|  Đăng nhập
Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search

 

Tiêu đề: VỀ BÊN NHỮNG DẤU YÊU
Tác giả: Ngô Thị Thục Trang

Tùy bút



Đã nhiều lần tôi tự hỏi vì sao mình lại làm thơ. Tôi đặt ra giả thiết rằng nếu không sinh ra ở cái làng quê nghèo khó trăm bề nhưng lại có phong cảnh hữu tình nào sông nào núi, nào cánh đồng nằm cạnh đường làng, nào mái trường phên tre vách đất gió vi vu buổi chiều, tiếng giảng bài của cô hòa cùng tiếng gió, nào biền dâu xanh mướt ven sông, nào nương sắn nhọc nhằn trên đồi gò đá sỏi sim mua, nào con đập mùa xuân nước tràn tung trắng xóa như thác, nào cái chợ chiều hàng quán đơn sơ, nào lũy tre trầm mặc bốn mùa, nào bãi cỏ mượt mà tôi ngả lưng êm ả những trưa hè... và còn bao nhiêu điều khác nữa, tôi có làm thơ?

Mẹ bảo tôi sinh vào một đêm trăng muộn, trăng mười tám. Mẹ sinh tôi xong thì trăng cũng vừa trải vàng mênh mang ngoài sân vườn. Trăng len qua khe cửa vào ru tôi ngủ giấc đầu tiên. Tôi lớn lên bằng câu hát à ơi của nội, bằng tiếng chim chìa vôi lảnh lót ban trưa, bằng ngọn gió mát lành thổi từ cánh đồng trước mặt nhà, bằng những bữa cơm độn sắn ăn với muối mè, muối đậu phộng, bằng những cơn mưa bong bóng phập phồng, những con mối béo tròn chẳng biết từ đâu bay loạn xạ rồi nằm chết dưới mưa. Tôi lớn lên cùng trò chơi đồ hàng với những xoong nồi là vỏ sò, vỏ hến, cơm là mớ sỏi vụn, rau cá là những lá chè tàu, lá vú sữa và trứng gà, trứng vịt là những trái xoan chín ươm vàng. Không chỉ có đồ hàng, tôi còn mê chọi cỏ gà, đánh chuyền, nhảy dây, nhảy lò cò. Tôi cũng làm ná bắn chim, làm súng bời lời chia phe với lũ trẻ trong xóm chơi trò trận giả. Kết quả của những trò chơi ấy là chiếc áo dính đầy mủ bời lời. Tôi còn vác cuốc đi đào dế vào những ngày mưa lây rây. Dế đào được phần lớn để xào ăn, con nào “đẹp” thì để đó chơi trò đá dế, ham đến bỏ cơm. Chẳng có trò chơi nào của trẻ con nông thôn tôi không tham gia.

Ngày nội còn sống, tôi có những đêm trăng nằm gọn trong lòng bà trên chiếc chõng tre đặt giữa sân nghe kể chuyện cổ tích. Giọng bà tôi êm êm, trìu mến lạ kì. Sau này tôi mới được biết nội không biết chữ. Không biết chữ nhưng nội tôi là một kho tàng chuyện kể dân gian. Nội đi vào một đêm đông lạnh. Nhưng tôi nhớ ngày đưa nội đến nghĩa trang, nắng rất vàng. Khi ấy tôi mới là cô bé bảy tuổi, chưa hiểu nhiều về nỗi mất mát. Chỉ khi tiếng rao đậu hũ ngoài ngõ vang lên khi cả ba mẹ đều đi làm, không ai gọi: “đậu hũ, cho cháu tôi một bát” thì nước mắt tôi mới ứa ra. Đó là lúc tôi nhận ra điều cay đắng rằng suốt những năm tháng còn lại của cuộc đời, tôi không thể gặp lại nữa bà tôi bằng xương bằng thịt.

Tôi đã viết những vần thơ đầu tiên về bà, về mẹ, về cây xoài trĩu trái sau vườn, về luống hoa tôi chăm mỗi độ ngóng Tết. Những vần thơ ấy, ngây ngô lắm, vụng về lắm mà đầy hoan ca và hình như cũng chan chứa tình cảm, làm mẹ tôi rưng rưng nước mắt khi vô tình đọc được. Bây giờ, khi đã xem thơ như một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của mình, tôi vẫn viết về mẹ, về con đường đất dẫn về xóm tôi nho nhỏ, về làn khói bếp vấn vít mỗi chiều tà, về con mương mùa cạn nước trong veo, về tiếng dơi về quần vườn ổi suốt đêm, về buổi sáng tháng tư giữa thinh không bỗng vang lên tiếng chim “bắt cô trói cột”, về đêm đông nằm ấm với nồi than đặt dưới giường nghe mưa rơi lộp độp trên tàu chuối đầu hè. 

Tôi không trả lời được câu hỏi rằng nếu sinh ra và lớn lên ở một nơi hoàn toàn khác, không có chút gì như những điều đã trải qua, tôi có làm thơ không. Thật khó để trả lời một câu hỏi như thế. Chỉ chắc chắn tất cả những điều ấy là nguồn cội của tâm hồn tôi; những hình ảnh quê kiểng vẫn vẹn nguyên trong góc thiêng liêng nhất của lòng mình. Để mỗi khi cầm bút, tôi tha thiết quay về bên những dấu yêu...

N.T.T.T


Quay về
VĂN
GHI NHẬN TRƯỚC NGÀY HỘI LỚN
MIẾNG MI CA HÌNH TRÁI TIM
VỀ BÊN NHỮNG DẤU YÊU
LÃO KHÙNG
Ổ TẠM
THƠ
ĐƯỜNG DÀI
ĐÊM HỘI AN
THÁNG BA
NIỆM
CHIỀU TĨNH LẶNG
KHƠI NGUỒN
BIỂN ĐÊM VÀ TÙY BÚT CÒNG GIÓ
TINH MƠ
CỒNG CHIÊNG
NỖI XƯA
KHÚC QUAY VỀ + MẠ QUÁN
BÊN CHÂN CẦU CŨ + NGƯỜI ĐÀN BÀ THỨC
TIẾNG THỊ TRẤN + NHỮNG CƠN MƯA NGUYÊN BẢN
KÝ ỨC CON ĐƯỜNG + NHỮNG MẢNH VỠ VO TRÒN
GIÓ SẮP ĐỔI MÙA + VỀ NƠI PHỐ ĐÔNG
NGHIÊN CỨU - LÝ LUẬN - PHÊ BÌNH
YẾU TỐ NỘI - NGOẠI SINH TRONG QUÁ TRÌNH GIAO LƯU VĂN HÓA Ở HỘI AN
NGƯỜI TÌNH CHIÊM NỮ CỦA CHẾ LAN VIÊN
BÌNH BÀI THƠ "NGHE TẮC KÈ KÊU TRONG THÀNH PHỐ" CỦA NGUYỄN DUY
MÃI CÒN DÁNG PHỐ...
TRÀ DƯ TỬU HẬU
SỐNG XỬ Ở ĐỜI...
VĂN HỌC - HỌC VĂN
VIẾT CHO CÔ GÁI NHỎ CỦA TÔI