Truyện ngắn
Nam cảm thấy hơi bực mình. Đã bảo có buổi gặp mặt khách hàng quan trọng gần trưa mới về được nhưng vợ anh không chịu, bảo bà Tâm bị tai biến nặng. Anh phải về ngay. Dừng hết công việc lại kẻo ân hận cả đời! Đúng là vợ anh cứ thích quan trọng hóa vấn đề. Ô sin mới bị ốm có một tí, làm gì mà cuống cả lên như vậy! Nam lẩm bẩm. Đúng là đang yên đang lành... Thú thực, lần đầu thấy vợ đưa bà Tâm về anh đã không ưa rồi. Người gì có một đoạn, da thì xanh mét. Đã thế dáng đi lại còn hơi lệch nữa. Người như vậy giúp việc cái kiểu gì! Nhưng những khiếm khuyết đó kể cũng không đáng gì. Làm nhiều rồi cũng quen việc. Nhìn lâu thì cũng quen mắt thôi! Riêng khuôn mặt bị biến dạng bởi vết sẹo chạy dài từ gò má xuống gần cổ thì lại rất khó coi. Nó không những làm cho bà ấy có vẻ già hơn rất nhiều so với cái tuổi 57, mà con mắt hơi dum dúm kia càng gây cho người đối diện sự thiếu thiện cảm.
Mai, vợ Nam thì hầu như không mấy quan tâm đến những điều đó. Hết lời ca ngợi bà ấy. Chắc là vợ anh nghe được từ Liên, em họ của anh. Cô ấy nói, bà Tâm đã giúp việc cho gia đình bạn thân của cô ấy mấy năm rồi. Tốt tính lắm! Còn nữa. Mai bảo, nghe đâu bà Tâm trước đây cũng từng là thanh niên xung phong Trường Sơn. Vết sẹo ở mặt là do một lần bị thương khi đang lấp hố bom san đường... Nam khẽ nhếch môi, cho rằng Mai thật dễ tin người. Lấy gì làm căn cứ để cho rằng bà Tâm đã từng là thanh niên xung phong Trường Sơn chứ? Biết đâu khuôn mặt biến dạng của bà ấy lại là hậu quả của một lần bị đánh ghen thì sao? Mai không nói gì, chỉ khe khẽ thở dài... Bà Tâm là người kín tiếng. Và vợ chồng anh cũng rất tôn trọng quyền riêng tư của người khác. Điều duy nhất Nam biết được là gia đình bà Tâm chẳng còn ai, đi làm giúp việc đã rất nhiều năm. Có phải vì thế mà Nam cảm thấy khó chịu sao ấy, khi vợ anh đối xử với người giúp việc cứ như với người nhà không bằng... Sau cái lần mấy cô ở cơ quan anh đến nhà thăm Mai bị ốm, xì xào: “Nhà ông Nam vợ chồng con cái cứ như tranh, vậy mà không kiếm lấy người giúp việc cho ra hồn. Chắc sợ tốn tiền! Hay bà Mai thực hiện phương châm “Ô sin vừa xấu vừa già/ Chẳng lo ông xã là đà sớm trưa”, thì Nam càng cảm nhận rõ hơn cái lý do mà vợ anh chọn bà Tâm là gì rồi! Bao nhiêu người trẻ khỏe, dễ coi thì nhất định từ chối. Thật đúng là chỉ khéo lo hão!... Bởi vậy, những lúc nhà có khách, Nam dặn bà Tâm không cần phải ra nước nôi gì, anh tự lo được. Khi nói vậy Nam đâu có để ý mà thấy được con mắt dum dúm của bà Tâm chợt như dại đi... Cũng có lúc anh tự hỏi liệu mình có xét nét, khó tính quá không? Song rồi lại tặc lưỡi. Thì tính anh nó vậy. Anh vốn thích hình thức và ưa sự sạch sẽ, chỉn chu từ nhỏ...
