|  Đăng nhập
Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search

 

Tiêu đề: KHÔNG CHỈ LÀ KÝ ỨC
Tác giả: Lê Trâm


Sau Blogger, dường như Phong Điệp dành nhiều tâm sức cho những thể nghiệm về cấu trúc tiểu thuyết hơn thì phải. Có thể nhận ra điều ấy với Ga ký ức(*). Một chuyến trở về miền nhớ quên của ba mẫu người (hay là hai?) - ba số phận - những số phận bị trôi dạt cùng bao biến động khôn lường bởi thời cuộc đổi thay, của bao xô bồ sau ba mươi năm đất nước đổi mới. Những thắng - thua, được - mất, dở - hay đan xen mà với độ lùi thời gian chưa nhiều không dễ gì nhận ra để có những phán xét xác đáng. Chừng như cái cách tìm về của một cá nhân riêng lẻ nào đó không đủ để chuyển tải bao nhiêu là biến động của một thời khốn khó chưa kịp lùi xa nên Phong Điệp đã đi từ ba (hay hai) hướng tiếp cận để chuyển tải các thông điệp mà tác giả phát hiện, nhận ra ở một quá trình thay đổi, biến  chuyển đến chóng mặt ấy.

Trong chuyến trở về ký ức, người hành khách đầu tiên, xưng danh rất rõ “Cô và xóm Chùa Cuối” - cô bác sĩ tâm thần (mà trong mớ hỗn độn, mơ hồ, lẫn lộn, các chương sau này mới dần định rõ hình hài) mặc sự can ngăn của nhiều người vẫn cố tìm về với cái xóm nhỏ nghèo nàn, nhếch nhác, tăm tối, thảm hại tên gọi xóm Chùa Cuối ấy. Một thời bao cấp nham nhở. Một cái xóm luôn dầm trong mưa lũ và dễ dàng chìm trong biển nước mênh mông sau mỗi cơn mưa từ thượng nguồn. Đến độ trở thành nỗi ám ảnh của cả đời người. Dễ thấu hiểu và sợ các cơn mưa như xói vào tim óc mình mỗi đêm, mưa dội lên từ những tấm tôn cũ nát và dột tứ tung, trốn vào đâu cũng thấy nước. Mùa mưa thì vậy, mùa nắng thì mịt mù bụi bẩn càng làm cho cái xóm nghèo thêm thảm hại. Làng thì chẳng còn bao nhiêu đàn ông. Cái gia đình bé mọn ấy chỉ còn lại ba người phụ nữ, dúi vào nhau để sống, không hẳn là sống mà để tồn tại. Lại thêm một con bé Dở, dở người, khiến cái thân phận đàn bà hiện ra trong hồi ức xóm Chùa Cuối càng thêm ảm đạm. Cha cô lại ra biên giới, chỉ còn mấy người đàn bà yếu đuối nương tựa vào nhau... Cứ như là cuộc chiến tranh tưởng rằng đã chấm dứt từ 1975 lại vẫn đang kéo dài tiếp hằng hai, ba mươi năm nữa... Lạnh. Đói. Chết chóc. Ký ức về những cái chết cứ dội về mãi. Cái chết của ông Thành cùng những tiếng kêu thất thanh giữa trưa. “Ối cha ơi là cha!”. Rồi cái chết của con Dở với nhơm nhớp những máu. Cứ như là trò chơi ô ăn quan của hai chị em (Dở và cô bác sĩ tâm thần hồi nhỏ) ngày nào. “Ô vạch sẵn rồi. Quân rải sẵn rồi. Ván này, em rải bằng máu. Chị ơi...” (trang 31). Như một tiếng kêu bật lên bất ngờ, thê thiết. Để đọng lại mãi về sau những hồi ức buồn bã về một tuổi thơ không thể lớn nổi như mọi người.

