|  Đăng nhập
Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search

 

Tiêu đề: LAI RAI... CHUYỆN RƯỢU
Tác giả: Nguyễn Tấn Ái


Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ
Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh

Tết đến xuân về, hẳn nhiều người còn phảng phất nhớ câu đối thanh giản mà tinh tế ấy. Dù vậy, theo tôi tinh thần tết ngụ trong đôi vế đối này hình như chưa thật tròn trịa, vì còn thiếu... chút men cay. Tiếc quá! Vậy nên nhàn đàm, bổ khuyết đôi câu, lai rai chuyện rượu. Xuân này không lang thang bè bạn được, xin cung tay mời bằng hữu xa gần chén hương gọi là...

Xin được khởi sự bằng một cách ngôn của Salomon:

Chớ nhìn đến rượu khi nó đỏ hồng
Lúc nó chiếu sao trong li
Và tuôn chảy dễ dàng.
Rốt lại, nó cắn như rắn,
Và chít như rắn lục

Ở phương diện tri thức chính thống, rượu bị lên án. Với tri thức bình dân, rượu bị mắng mỏ:

Giàu đâu đến kẻ ngủ trưa
Sang đâu đến kẻ say sưa tối ngày

Song cũng trong giới bình dân đã từng có lời thách thức cũng rất nghênh ngang thi sĩ:

Còn trời, còn nước, còn non
Còn cô bán rượu, anh còn say sưa

Mà chính thống thì xưa mấy khi anh hùng, tài tử, kì nữ, văn nhân mà lại không gá nghĩa với rượu.

Lọc riêng làng văn mà kể thì cũng đã bao giai thoại, giai phẩm về rượu đủ để nhâm nhi suốt một chiều.

Ngay giữa lâu đài Đường thi đạo mạo thì thi đề RƯỢU cũng đã khá giàu có. Lí Bạch đại tửu gia uống rượu đề thơ ngợi Dương Quí Phi, ngạo Cao lực sĩ, đã để lại “Tương tiến tửu”, “Nguyệt hạ độc chước”... Đỗ Phủ với “Túy thì ca”; Đỗ Mục với “Khiển hoài”; Vương Hàn với “Lương Châu từ”...

Có lẽ phải kể đến Lưu Vũ Tích với “Ấm tửu khán mẫu đơn” tuy ít người biết đến song cũng đủ nồng độ để chếnh choáng ngàn năm:

Kim nhật hoa tiền ẩm
Cam tâm túy sổ bôi
Đãn sầu hoa hữu ngữ
Bất vị lão nhân khai

(Hôm nay uống rượu bên hoa
Vui lòng ta say mấy chén
Chỉ e rằng hoa sẽ nói:
"Không nở cho người già đâu đấy nhé)

Xuân Diệu, theo chỗ tôi biết, trộm vía ông, là người sành ăn kém rượu, song lại có lời thơ như dịch tứ thơ say của người xưa:

Ta thấy em xinh khẽ lắc đầu
Bởi vì ta có được em đâu
Tay kia sẽ ấp nhiều tay khác
Môi ấy vì ai sẽ đậm màu

Thơ hay, tiếc là thiếu men.

Làng thơ cổ điển Việt Nam cũng đọng lại vài danh tửu.

Hồ Xuân Hương, đáng mặt bà chúa với cái khí rượu đáng hổ mặt nam nhi lắm: Bầu giốc giang sơn say chấp rượu.

Tú Xương nổi tiếng phong nguyệt tình hoài ấy thế mà cốt cách tửu thi chừng kém lắm. Cả túi thơ của vị tú tài ấy không có lấy một tứ rượu cho... đáng mặt trượng phu.

Nguyễn Khuyến thâm sâu với rượu, thật đáng ngưỡng mộ.

Trăm chén hình tặng ảnh
Nghìn năm ta là ai?

Thi nhân hiện đại phong Tản Đà làm thống soái của làng thi tửu, song vị đô đốc này có lẽ bất phùng thời nên cái khí vị kẻ say đã nhiều phần kém đi cốt cách, đã luộm thuộm đi nhiều:

Đất say đất cũng lăn quay
Trời say mặt cũng đỏ gay ai cười

So với cái kiểu “Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu” (say lăn chiến địa cười khà) của người xưa thì thật kém thế quá!

Và sau Tản Đà, có lẽ rượu với làng thơ đã có phần nhạt nhẽo, nhiều bị say ít biết say! Rượu rơi vào cái thế luông tuồng, cái thế hạ phong, không đáng kể.

Riêng có một người trụ được, tuy thuộc hàng “kẻ tân”, song đủ cái nội lực để góp mặt với “cựu trào”, ấy là Nguyễn Tuân, tác giả của “Vang bóng một thời”. Trước hết, ông là người biết rượu khi kể lại thú nhấm sang trọng của người xưa, trong truyện “Hương cuội”:

Chiều ba mươi tết, cụ cử, cụ tú, cụ kép cùng thưởng tiệc rượu Thạch lan hương, người bõ già kính cẩn chắp tay đứng sau lưng chủ, có vẻ cũng chừng thèm say lắm.
Rồi mỗi một chén rượu ngừng là một lời thơ trong trẻo cất lên, cứ thế cho tàn hết một buổi chiều.

