơn cả là sự yên lặng. Có lúc hai người ngồi bên nhau mà không thổ lộ bằng lời, họ cảm nhận tình yêu bằng “đôi hơi thở”, giao cảm bằng “đôi linh hồn”:
Ta cùng nàng nhìn nhau không nói
Sợ lời than lay đổ cả đêm sâu
Đôi hơi thở tìm nhau trong bóng tối
Đôi linh hồn chìm đắm bể u sầu
(Đêm tàn)
Chế Lan Viên trân trọng dành cho Chiêm nữ tình yêu lung linh, trong trẻo:
Đứng đấy nhé, cho anh lên cung Quảng
Bảo cô Hằng: điện ngọc rộng không cùng
Sao không đi, vào chi trong mây trắng
Cho áo mờ bao phủ cả không trung?
Em ghen à? Thôi anh không đi nữa
Hãy lau ngay ngấn lệ đọng trong mi
Đưa môi đây, này môi anh chan chứa
Rượu yêu thương bừng nóng của tình si
(Trăng điên)
Chỉ bên người tình Chiêm nữ, nhà thơ mới có những giờ phút được giãi bày. Nhà thơ không muốn tâm sự nỗi lòng mình cùng ai, ngoài Chiêm nữ:
Nàng hỡi nàng
Trên tay ta là mộ trống
Trong lòng ta là huyệt bỏ với trong hồn
Là mồ không lạnh lùng sương giá đọng
Toàn khổ đau, sầu não với lo buồn
(Mồ không)
Người tình Chiêm nữ còn biểu trưng cho nỗi u sầu, oán hận của một thế giới tươi đẹp đã mất:
Đây những cảnh thái bình trong Chiêm quốc
Những cô thôn vàng nhuộm ánh chiều tươi
Những Chiêm nữ nhẹ nhàng quay lại ấp
Áo hồng nâu phủ phất xõa lời vui
Đây, trong ánh ngọc lưu li mờ ảo
Vua quan Chiêm say đắm thịt da ngà
Những Chiêm nữ mơ màng trong tiếng sáo
Cũng nhịp nhàng uyển chuyển uốn mình hoa
(Trên đường về)
Chiêm nữ hiện lên rực rỡ, tươi vui bao nhiêu trong quá khứ thì buồn thương câm lặng bấy nhiêu trong hiện tại. Vẻ đẹp trong tâm hồn người tình mà nhà thơ hướng đến cũng là khát vọng về tình nhân thế của Chế Lan Viên.
Chế Lan Viên chọn Chiêm nương là đối tượng giao cảm, dỗ dành. Soi vào mắt người tình, dõi theo những suy tư cảm xúc của người tình cũng chính là một cách để nhà thơ tự an ủi tâm hồn mình. Người tình ấy có sức ám ảnh rất lớn, làm nên những vui buồn trong đời và trong thơ Chế Lan Viên.
V.N.N