Truyện ngắn
Chẳng ai biết lão từ đâu tới. Giọng nói của lão cũng không rặt giọng của vùng miền nào mà pha trộn ngữ âm của nhiều vùng đất. Chắc chắn lão phải có một tuổi trẻ dọc ngang đây đó. Tư Can nói như đinh đóng cột rằng lão là một tay anh chị giang hồ đã hết thời, đi tìm chỗ mai danh ẩn tích, tránh mọi sự ân oán. Chín Hề thì cãi, anh chị giang hồ gì lão ấy, chắc lão bị vợ con ruồng rẫy nên chán đời trốn lánh về đây thôi. Mỗi người một ý, nhiều khi nhờ lão mà những buổi nhậu có đề tài rôm rả hơn. Họ mượn lão “làm mồi” cho những buổi rượu gạo suông với đủ mọi chuyện thêu dệt. Ai cũng như biết rõ về lão. Thật ra chẳng ai biết được một tí chút gì.
Tôi thấy cũng cần vài lời giải thích thêm rằng: ở cái xứ quê này người ta gọi “lão”, “mụ” không phải để chỉ người già cả, cao niên mà là cách gọi hàm ý xem thường, cách gọi của người trên đối với kẻ dưới, hoặc để chửi nhau. Vì thế, cả làng từ người già đến đứa trẻ con đều gọi “lão khùng” dù lão mới chỉ năm mươi là cùng.
Ngay cả cái tên “lão khùng” cũng chỉ là một thứ biệt danh mọi người gán cho lão và lão đã vui vẻ chấp nhận nó. Nhiều khi lão cũng tự xưng “khùng này” với một vẻ mặt câng câng, tự đắc. Nói cho thật công bằng, lão chỉ hơi “khác người” một chút, có khi còn quá khôn nữa là khác. Nhưng người đời thói thường vẫn vậy, cứ đòi người khác nghĩ như mình nghĩ, sống như mình sống, khác một chút là không ổn, là bị gán cho đủ thứ.
Lão không sống trong làng mà ở trong một cái miếu bỏ hoang ngoài cồn bói sát mé sông. Lịch sử của cái miếu này cũng khá lạ lùng. Không ai biết đích xác rằng nó đã ở đó từ bao giờ. Nghe nói ngày xưa, lâu lắm rồi, có một năm nắng hạn kinh khủng, cả làng xác xơ dưới cái nắng gay gắt, nửa năm không có lấy một hạt mưa. Cả một đồng bắp gắng gượng đến kỳ trổ cờ rồi trơ ra, héo rũ xuống. Những luống khoai lang quắt lại, chỉ thấy gốc mà không thấy lá, bươi mãi mới được vài chạc củ như những sợi dây. Những khuôn mặt vàng võ ngẩn ngơ nhìn nhau lắc đầu ngao ngán. Đói, đói thật sự. Nhiều người đã lần lượt bồng bế nhau bỏ làng mà đi tha phương cầu thực. Một bữa, bà lão Thà không chịu nổi cảnh ngồi nhìn đứa cháu mồ côi chết dần chết mòn trong cơn đói, bèn dắt cháu ra sông, ý định tự vẫn. Ra đến bờ sông, bà hoa cả mắt lên khi nhìn thấy cá phơi trắng bãi. Từ dưới sông một đàn rái cá đang lặn hụp, nhởn nhơ. Ôi, trời cũng còn có mắt. Các đấng thần linh cứu khổ cứu nạn đây mà. Đàn rái cá ngày ngày cung phụng cho dân làng những con cá tươi roi rói. Thế là làng tôi vượt qua được cơn đói như một phép lạ. Cái ngôi miếu ấy chính là nơi thờ “Lại đại tướng quân”. Chuyện xưa đã qua lâu lắm rồi nhưng những câu chuyện về ngôi miếu cổ vẫn không ngớt được truyền tụng. Người làng tôi vốn có trí tưởng tượng phong phú đã thêu dệt nên bao nhiêu chuyện lạ lùng về nó. Những câu chuyện truyền miệng mỗi lúc càng thêm nhiều chi tiết ly kỳ làm cho bọn trẻ chúng tôi vừa sợ hãi vừa tò mò muốn khám phá một lần nhưng chưa đứa nào dám.