Nam đẩy cánh cửa, tìm công tắc điện. Đây là lần đầu tiên anh bước vào căn phòng này, dù bà Tâm đến giúp việc cho gia đình anh đã hơn một năm. Thực ra nhà anh vẫn còn phòng ở. Song vì bà Tâm cứ nhất định đòi ở căn phòng nhỏ được cơi nới thêm phía dưới cầu thang cho tiện, nên anh cũng chiều theo ý bà ấy. Công bằng mà nói, nếu khuôn mặt bà Tâm không có những nét dị dạng thì chắc cũng chẳng đến nỗi nào. Bà làm việc chăm chỉ, tính lại cẩn thận, sạch sẽ, biết người biết ta nên những ác cảm ban đầu của anh với bà cũng dần được cải thiện. Đặc biệt bà Tâm có giọng nói trong, ấm và khá truyền cảm. Bé Trúc con gái anh tối nào cũng đòi bà kể chuyện cổ tích cho nghe mới chịu đi ngủ. Điều này anh tình cờ biết được khi đi ngang phòng con gái. Chứ còn như anh với bà rất ít khi trò chuyện. Nhiều lần vợ Nam nói muốn bà cùng ăn cơm với cả nhà song bà đều từ chối một cách khéo léo. Bà bảo nhà anh hay có khách, bà không muốn vì sự có mặt của mình mà làm cho những cuộc gặp gỡ kém vui. Nam cảm thấy như vậy cũng phải mặc dù trong lòng hơi có chút áy náy. Gì thì gì bà Tâm cũng là do người quen của vợ anh quý mến giới thiệu. Vợ chồng Nam hoàn toàn tin tưởng ở bạn nên khá yên tâm về người giúp việc. Thật đúng là nhất thân nhì quen. Kiếm được một người giúp việc như bà Tâm giữa thời buổi nhốn nháo, kẻ ngay người gian lẫn lộn này quả không phải dễ.
Sáng nay lúc chuẩn bị dắt xe ra cổng cơ quan, vợ anh lại gọi điện bảo anh tạt qua nhà tìm chứng minh thư của bà Tâm mang vào để làm thủ tục nhập viện. Kể từ dạo đến giúp việc cho gia đình anh, đây là lần đầu tiên bà Tâm bị ốm. Thấy vợ nói đại khái, bà ấy bị ngã do huyết áp cao. Nam tự trách mình cũng hơi vô tâm khi chưa lần nào có ý định đưa bà ấy đi khám bệnh. Mặc dù đã mấy lần Mai nhắc anh về điều này. Ai mà biết cái con người nom nhỏ nhắn, khỏe khoắn như vậy lại mắc chứng tăng huyết áp...
Căn phòng nhỏ sạch sẽ, gọn gàng và hầu như chẳng có vật dụng gì. Mấy bộ quần áo treo trong chiếc tủ vải đã hỏng khóa. Chiếc túi du lịch nhỏ còn mới để phía cuối chiếc giường cá nhân... Nam kéo phéc mơ tuya. Vài thứ lặt vặt, một cuốn sổ ghi chép như dạng nhật ký...
“K.T... ngày... tháng... năm...”. Nam liếc qua rồi mau chóng gấp lại. Anh vốn rất ghét tính tò mò, với anh đây có lẽ là việc cực chẳng đã. Dưới đáy túi là chiếc hộp nhỏ được bọc giấy ni-lon bên ngoài chằng dây nịt cẩn thận. Nam cởi dây nịt, lập bập mở nắp hộp... Đây rồi. Tấm chứng minh thư đã ngả màu vàng vàng. Bức ảnh đen trắng chụp cô gái có khuôn mặt bầu bĩnh... Nguyễn Thị Loan. Sinh ngày... tháng... Thế này là thế nào! Chẳng lẽ đây lại là bà Tâm sao?... Còn cái gì nữa đây... Nam khẽ nhíu mày đưa tay nhặt miếng mi ca hình trái tim có lỗ nhỏ được luồn bằng sợi dây dù màu áo bộ đội thành một chiếc vòng đeo cổ. Nam thấy ngờ ngợ... Miếng mi ca hình trái tim?... Lật mặt sau... Anh sững người. Tấm ảnh đen trắng nhỏ xíu, hình một đứa trẻ với chỏm tóc trái đào và cái miệng chưa có chiếc răng nào đang cười toe toét, được lồng thật khéo ở giữa miếng mi ca trong suốt như thủy tinh. Nâng miếng mi ca có bức ảnh trên tay mà người Nam cứ run lên bần bật. Trời ơi!... Nam lập cập rút ví. Tấm ảnh đen trắng được ép plastic cẩn thận, anh luôn mang theo bên mình với tấm ảnh lồng trong miếng mi ca chỉ là một. Nam thảng thốt kêu lên. Bố ơi!... Rồi như vô thức anh vồ lấy cuốn sổ nhật ký. Tay run run, hồi hộp lật dở từng trang...
