|  Đăng nhập
Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search

 

Tiêu đề: ĐÒ LÈN, TRÁI CHÍN TỎA HƯƠNG
Tác giả: Nguyễn Tấn Ái


Nguyễn Duy đã là cái tên tuổi để các nhà nghiên cứu “mài mực” từ rất lâu, là cái danh để người làm thơ ngưỡng mộ từ rất lâu, song tên tuổi ấy chỉ thật thân thiết với tuổi học trò từ một Ánh trăng nghiêm. Rồi lại nên mát rượi mát lạnh mát buốt cũng từ vầng trăng tâm tưởng soi bến cũ Đò Lèn.

Tuổi học trò lại gặp một Nguyễn Duy của ba năm trước, thuở ngây ngô trung học cơ sở, song tình thơ đã chín hơn ở tuổi cuối phổ thông, tuổi tập tành tập sự làm người biết lớn. Vẫn một ánh nhìn ngóng vọng bờ dĩ vãng thành sám hối, song đằm hơn, chín hơn, bớt một chút trang nghiêm giáo huấn mà thêm nhiều chiêm nghiệm.

*

*          *

Đò Lèn là ký thuật về một vùng tuổi thơ hồn nhiên trong sáng của cậu bé xứ Thanh mà cũng là của bao nhiêu vùng quê khác, những vùng quê đã sắm sửa để dành bồi dưỡng tuổi người thành thơ ngây với bao trò chơi con trẻ:

Thuở nhỏ tôi ra cống Na câu cá

Níu áo bà đi chợ Bình Lâm

Bắt chim sẻ nơi vành tai tượng Phật

Và đôi khi ăn trộm nhãn chùa Trần.


Thuở nhỏ tôi lên chơi đền cây Thị

Chân đất đi đêm xem lễ đền Sòng

Mùi hoa huệ quyện khói hương thơm lắm

Điệu hát văn lảo đảo bóng cô đồng.


Tôi trong suốt giữa đôi bờ hư thực

Giữa bà tôi và tiên phật thánh thần

Cái năm đói củ dong riềng luộc sượng

Cứ nghe thơm mùi huệ trắng hương trầm

Ba khổ thơ một ký ức, là ký ức kép, lồng ghép những bước chân tuổi thơ lung linh nghịch ngợm, đâu đâu cũng là tôi, không phải là cái tôi dễ ghét của buổi làm người lớn mà mỗi bước chân là mỗi bước trịnh trọng tính toán một tuyên ngôn chứng thực sự hiện hữu ở đời. Tôi ra, tôi đi, tôi lên... tôi xuống tôi ngồi tôi nằm toàn những bước tôi-chân-đất, bước tôi nguyên thủy buổi cha mẹ sinh ra. Với nhà thơ có khác chăng là bên mình không vẹn nguyên một bóng mẹ cha mà là bóng dáng người bà còm cõi, cái mất mát không hề phân tích phân chất mà chỉ giản đơn là tôi níu áo bà, tôi nhớ! Vậy thôi. Và tuổi ấy nên thơ lắm, chất men trẻ thơ ma mị níu kéo hồn người đến say lảo đảo, đến hư thực, làm nên một bầu không khí thần thoại cổ tích xa xưa với mùi huệ trắng, bóng cô đồng cùng thánh thần tiên Phật. Chất thơ sạch sẽ tinh tươm như một ca dao như một đồng dao hồn nhiên rất mực. Và vì tinh tươm tinh khiết tinh chất đồng dao con trẻ nên câu chuyện một người mà ngả bóng xuống bao nhiêu đời người, những đời người được cấy trồng từ vạt đất nhà quê.

Chuyện thơ chuyện người vẫy tay nhau kết nên bè bạn. Giản đơn vậy đó, thơ là tiếng gọi đàn!

*

*          *

Song song với câu chuyện tuổi thơ là câu chuyện người bà, như một bảo lãnh cần đủ để tuổi thơ của cháu mãi mãi yên bình:

Tôi đâu biết bà tôi cơ cực thế

Bà mò cua xúc tép ở đồng Quan

Bà đi bán chè xanh Ba Trại

Quán cháo đồng Giao thập thững những đêm hàn.