Thế mà “lão khùng” lại dám ở trong đó một mình. Lão bảo: Đất trong làng đều có chủ, lão chẳng có tiền mà mua, cũng chẳng thích xin xỏ chiều lụy ai. Lão quen sống tự do, không thích chung đụng với mọi người, ở đây là tiện nhất. Mà đúng là tiện thật. Cả một bãi cát trắng chạy dài ven sông rộng hàng trăm mẫu, chỉ có những bụi cây bói mọc lơ thơ không đem lại cơm cháo gì nên chẳng có ai thèm ngó ngàng đến, vậy là thành của lão tất. Nói chơi vậy thôi, lão cũng chẳng chiếm riêng cái bãi cát ấy mà làm gì. Lão ở dưới nước gần như cả ngày, nhởn nhơ bơi lội như một con rái cá. Hay lão chính là một con rái cá? Lão bắt cá dưới sông như người ta bắt cá trong chậu, lặn một hơi, huơ tay là bắt được. Nhưng lão chỉ bắt vừa đủ để ăn. Người ta hỏi mua lão không bán. Lão bảo: Cá của trời, của đất, không phải của lão, lão không có quyền bán. Ai cần thì lão lặn xuống một hơi và ném lên cho một con. Lão quy ước: mỗi người chỉ được cho một con và cũng chỉ một lần thôi, không có lần thứ hai.
Cái cách hành xử của lão cũng khiến đôi người bực mình, nhất là đang cuộc nhậu, thiếu mồi. Nhưng người làng này có tiếng là quân tử nên chẳng ai thèm chấp với một người khùng khùng, điên điên như lão.
Bọn trẻ con trong làng thì thích lão như thích một món đồ chơi lạ. Những ngón xiếc dưới nước của lão thật ngoạn mục: lặn một hơi thật dài rồi tung mình lên cao dễ đến hai mét, quay lộn mấy vòng và nhẹ nhàng chuồi xuống mất hút dưới nước sâu. Có lúc bọn trẻ ngơ ngác không biết lão đang ở đâu thì đột nhiên lão xuất hiện kẹp lấy một đứa lôi tuột ra xa, làm chúng hoảng hốt la khóc, náo cả một bến sông. Lão cũng có rất nhiều tài vặt khác. Diều của lão làm bay cao ngút mắt. Lão thích chơi với trẻ con, sẵn sàng phục vụ những trò vui bất cứ khi nào chúng cần. Vì vậy những chiều hè trên bãi sông, khi những tia nắng bắt đầu dịu đi, bãi cát từ màu trắng chói chang chuyển qua màu vàng nhạt, cái nóng không còn đủ sức nung phồng mấy bàn chân đất là bọn trẻ lại tụ tập ngoài bãi cát đến tận tối mịt. Lão xuất hiện ở đâu thì y như rằng có một đám trẻ con rồng rắn theo sau. Có đứa còn nghịch ném đất vào lão và lão cũng giả bộ chống đỡ, khóc lóc rồi ù té chạy làm cho chúng thích chí cười vang.
Năm ấy làng tôi trải qua một cơn lụt lớn. Mưa xối xả, mưa liên miên mấy ngày không ngớt. Nước từ thượng nguồn đổ về một màu phù sa đặc quánh. Nước lên nhanh quá, thoáng chốc cả bãi bói đã ngập tràn những nước, ngôi miếu cổ nơi “lão khùng” trú ngụ cũng đã mất hút trong nước lũ. Rồi nước ngập đồng, ngập nhà, ngập làng. Cả làng là một biển nước, đây đó chỉ còn nổi lên một vài chỏm nhà và mấy ngọn cây cao. Tất cả dân làng đều phó thác sinh mạng cho trời trên những chiếc ghe nan mỏng manh, bé xíu nổi trôi như những chiếc lá tre trên biển nước mênh mông. Chẳng ai biết “lão khùng” đang ở đâu, cũng chẳng ai còn hơi sức đâu mà nhớ đến lão.
Bỗng có tiếng kêu cứu. Ghe nhà ông Thân bị lật chìm. Trong cơn nước dữ, mỗi người đều chỉ lo cho thân phận của mình, chẳng ai có thể làm được gì, mặc cho tiếng kêu cứu mỗi lúc thêm thống thiết. Đúng lúc ấy “lão khùng” xuất hiện. Lão như một con rái cá lặn ngụp trong nước đưa được cả năm người nhà ông Thân vào trú trên một chạc cây cao. Điều lạ là hễ có tiếng kêu ghe chìm ở đâu đó là lão lập tức xuất hiện, giống như là lão biết trước, giống như lão đã ứng chực sẵn ở đó từ bao giờ. Trận lụt năm ấy nhờ “lão khùng” mà hơn mười người thoát chết.
Nước rút đi, cả một ngôi làng xanh tươi trù phú biến thành một vùng đất hoang tàn. Nhiều người mất nhà, mất hết của cải, bao cơ nghiệp tạo dựng cả đời người phút chốc thành tay trắng. Đói, lại đói dữ lắm đây. Họ lặng lẽ nhìn nhau với những tiếng thở dài, cái lắc đầu ngao ngán. Lại những cảnh người dắt díu nhau đi tha phương cầu thực.