Cùng sống với họ mà như thuộc về một thế giới khác, nhà ông Cương “làm bên Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Trưởng bộ phận chuyên xét tuyển người đi lao động ở các nước xã hội chủ nghĩa anh em” (trang 33) có cuộc sống vô cùng sung sướng. Những kiện hàng thay nhau về từ Tiệp Khắc của anh Cả nhà bác Cường khiến cả xóm Chùa Cuối xôn xao không ngớt. Từ đó, nhà họ đã đổi đời, bắt đầu sống trong “thiên đường” bên cạnh những xiêu vẹo của cả một xóm nghèo ngày càng xơ xác. Trong mớ hỗn độn ấy, cô bé con nhà nghèo khó ngày nào cùng với ký ức về “những viên đường bé tẹo màu sắc đủ loại, chưa vào mồm đã tan biến mất tiêu” (trang 34), với ký ức về những tiếng “xoèn xoẹt, xoèn xoẹt” xoáy mãi vào tâm trí cô bé với giấc mơ bé mọn và tội nghiệp. “Hết vụ len mẹ mua cho chiếc áo mới”. “Hết vụ len mẹ phải gỡ được nửa chỉ vàng”... (trang 35). Thế rồi, nhà ông Cương vỡ nợ. Cái xóm Chùa Cuối như muốn vỡ tung... cuối cùng, hai mẹ con cũng phải rời đi với câu hỏi ám ảnh suốt phần đời còn lại: “Vì sao bố bỏ đi?”...

Một người nữa cũng lặn lội tìm về “ga ký ức”- đó là nhân vật “y”, một bệnh nhân tâm thần luôn mang trong mình nỗi ám ảnh về ngôi làng nhỏ nghèo nàn, cái nơi mà một thầy địa lý từng đi ngang qua, dừng lại xin nước uống, rồi phán: “Mảnh đất này bị yểm bùa”, phán xong liền hối hả khăn gói đi ngay, không dám ở lại thêm phút nào nữa” (trang 98). Cái làng với lời nguyền và căn bệnh bí ẩn của dòng họ “y”: đàn ông luôn bị những cơn đau đầu khủng khiếp hành hạ, còn đàn bà ai cũng phát điên lên rồi chết trước 18 tuổi. Cả làng đầy những thiếu nữ xinh xắn cứ cười hềnh hệch cả ngày. Cho nên, nghĩa địa của làng quá nửa là những ngôi mộ còn trinh... Tất cả tạo nên một không khí u ám suốt ngày phủ lên ngôi làng...

Cuộc trở về của “y” thực tại và ký ức cứ lẫn lộn, mơ hồ.

Thực tại, cái làng đã biến mất khỏi tầm mắt “y” nhưng vẫn dày đặc trong tâm trí “y” là mớ ký ức phập phù. Ở đó, “y” suýt chết khi bị chìm đáy ao vì chuột rút. Ở đó, “y” bị ám ảnh bởi hình ảnh hai người chị gái dở người “y” phải canh chừng quanh năm suốt tháng. Nhưng rồi cũng chẳng thể nào giữ được: hai chị cùng chìm xuống đáy ao và... biến thành đôi bướm trắng. Một cái chết đẹp như tranh mà tạo hóa ưu ái dành cho hai người chị tội nghiệp của “y”. “Nhìn sâu dưới đáy nước trong vắt, y thấy mờ mờ bóng hai chị đang nằm co quắp, ôm lấy nhau” (trang 105)... Nhưng “y” không hề cam phận. Với nỗ lực muốn bứt ra khỏi hiện thực thê thảm, thoát khỏi mặc cảm đói nghèo, “y” lao vào học và học. Cuối cùng, “y” đã thoát ra khỏi sự ám ảnh dữ dội đó, thoát ra cùng với chứng bệnh đau đầu dữ dội đã sớm ám lên dòng tộc “y”.