Câu chuyện người bà không là một ký ức tròn trịa mà là một ký-ức-vỡ, một đối sánh với hình ảnh tuổi thơ tôi. Tôi đi mà bà thì , tôi đi xem mà bà đi bán dạo, tôi trong suốt mà bà thập thững, đêm của tôi thơm nồng cung mơ mà đêm của bà lạnh lẽo cung hàn... vẫn rất chân thực những hình ảnh cái cò mà đi ăn đêm. Song giọng hân hoan mơ mộng đã không còn, mà là giọng tĩnh của một nhận thức.

Cái tĩnh yên bình đã phút chốc bay biến khi tiếng nổ chiến tranh dội vào như cơn lốc xoáy:

Bom Mỹ dội nhà bà tôi bay mất

Đền Sòng bay, bay tuốt cả chùa chiền

Thánh với Phật rủ nhau đi đâu hết

Bà tôi đi bán trứng ở ga Lèn.

Một chút biến tấu của giọng điệu, cái nhìn tỉnh lạnh thoáng chút bỡn cợt chua chát ở ba câu trên đã thành chua xót ở câu thơ cuối. Chiến tranh với thánh thần tiên Phật cõi trên là một ngày trẩy hội để rủ nhau đi, mà chiến tranh với bà tôi hãy còn là cõi sinh tồn thập thững. Tôi hình dung ra ngọn đèn dầu leo lét trên đầu quang gánh mà ngẫm hoài về ngọn lửa mưu sinh kia nó bền bỉ mong manh làm sao giữa những quầng lửa mang thương hiệu hạt nhân của những bộ óc điện tử kiêu kỳ.

Một bài thơ hay, thật trọn vẹn, song nếu chọn điểm hay nhất để nhâm nhi ngẫm ngợi thì tôi chọn khổ cuối cùng:

Tôi đi lính lâu không về thăm ngoại

Dòng sông kia vẫn bên lở bên bồi

Khi tôi biết thương bà thì đã muộn

Bà chỉ còn là một nấm cỏ thôi.

Cái kết bất thường giữa một cuộc sống rất bình thường. Tôi đi lính với trách nhiệm của thời thanh niên giàu lý tưởng. Con đường ấy tôi đã đi, đã chọn thật đáng kiêu hãnh. Song, lựa chọn nào mà không dẫm lên những hy sinh, vả chăng ngay trong một lựa chọn đã hàm sự hy sinh, lẽ đời vốn thế! Hai con đường kia, một đi về phía lý tưởng, một đi về phía yêu thương, rất tiếc đã không song hành. Cuộc đời như một dòng sông, bồi phía này mà lở phía bên kia, phía cũ kỹ, phía cỗi già, như một quy luật vật lý hiển nhiên. Người lính đã thôi nghe âm vọng của chiến tranh mà dư âm tình thương thì vọng mãi. Nhân loại đã bao nhiêu tỷ con người, bao nhiêu tỷ nấm mồ côi cút trong sương khói thanh minh? Mà chỉ để lại vài giọt tiếc thương hiếm hoi cũng đôi phần côi cút, là nấm mồ Đạm Tiên bạc mệnh:

Sè sè nấm đất bên đường

Dàu dàu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh

(Truyện Kiều - Nguyễn Du)

Là nấm mồ vô chủ bên đường khi Tản Đà ghé thăm mả cũ mà bâng khuâng tự hỏi: Người nằm dưới mả là ai đó (Thăm mả cũ bên đường - Tản Đà).

Và nữa, nấm mồ mẹ Tơm luôn là nỗi niềm tự vấn cho đứa con nuôi Tố Hữu sau hai mươi năm về lại:

Ôi bóng người xưa đã khuất rồi

Tròn đôi nấm đất dưới chân đồi

(Mẹ Tơm - Tố Hữu)

Bạn tôi, nhà thơ Nguyễn Mậu Hùng Kiệt, có mấy câu cực hay lạnh tanh những tự vấn nhân sinh kiếp người:

Con về tảo mộ ông bà

Thương thương nhớ nhớ như là người dưng!