“Lão khùng” vô tư trở về với ngôi miếu cổ ngoài cồn bói. Ngôi miếu bị cát bồi lấp mất gần nửa, lão một mình đào bới, tạo dựng lại chỗ ở. Lão vẫn ngày ngày lặn ngụp dưới sông như lão vẫn thường làm. Người trong làng đang lo chống chọi với cơn đói, không ai để ý gì đến lão, cũng chẳng hơi sức đâu mà để ý đến lão thì lão lại xuất hiện với những xâu cá nặng đầy trên tay, phân phát cho từng nhà. Đều đặn, cứ chiều chiều lão lại đi cho cá nhưng mỗi nhà chỉ được một con, lớn nhỏ gì cũng chỉ một con thôi. Lão thật không biết tính, cũng chẳng công bằng, lão có nguyên tắc của lão. Dẫu sao, những con cá của lão cũng giúp cho dân làng qua ngày, chờ rau cỏ lên xanh. Bây giờ người ta lại tôn lão lên như một vị cứu tinh của dân làng.
Cho đến một hôm có mấy người đi tắm đêm, ngang qua cái ngôi miếu cổ ấy bỗng nghe thấy tiếng khóc, tiếng rên ri rỉ nghe như là tiếng của đàn bà. Họ hoảng hốt bỏ chạy về làng và đồn dậy lên rằng trong ngôi miếu ấy “lão khùng” đang sống với một con ma nữ. Có người còn quả quyết rằng họ đã từng thấy cái bóng ma ấy với mái tóc dài chấm gót đêm đêm vào ra với lão. Chẳng biết thực hư thế nào. Người ta đồn cứ đồn, lão vẫn vô tư với bãi sông và ngôi nhà của lão.
Minh họa: VÕ NHƯ DIỆU
Chuyện về “lão khùng” có vợ ma cũng dần dần nguôi ngoai thì lại có một việc khác. Cô con gái đầu đã quá lứa lỡ thì của ông Thân, cái cô gái đã từng được “lão khùng” vớt lên từ dòng nước lũ tự dưng trở nên ngơ ngơ ngẩn ngẩn như kẻ mất hồn. Người ta lại có dịp bàn tán. Người bảo: cô ấy mới thoát chết nên chưa kịp hoàn hồn, kẻ khác lại quả quyết rằng: đó là Hà Bá bắt. Tư Can ra vẻ ỡm ờ: chính “lão khùng” đấy thôi, lão cứu cái xác nhưng lại lấy cái hồn. Biết đâu cái bóng ma nữ vào ra ngôi miếu ấy không phải là hồn vía của cô ta? Mỗi người một ý kiến chẳng ai chịu ai nhưng nhờ thế mà mọi người cũng có cái mà bàn cho quên cơn đói.
Người làng lại nhìn “lão khùng” với ánh mắt khác trước. Họ trông có vẻ sợ lão. Nhiều người nhất quyết bảo lão là ma, là quỷ, là điềm gở của làng, chính tại lão về ở trong ngôi miếu ấy, làng mới ra nông nỗi này; cũng có kẻ bảo rằng lão là hiện thân của đàn rái cá năm xưa, lão chính là “Lại đại tướng quân”. Nói tóm lại lão không phải là người. Họ lẩn tránh, rẽ ngoặt đường khác mà đi mỗi lần thấy lão từ xa. Người ta dọn một con đường khác, đi ra bến sông khác tắm giặt, tránh xa cái miếu cổ nơi “lão khùng” trú ngụ và cái bến sông lão lặn ngụp thường ngày. Họ cấm ngặt trẻ con không được chơi với lão. Lũ trẻ chúng tôi tránh dần lão ra, không còn rồng rắn theo sau lão, không còn những buổi tụ tập trên bãi sông với những trò vui và những con diều bay cao ngút mắt của lão. Cũng không ai dám đem lão ra “làm mồi” cho những bữa rượu suông. Không ai muốn nhắc đến lão và dần dần người ta cũng quên bẵng lão đi.
Vào một đêm trăng hạ huyền, cô con gái nhà ông Thân bỗng dưng biến mất. Cái dấu tích cuối cùng của cô ta là một đôi dép mo cau bỏ lại trên bến sông vắng lạnh. Rồi tiếp theo sau đó nữa, thi thoảng lại có một vài trai tráng trong làng đi tắm sông đêm rồi mất hút đâu dưới dòng nước lạnh. Người làng lại xôn xao, lo lắng, ngơ ngác nhìn nhau. Cái họa này là họa lớn rồi. Những chuyện trò bấy giờ chỉ còn là những lời thầm thì, không còn rôm rả như xưa.