Phùng (mang đầy đủ vóc dáng của nhân vật “y”) trở về với bao nhiêu ký ức đau xót bởi thân phận của một đứa con hoang bị cả làng hắt hủi. Một người cố thoát khỏi số phận hèn mọn bằng cách cố gắng học thành tài với mong ước kiếm thật nhiều tiền. Chỉ để người đời phải nhìn mẹ con anh bằng con mắt khác, kính nể, khâm phục. Anh cần phải bù đắp lại bao nhiêu tủi cực mà mẹ con anh đã phải chịu đựng suốt những năm tháng khố nạn. Và, anh đã học xuất sắc, đã đi du học, đã buôn bán, mánh khóe, chụp giật bao nhiêu năm trời ở xứ người. Đã nhà cao cửa rộng. Và điều anh muốn nhất anh đã làm được: lôi mẹ thoát khỏi cái nơi chốn tăm tối ấy! Nhưng rồi cũng chính nơi căn hộ cao cấp với bao nhiêu tiện nghi mẹ anh lại rơi vào chứng trầm cảm ngày càng nặng nề. Mẹ Phùng không thể nào quen được cuộc sống ở phố. “Đằng này về già, tự nhiên phải sống kiểu nhà cao cửa kín không có cả không khí mà thở, toilet kề với bếp ăn, bà thấy hãi hãi... Không bao giờ bà dám đóng cửa sổ, trừ khi mưa bão. Vì đóng cửa sổ thì cũng là bịt hết không khí bên ngoài vào. Sống kiểu ấy có khi chết vì ngạt trước khi chết vì bệnh tật” (trang 178). Phùng thì mỗi ngày chỉ nói ba câu với bà. Còn lại thì đi suốt, một tháng ở Việt Nam, một tháng ở Nga. Bà chết dần nơi “thiên đường” mà chính Phùng sống chết cố dựng lên cho bằng được. Cuối cùng, Phùng đã phải đi tuyển bác sĩ tâm lý để chữa chứng bệnh trầm cảm với tiên liệu ngày càng xấu của mẹ mình. Và, anh đã gặp được “cô bác sỹ tâm thần”. Ngược lại, cô bác sĩ tâm thần “như gặp lại người quen cũ”. Mẹ Phùng trở nên quyến luyến cô bác sĩ dịu dàng như con gái. Yêu cầu của Phùng thật đơn giản nhưng khó thực hiện: “Mẹ tôi cần một bác sĩ tâm lý. Bà không thể hòa nhập được với cuộc sống hiện tại. Cuộc đời bà đã chịu quá nhiều khổ cực rồi. Tôi chỉ muốn mẹ được an nhàn, sung sướng. Nhưng bà không thể nào hòa nhập nổi. Tôi đã cố gắng. Mọi cách. Nhưng thực sự là tôi phải chịu bó tay” (trang 191). Những vấn đề nảy sinh trong hội nhập quốc tế, kinh tế thị trường, quá trình đô thị hóa đã dần bộc lộ nhưng hầu như chưa kịp có đối sách tương xứng nên nhiều cảnh ngộ phải rơi vào bi kịch là không thể tránh khỏi. Lâu nay Phùng tưởng tự mình sẽ đủ sức giải quyết mọi việc nhưng không phải và anh đã phải nhờ cậy đến “cô bác sĩ tâm thần”. Phùng hiểu cô nên mới nhờ cậy. “Gã không cần một bác sĩ. Mặc dù gã biết cô là bác sĩ. Nhưng gã không cần cái đó. Gã cần ký ức của cô, cần sự hoài niệm của cô. Gã đọc được điều đó ở cô” (trang 192). Và, có khi cô cũng là chính gã khi có cùng cái nhìn về quá khứ mỗi người! Và chính mẹ cô cũng vậy thôi, cũng lơ phơ trước gió trên ban công một tầng cao vút của một chung cư khác, không xa mấy. “Gặp mẹ Phùng, cô thoáng rùng mình sợ hãi. Bà phải chăng chính là cô của ba mươi năm sau nữa?” (trang 208). Những dự báo thật gần và thật buồn về tương lai của một lớp người mới của quá trình đô thị hóa chóng mặt diễn ra hằng ngày. Họ, chừng như đang tiến về phía nhau, ngày càng gần. “Phùng cần cô như một con bệnh cần trị liệu” (trang 200). Và cô cũng vậy.

Rồi đột nhiên, cô biến mất. Đột nhiên biến mất như những ký ức vụn vỡ trong trí nhớ chập chờn của Phùng. “Cô biến mất, để lại mình Phùng với sân ga ký ức trống rỗng” (trang 252). Tất cả nhòa đi, lẫn lộn giữa những ký ức xa xưa và thành phố Hiện Thực mơ hồ của cả hai người! Và, với những dự báo rất thật về một cuộc sống, đầy biến động và đầy bất trắc!