“Ngày... tháng... năm...
Mình và anh quen nhau trong một lần xe anh bị “pan” gần ngay chỗ tiểu đội nữ thanh niên xung phong đóng quân. Mình đã chạy đi gọi tất cả chị em đến hỗ trợ. Trước khi xe tiếp tục lăn bánh, mình nán lại chuyện trò vài câu theo kiểu xã giao. Khi biết quê nội của mình, anh đã nhận đồng hương. Thế rồi sau đó, chẳng hiểu sao chỉ vài lần ghé thăm, mình và anh đã trở nên thân thiết. Không ngờ anh chàng đẹp trai và trẻ trung thế mà đã sớm phải chịu cảnh gà trống nuôi con. Nhiều lúc mình cứ nghĩ lẩn mẩn... Sau này nếu được cùng anh chăm sóc cho cậu con trai bé bỏng, chắc là mình sẽ cảm thấy hạnh phúc lắm!...”.
“Ngày... tháng... năm...
Không biết sức mạnh nào đã giúp mình lôi được anh ra khỏi ca bin trước khi cả chiếc xe bùng cháy. Anh bị sức ép ngất đi tưởng đã chết. Lúc áp tai lên vòm ngực vạm vỡ của anh mình phải cố gắng lắm mới nghe được nhịp tim đập yếu ớt. Mình nhanh chóng thực hành bài hô hấp nhân tạo mới được học một cách chuẩn xác đến không ngờ. Lúc chắc chắn anh ấy sống rồi, mình mới ngồi vật ra để thở. Mọi người cũng kịp đến đưa anh vào trạm phẫu. Còn mình lại mau chóng phải ra mặt đường. Ôi, nghĩ lại thấy xấu hổ quá. Mới quen nhau, đến một cái nắm tay còn chưa dám, nói gì đến sự gần gũi như thế. Giờ ngồi ghi những dòng này mình vẫn còn cảm giác run run... Giá như lúc ấy đừng có bom rơi lửa cháy...”.
“Ngày... tháng... năm...
Bác sĩ ở trạm phẫu bảo, lúc tỉnh lại nghe mọi người kể chuyện, anh rất xúc động. Anh muốn gặp mình nhưng khi biết mình đang bận thông đường, anh có vẻ buồn bã lắm. Sức anh vẫn rất yếu nên bác sĩ quyết định phải chuyến về tuyến sau điều trị tiếp. Anh gửi tặng mình miếng mi ca hình trái tim lồng bức ảnh cậu nhóc thật dễ thương. Anh còn nhắn, sau này nhất định sẽ đi tìm mình!...”.
“Ngày... tháng... năm...
Cả tiểu đội dính bom hy sinh mất hơn một nửa. Mình, Cúc, Mây và Lụa may mắn sống sót. Mình bị thương nặng nhất bởi một vết ở má và chân trái. Sau hai ngày mê man mình tỉnh lại với một chân bị nẹp cứng và nửa khuôn mặt băng kín. Vết thương ở chân thì không đáng ngại lắm. Còn vết thương ở mặt, cứ tưởng cũng chỉ sơ sơ thôi. Không ngờ... Lúc soi gương, mình chẳng còn nhận ra khuôn mặt bầu bĩnh của mình nữa. Vết sẹo chạy dài từ gò má xuống đã kéo một bên mắt trở nên dúm dó. Mình đã vất chiếc gương đi, rồi òa khóc tức tưởi... Sao mà mình còn dám gặp anh nữa đây!”.
Nam từ từ gấp cuốn nhật ký. Những hình ảnh của quá khứ cũng như đang dần hiện về khiến mắt anh chợt cay cay...