Người kể “Hương cuội” cũng là người giỏi rượu và hay rượu. Vũ Bằng kể rằng Tuân quái khách có khi “ngưu ẩm”, cũng có khi khệnh khạng một mình, một chiều bên hồ Tây và một li Mai quế lộ.

Người viết bài này không thích kiểu say trí mạng của Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương, càng không thích kiểu rượu “bần bần” của Nguyên Hồng.

Và có lời bàn:

Rượu là thế, thâm trầm và kín tiếng. Trời sinh ra rượu để dùng đãi người biết tỉnh giữa làng say. Đủ cái nội lực để đến với rượu chừng không dễ. Câu rượu ngon không có bạn hiền chừng như không phải ai cũng có cái quyền được mượn xưa mà ngâm nga tự vận. Rủi ro sao mình lại rơi đúng vào hàng kém rượu, đọc một đôi câu rượu hay mà tiếc khéo nòi rượu chính thống rồi đến ngày tuyệt tự.

Tôi sinh đúng quê xứ biết chiều, biết quí cái nhã thú cầm chén nâng chung:

Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm
Rượu Hồng Đào chưa nhấm đà say

Vậy nên cũng nặng lòng với tửu thú, và băn khoăn hoài với cái tư thế của người biết rượu.

Lại một cái xuân đến rồi, mà bầu xuân đã đầy chưa chăng chớ? Lũ bạn đã hăm he nhắn gửi tết này nhớ ghé chơi, có đúng một bầu, kẻ hà thủ ô dầm sâm ngoại, đứa đủ bộ ngũ xà... Mừng vì đứa nào đứa nấy cũng đã biết đếm tuổi mình, cái tuổi ngoài năm mươi không biết đã đủ nội lực cầm chén rượu cho phải phép?

Nhớ những xuân xưa, cha tiếp bạn bằng củ hành củ kiệu, chén trắng tận đáy chung mà đủ giữ chân bạn đúng một buổi chiều xuân, mà ngà ngà say, mà tương đắc quá! Chao ôi! Người xưa! Mà đã xưa đâu! Mà nay có lẽ sống vội sống gấp uống bậy uống càn ngỡ như tận hưởng mà đánh rơi nhiều quá!

Chờ, vẫn chờ, chiều đã đến xuân, hãy vì nhau mà học làm người nâng chén!...

N.T.A


Quay về
VĂN
TUỔI TRẺ BIẾT XÔNG PHA
KỲ NHÂN CỦA LÀNG
HẠNH PHÚC GIẢN DỊ
DẤU QUÊ
KHOẢNG TRỐNG
NHỚ XƯA BÁNH TÉT...
ĐÀO MUỘN
"NỖI BUỒN ĐẬP CÁNH"...
THƠ
BÀI CA ƠN ĐẢNG
KHÚC XUÂN
MỪNG TUỔI
BIÊN THÙY
HOA TẾT NĂM NAY CĂNG ĐẦY TRỜI
GIẤC MƠ XUÂN
QUÊ NHÀ TIẾNG SÚNG ĐÃ IM
PHỐ
HỢP ÂM
BẢ TRẠO
LỤC BÁT THÁNG GIÊNG
BÊN BẾN SÔNG CHIỀU
HẠNH PHÚC
THÌ THẦM CÙNG SÔNG MẸ
DỤ NGÔN XUÂN
VÀ MÙA XUÂN ĐẾN
XUÂN
TỰ BẠCH
MỪNG XUÂN
ĐÊM NGUYÊN TIÊU
MÙA XUÂN
NHỮNG NGỌN GIÓ TRÊN ĐỒI
CON BƯỚM XINH / CON BƯỚM ĐA TÌNH
TIẾNG THỜI GIAN
GIỮA HAI BỜ XANH EM
ĐÊM TRỪ TỊCH
MỘT THOÁNG TRONG ĐỜI
TRƯỚC GIAO THỪA
NGƯỜI NHÀ QUÊ
LẠC MẤT NHỮNG DẤU CHÂN
ĐƯỜNG VỀ NHÀ
LỜI ĐÁ NÚI
CUỘC TRÒ CHUYỆN LÚC 0 GIỜ
DÒNG CHẢY VĂN HÓA
CHỐN QUÊ
NGHIÊN CỨU - LÝ LUẬN - PHÊ BÌNH
NGHỆ THUẬT TRANG TRÍ ĐẾ THÁP CHĂM
GIAI THOẠI CÂU ĐỐI
NGƯỜI Ở RẤT LÂU QUÊ NHÀ...
TRÀ DƯ TỬU HẬU
LAI RAI... CHUYỆN RƯỢU
VĂN HỌC - HỌC VĂN
CHIẾC ÁO TẾT CỦA MẸ