(Thanh minh - Nguyễn Mậu Hùng Kiệt)

Bà chỉ còn là một nấm cỏ thôi! Chao, dòng thương cảm không trào lên thành sóng thác dễ va đập tâm cảm nhất thời mà cũng dễ quên, Nguyễn Duy thầm lặng chỉ đủ để cái-tôi-ngày-nay đối thoại với cái-tôi-ngày-xưa, để cái phần đời con người dù lên thác xuống ghềnh theo sơ đồ nhân gian thì cũng kịp một lần đối diện với mình, mà sống cho nên sống.

Và lời tự vấn ấy sẽ còn day dứt với mai sau khi chạm cõi lòng người đọc.

Những phận người rồi sẽ trở về cát bụi nơi đã sinh ra nó, cái có còn chăng là sợi nhớ sợi thương sợi ân tình, Nguyễn Duy đã vĩnh cửu hóa hình ảnh người bà bằng chút lòng thành kính dâng, một nấm mồ không vô danh khi gặp một tấm lòng.

*

*          *

Thơ ca là câu chuyện của tấm lòng, dù lộ trình thi ca cứ cựa quậy, cứ lạ hóa, cứ muốn mình hiện đại thì tấm lòng không bao giờ cũ. Đò Lèn đã khước từ nẻo lạ để đi về trên một con đường quen, nơi bao dấu chân từng đi qua, với thể thơ tự do mà quen thuộc nền nã, với những con chữ mộc mạc tinh khiết như lời nói hằng ngày, để tạo một giọng đồng cảm thân thiết với bạn đọc. Dân dã ngay từ tên bài thơ, tên bến cũ Đò Lèn, dân dã như bao trò nghịch ngợm trẻ con. Không một chữ mới, không một kết cấu mới mà cứ rất thơ, rất thuyết phục. Đò Lèn nói với người làm thơ rằng nhà thơ không sợ thiếu chữ, chỉ sợ thiếu tấm lòng. Đã bao câu từ xênh xang chói lọi rồi qua đi, rồi tự an ủi như một thử nghiệm không thành, Nguyễn Duy như tôi yêu xưa nay, nhà thơ của Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa, của Ánh trăng, và nay của Đò Lèn, với chất giọng và con chữ hiền như đất, như trái chín, như cây xanh... và đã là một không gian thơ thân thiết, một hồn thơ trái chín thầm lặng tỏa hương.

N.T.A


Quay về
VĂN
THÔN NỮ DÂU TẰM
TRỞ VỀ...
DUYÊN DÁNG GIÊNG HAI
NGHỀ CẮT KHÓA
SÓNG CỦA BIỂN
THƠ
BÓNG MẸ BÊN TRỜI
MẸ VÀ XUÂN
QUÊ NGOẠI
VÀ HƠI THỞ MẶT TRỜI
KHAI TÂM
VẤN XUÂN
BỖNG NHIÊN HOA SƯA
BỒI HỒI THÁNG GIÊNG
NGƯỜI XA QUÊ CÓ NHỚ LÀNG?...
MƯA THÁNG GIÊNG
ĐỨNG + KẺ TRỘM CHỮ
CHIM HÓT XANH VƯỜN MẸ + CỎ XANH
SẺ NÂU BAY XA + BẦY THIÊN NGA BAY ĐI
TRÔI + NGHĨ VỤN
VĂN HỌC NƯỚC NGOÀI
NƠI KHÔNG THỂ QUAY ĐẦU LẠI
NGHIÊN CỨU - LÝ LUẬN - PHÊ BÌNH
NGƯỜI " VỠ NÚI MỞ ĐƯỜNG" CHO VĂN HỌC NỮ VIỆT NAM
SỰ TƯƠNG ĐỒNG CỦA BỐN BÀI THƠ KHÁNG CHIẾN
TRỊNH SƠN - NGƯỜI VIẾT TRẺ
ĐÒ LÈN, TRÁI CHÍN TỎA HƯƠNG