Ngày ấy Nam đang chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp đại học thì được tin bố ốm nặng. Ở trường về anh bắt xe vào thẳng bệnh viện. Bố Nam gầy đét, nằm như dán xuống chiếc giường bệnh trắng toát. Thấy Nam vào, đôi mắt đờ đẫn của bố chợt ánh lên những tia ấm áp. Đôi tay gầy khô của ông cứ nắm chặt xoắn xuýt lấy tay Nam như chẳng muốn rời....
“Bố vẫn chờ đợi cái ngày con báo tin là đã tìm được cô ấy... -Tiếng bố Nam thều thào...- Nhưng bây giờ thì không thể nữa rồi... Nếu cô ấy còn sống, nhất định con phải tìm ra cô ấy!...”. Nam gật gật đầu, cắn chặt môi cố ghìm những giọt nước mắt nặng trĩu trên bờ mi đang chỉ chực rớt xuống. Trời ơi! Mới có mấy tháng Nam không về mà bố đã ra nông nỗi này sao! Thế mà lúc nào viết thư cho Nam bố vẫn cứ nói bố khỏe lắm. Bố ăn như thuồng luồng ấy. Con cứ yên tâm học cho tốt đừng lo gì cho bố cả. Bố còn theo trâu được cả buổi kia mà! Bố ơi, bố mà có mệnh hệ nào thì con còn biết bấu víu vào đâu!.
Minh họa: ĐOÀN MÌNH THUẦN
Nam không hình dung được khuôn mặt người mẹ thân yêu. Mẹ mất lúc Nam mới vừa tròn một tuổi. Bố tạt qua nhà khi mộ mẹ cỏ đã lan xanh. Bố đưa Nam ra hiệu ảnh ở phố huyện chụp rồi thuê một ông thợ chạm khắc mỹ thuật lồng ảnh Nam vào tấm mi ca hình trái tim, cất vào ba lô. Bố gửi Nam cho bà nội rồi đi biền biệt.
Bố ra quân khi Nam đang học dở cấp ba. Cuộc sống đoàn viên chưa vui vẻ được bao nhiêu thì bà nội Nam lại theo ông nội về thế giới khác bởi vụ đắm đò khi sang bên kia sông trong một lần đi lễ chùa. Vậy là ngôi nhà nhỏ chỉ còn lại hai bố con nương tựa nhau vào ra hôm sớm. Hồi đó thấy bố không hề có ý định tục huyền, Nam vừa mừng lại vừa băn khoăn. Không hiểu sao bố còn trẻ như vậy cơ mà? Sau rồi Nam loáng thoáng biết được bố bị sao đó do ảnh hưởng bởi một lần bị sức ép ở chiến trường. Có thể bố vẫn hy vọng sẽ gặp lại được cô gái ở Trường Sơn năm xưa chăng? Nam đã giấu giấy báo đỗ đại học vì muốn đi làm gần nhà vừa đỡ đần bố vừa để ông khỏi cô quạnh một mình. Nom người bố vậy thôi chứ Nam biết ông không khỏe lắm. Những đêm học ôn khuya ở gian ngoài, Nam thấy ông ngủ mà cứ trằn trọc, bứt rứt sao ấy. Nhưng hễ Nam đi vào là bố lại nằm im thít, giả bộ ngáy đều đều. Khi biết Nam có ý định như vậy, bố giận lắm. Ông bảo, ông có thể làm tất cả, đánh đổi tất cả để được thấy Nam đường hoàng ngồi trên ghế giảng đường đại học. Điều mà ông ao ước nhưng không thể thực hiện được. Con bỏ học là phụ công bố, là có tội với mẹ! Ngay tối hôm trước ngày Nam nhập trường, bố đã kể cho Nam nghe cái lần bố thoát chết khi xe chở hàng của bố trúng bom ở một khu rừng Trường Sơn.
Người con gái thanh niên xung phong ấy đã quên hiểm nguy để cứu bố. Vậy mà bố chưa kịp nói lời cảm tạ tự đáy lòng. Bố chỉ có vật duy nhất, quý giá nhất lúc bấy giờ là tấm ảnh chụp con lúc hơn một tuổi, lồng trong miếng mi ca hình trái tim. Một kỷ vật hết sức nhỏ bé, nhưng bố tin cô ấy nếu còn sống chắc chắn vẫn giữ nguyên vẹn. Sau khi ra quân bố rất muốn đi tìm cô ấy nhưng điều kiện nhà mình không cho phép. Không hiểu sao bố vẫn tin rằng cô ấy còn sống và vẫn đang chờ bố. Trái đất quay tròn, biết đâu con lại tìm được cô ấy. Bố trông cậy cả ở con. Tương lai và cơ hội đang có trong tay con. Nếu tìm được cô ấy con phải thay bố đền đáp ơn sâu này!