Phong Điệp chủ động bố trí cho các nhân vật những chương chủ yếu của tiểu thuyết xen kẽ những chương đệm. Mỗi chương chính dành đất cho các nhân vật chính là những mảng hồi ức thoạt nhìn có vẻ rời rạc, chắp vá nhưng khi xâu chuỗi lại sẽ có được một bức tranh khá hoàn chỉnh. Những diễn biến của các nhân vật chính tác động, lôi kéo, đan cài nhau phần nào tạo nên bức tranh sôi động về một thời bao cấp với những gam màu sáng tối (mà tối nhiều hơn sáng) đan xen. Những “thân phận người” va đập vào nhau, trượt lên nhau, chồng lấp lên nhau trong cái không gian sống chật hẹp, tăm tối... tạo nên những hiệu ứng ám ảnh dồn đuổi nhau, đè lên nhau đầy day dứt. Chính những ám ảnh day dứt này đã tạo nên sức hấp dẫn của tiểu thuyết. Những day dứt khiến người đọc không thể cầm lòng.

Ở một khía cạnh khác, tác giả đã “ảo hóa” được những suy nghĩ, hành động, liên tưởng của nhân vật tạo nên độ mờ nhòe nhất định làm thành độ sâu khá đắt cho Ga ký ức. Chính sự “mờ hóa” hiện thực đã tạo nên một sự thuyết phục khác của tác phẩm, đồng thời tạo nên sự gắn kết các chi tiết, các chương, đoạn với nhau làm nên sự hoàn chỉnh của tiểu thuyết. Bên cạnh những thành công về nội dung, các nỗ lực “làm mới” cách thức thể hiện tác phẩm trong Ga ký ức là một thành công đáng ghi nhận của Phong Điệp.

L.T



(*) Ga ký ức, tiểu thuyết của Phong Điệp - NXB Trẻ 2015


Quay về
VĂN
NHỚ TẾT CHIẾN TRƯỜNG...
CỔ TÍCH SÔNG HỒNG
XÔN XAO DÃ QUỲ
MẬT MÃ CỦA TRÁI TIM
DÒNG XOÁY
THƠ
DƯỚI MÀU CỜ ĐẢNG
MÙA XUÂN BÁT NGÁT
XUÂN VỀ RỒI EM ƠI
TRẦN TÌNH VỚI MÙA XUÂN
NHỊP ĐẬP TRÁI TIM XUÂN
TẦM XUÂN
THẢ
NHỚ XUÂN XƯA
BIÊNG BIẾC LÁ NON
HAIKU NGẪU TÁC
KÝ ỨC MÙA XUÂN
CHỢ QUÊ
MỘT THUỞ XUÂN XƯA
NGÕ QUÊ
MÙA VỀ QUA PHỐ
DÁNG XUÂN
TRẺ LẠI MÙA XUÂN
CÀ RỊCH CÀ TANG
TỰ CẢM
MÙA XUÂN + VẪN ĐỢI MỘT ĐIỀU CHI HẾT SỨC MƠ HỒ
KHẤT NỢ DÒNG SÔNG GIẤC MƠ TRÔI + NGHE BOLERO NHỚ TÌNH XƯA
TỔ + VIẾT GIỮA NGÀY MƯA
TIẾNG GÀ TRƯA Ở ĐẢO CHÌM + MẸ CỦA MÙA XUÂN
NGHIÊN CỨU - LÝ LUẬN - PHÊ BÌNH
VẺ ĐẸP NGÀN HOA TRONG THƠ BÁC HỒ
NHỚ NGƯỜI HÀNH PHƯƠNG NAM
KHÔNG CHỈ LÀ KÝ ỨC
GÓC NHÌN NGƯỜI TRONG CUỘC
BĂN KHOĂN CA KHÚC HÔM NAY
VĂN HỌC - HỌC VĂN
CẢM HỨNG DÂN TỘC TRONG BÌNH NGÔ ĐẠI CÁO