Vẫn chưa hết họa. Một bữa, trời chưa sáng rõ, dân làng bị đánh thức bởi tiếng la hét, tiếng súng nổ đì đùng phía xóm bến sông. Ngoài cồn bãi, đông nghịt những lính. Chúng đang hò hét ầm ào lục tung ngôi miếu cổ. Cái cồn bói vốn đã xác xơ bị chúng đốt cháy rần rật. Chúng hô hào tìm bắt “lão khùng”. Loáng thoáng người ta nghe chúng bảo “lão khùng” là một tên Việt Cộng nằm vùng có tầm cỡ, chỉ huy cả mấy xã ven sông. Bấy giờ mọi người mới ngớ ra rằng, đã hàng tháng nay không ai còn gặp lão nữa. Lão đi đâu, đi tự bao giờ, không ai hay biết. Chẳng tìm được dấu tích gì của “lão khùng” để lại, chúng quay vào làng lùng sục khắp nơi. Ông Thân là người đầu tiên bị chúng trói gô lại dẫn đi. Từ đó cứ dăm bữa, nửa tháng bọn lính trên đồn lại vào làng lùng sục bắt bớ. Thả người này, bắt người khác, làng như đang sống trong một chảo lửa. Chúng bảo cả làng đều liên quan Việt Cộng. Người lớn lại ngơ ngác nhìn nhau. Bọn trẻ con chúng tôi cũng không còn vô tư như trước.
Chuyện về “lão khùng” tưởng rồi sẽ qua đi như một huyền tích của làng, cũng giống như câu chuyện về ngôi miếu cổ và đàn rái cá năm xưa, nếu không có một ngày, bộ đội về xóa sạch cái đồn lính trên kia. Làng tôi cùng mấy xã ven sông được giải phóng. Kỳ diệu thay, trong đoàn quân giải phóng ấy có “lão khùng”, cả cô Hai nhà ông Thân và những trai làng mà ai cũng nghĩ rằng bị Hà Bá bắt năm trước.
“Lão khùng” bây giờ trông thật sạch sẽ, oai vệ với cây súng ngắn cùng mấy trái lựu đạn dài dài giắt quanh hông. Chị Hai Thân giới thiệu: Đây là đồng chí Hùng chỉ huy đơn vị. Bây giờ, trong ánh mắt của mọi người, “lão Khùng” -không phải- chú Hùng đã trở thành thần tượng. Đi đâu cũng nghe người ta nói về chú với một sự kính trọng đặc biệt. Không biết Tư Can góp nhặt ở đâu rất nhiều chuyện, toàn là những chuyện về tài đánh giặc xuất quỷ nhập thần của đồng chí Hùng, cứ kể vanh vách, say sưa như đã tận mắt chứng kiến.
Riêng với lũ trẻ chúng tôi, mặc cho chị Hai Thân dặn đi dặn lại rằng, từ nay các em phải gọi ông ấy là chú Hùng, không được gọi “lão khùng” như trước nữa, chúng tôi vẫn hét toáng lên: lão khùng, lão khùng! Tưởng lão sẽ bặm trợn, quát mắng, té ra lão vẫn cười hiền hậu như xưa.
Từ đó, cứ chiều chiều chúng tôi lại có dịp quây lấy “lão khùng” với những trò vui và những bài hát mới. Nhưng ngày vui ngắn chẳng tày gang. Chỉ vài tháng sau, một lần nữa lão lại biến mất. Chị Hai Thân bảo: Anh Hùng được trên điều động đi nhận nhiệm vụ mới. Từ đó chúng tôi không gặp lại lão nữa. Sau này, qua chị Hai Thân chúng tôi được biết là “lão khùng” của chúng tôi đã hy sinh trong một trận đánh ven thành phố.
Lũ chúng tôi lớn lên, đứa theo gia đình đi lánh đạn bom, đứa vào bộ đội. Bây giờ, thỉnh thoảng có dịp gặp nhau nhận ra trên đầu đứa nào cũng điểm bạc.
Đêm qua, sau bao nhiêu năm phiêu dạt đó đây, tôi mới có dịp về lại bến sông quê, khi ngang qua ngôi miếu hoang nơi ngày xưa thờ “Lại đại tướng quân”, chợt nghe như có tiếng ai trò chuyện thì thầm. Đến gần mới nhận ra đó chỉ là tiếng gió rì rào thổi qua những khóm lau và chiếc vòm âm u của ngôi miếu cổ. Tôi bần thần nhớ lại, ngày xưa, nơi này có một người chiến sĩ tên Hùng mà chúng tôi vẫn ghi đậm trong lòng với cái tên quen thuộc: “lão khùng”.
H.K.T