Bố ra đi ngay sau đó vài hôm. Lo hậu sự cho bố xong Nam trở lại trường thi tốt nghiệp. Chắc ông bà bố mẹ khôn thiêng đã phù hộ độ trì nên Nam hoàn thành kỳ thi một cách xuất sắc. Mãi sau này Nam vẫn không thể lý giải nổi điều gì đã giúp anh vượt qua được giai đoạn đầy thử thách cam go đó. Có điều nỗi đau, cảm giác cô đơn, chống chếnh còn theo đuổi Nam mãi thời gian dài sau này, cho tới khi Nam gặp được Mai... Mai đã khóc rất nhiều khi nghe anh kể chuyện của gia đình mình. Lúc đó Nam cảm thấy mình đúng là quá vô tâm. Lo lắng chuyện học hành, lo gạo tiền cơm áo. Thực sự nhiều khi Nam đã lãng quên lời hứa với bố. Còn Mai thì ngược lại. Cô ấy cũng có niềm tin mãnh liệt như của bố anh. Cứ nghe phong thanh ai đã từng là nữ thanh niên xung phong Trường Sơn. Hoặc giả có chuyện gì liên quan, Mai đều tìm đến tận nơi để dò hỏi. Thật đúng là đáy bể mò kim! Trong lúc mọi hy vọng, cố gắng tưởng sẽ theo thời gian phai nhạt, thì bà Tâm xuất hiện. Bây giờ thì Nam mới hiểu thiện ý của vợ anh. Dù gì bà Tâm cũng đã từng là đồng đội với ân nhân của gia đình mình! Chẳng thế mà bà Tâm có lần thổ lộ, rằng bà cảm nhận được sự ấm cúng của tình cảm gia đình khi giúp việc ở nhà anh. Nam vốn chưa bao giờ tin vào những chuyện kiểu tâm linh hay thần giao cách cảm gì đó. Nhưng lần này đúng là anh sẽ phải suy nghĩ lại.
Nam lập cập bấm điện thoại... “Số máy quý khách vừa gọi hiện không liên lạc được, xin quý khách vui lòng gọi lại sau”. Quái lạ. Sao phải tắt máy chứ! Nam dáo dác... “Xin lỗi. Bác sĩ làm ơn chỉ giúp! Phòng cấp cứu bệnh nhân tai biến ở đâu ạ?”. “Anh đi thẳng đến cuối hành lang thì rẽ trái. Phòng 302”. “Dạ. Cám ơn bác sĩ”.
Nam đi như chạy. Đầu óc mường tượng ra cái cảnh vợ anh sẽ vui mừng và bất ngờ ra sao khi biết được ân nhân lại ở ngay trong chính ngôi nhà của mình. Anh không những chấp nhận bà Tâm như đề nghị của Mai mà hơn thế, anh sẽ chăm sóc cho bà ấy đến hết đời như lời hứa với bố lúc lâm chung. Như vậy Nam mới cảm thấy đỡ day dứt. Và chắc chắn ở nơi xa thẳm kia bố anh sẽ mỉm cười mãn nguyện...
Nam đẩy cửa... Vợ anh đang phủ phục xuống người bà Tâm, vai rung lên từng đợt. Bất chợt Mai quay lại, khuôn mặt nhòe nhoẹt, cô nói trong tiếng nấc: “Sao... Sao... đến muộn vậy anh?... Bà Tâm... Bà Tâm đi rồi!”.
Nam đứng chết lặng. Miếng mi ca hình trái tim rơi đánh “cạch” xuống nền nhà nghe khô khốc. Một cảm giác tê tái, hụt hẫng xâm chiếm tâm hồn anh. Bất chợt, cả khoảng không gian buồng bệnh trắng toát trước mặt Nam quay cuồng, quay cuồng rồi chuyển dần sang một màu đỏ tím như những quầng lửa bom đang rần rật cháy.
Đ.T