|  Đăng nhập
Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search

 

Tiêu đề: CHỐN QUÊ
Tác giả: Phương Dung


Lại chạy ngược lên chợ Bà Hoa. Đường xa. Lắc léo. Zíc zắc. Ngã tư ngã năm... qua tuốt. Hôm nay là hai ba tháng chạp.

Năm nào cũng vậy. Nhớ quê làm sao những ngày cuối năm. Thế là tìm đến “chốn quê”. Hồi chưa vào Sài Gòn, chỉ biết Sài Gòn qua sách báo và thiên hạ kể lại rằng chốn ấy phồn hoa đô hội. Chốn ấy là trung tâm kinh tế lớn nhất nước và cũng là nơi ăn chơi trụy lạc đủ kiểu. Vào đó là phải đổi cái lưỡi gà ngay không thì với cái giọng quê rích này thế nào cũng bị chọc hay bị chặt chém đến cháy túi. Ấy vậy mà nghe đồn ở Sài Gòn có cái chợ rất Quảng. Quảng từ các mặt hàng đến cách bán mua và đặc biệt là Quảng trong cái giọng Quảng.

Háo hức, tò mò, thắc mắc...

Ngày khăn gói vào Nam làm cuộc tồn sinh cuối cùng là đi tìm ngay cô bạn học đã hơn ba mươi năm rồi chưa gặp. Nghe nói bạn ở ngay cửa chợ Bà Hoa. May mà đi theo con trai đã bám trụ đất này trên mười năm rồi nên đường sá nằm trong tay. Gặp nhau tay bắt mặt mừng. Cô bạn không còn nét gì của phố thị Tam Kỳ ngày xưa. Tất nhiên lớn thêm ngần ấy tuổi thì làm sao mà giống cái con bé ngồi chung bàn, hay rượt đuổi nhau hay chia nhau từng trái me chua và cũng rất hay tị nạnh chuyện quét lớp suốt bốn năm cấp hai ở ngôi trường con gái ấy. Bạn đã khác trong phong cách sống, trong giọng nói đặc sệt Sài Gòn... như là chuyện tất nhiên.

Dắt tui đi chợ Bà Hoa đi. Thì đi, cách nhà mấy bước thôi à. Thú vị nhỉ. Trời ơi, thú vị gì. Ở gần chợ phức tạp mệt chết luôn. Nhưng mà chợ quê. Ừ, cũng may chợ giống chợ ở quê. Đúng như lời đồn đại. Bước vào cửa chợ đã thấy hơi hướm quê nhà. Đang định dọn miệng uốn lưỡi lấy hơi nói giọng nhẹ nhẹ tí cho ra vẻ người thành phố thì bất ngờ bạn mình lại quay ngoắt 180 độ đổi giọng “chát ngắt” liền. Bà ơi bán cho con hai ký mì với lon nén đi bà. Cô H. ơi, mắm cái mới ra hủ nề, ngon lắm cô, bán cô chén về ăn thử hỉ. Bạn cô đó hả, Quảng phải không, Tam Kỳ, Duy Xuyên hay Quế Sơn, Đại Lộc... Hì, dĩ nhiên là Quảng rồi. Dạ, con ở Tam Kỳ, con mới dô. Ui rứa gần tui đó, tui Tam Thanh, hi. Mình tròn mắt hết ngó bạn lại nhìn mấy bà bán hàng. Thương làm sao.

Câu chuyện cứ lan từ hàng nọ qua hàng kia. Bán thì cứ bán, mua thì vẫn mua mà chuyện trò rôm rả như là ngồi trong nhà, như là quen biết từ thuở nao thuở nào. Tam Kỳ bữa ni ra răng cô. Chỉ một từ “răng” thôi là phải tả từ A đến Z. Từ kinh tế chính trị thương mại đến cảnh quang môi trường. Mỗi người hỏi mỗi kiểu. Chắc biết dân mới vào họ mới hỏi cặn kẽ thế chứ bạn mình ở mãi bên cái chợ này mấy mươi năm ròng cũng như họ thôi. Bạn mình nói thôi ở đó lê la thăm thú chuyện trò đi, tui về trước làm mì Quảng cho ăn. Nhớ cách làm không đó. Khỏi lo đi, chưa mất gốc đâu.

Thế là thả ga, thả lỏng mà nói mà hỏi mà đi. Giống như khi mình đang ở chợ quê mình. Thật lạ. Như lời đồn đại, như bao chữ nghĩa viết về ngôi chợ này. Trên mặt từng người bán còn đậm nét quê của các bà luống tuổi cho đến nét thật thà của các thiếu nữ thế hệ cháu chắt làm người người xích lại gần nhau hơn. Trên sạp hàng thì đầy đủ các món thổ sản từ vùng núi đến biển xa, từ các xã các huyện xa xôi như những bát đường đen vùng Bình Quý - Thăng Bình, lát chuối ép vàng ươm đặc sản Tiên Phước cho đến khoai lang khô Trà Đỏa... Con cá chuồn thính thơm lừng. Con ốc ruốc nhỏ tí ti đủ màu sắc biển Tam Thanh cũng góp mặt. Mắm cái thơm phức không kìm được phải nuốt nước miếng nhớ mẹt bánh đúc màu nâu gạo mùa của bà già góc đường Huỳnh Thúc Kháng - Tam Kỳ. Ôi, có cả khoai lang chà bột cứu đói những đêm mưa nội trú xa nhà hồi đi học trường sư phạm nữa nè. Nhớ mẹ lựa những củ khoai ngon nhất, nấu chín chà bột phơi khô rồi sàng sảy năm ba lần cho mịn, rang đậu phụng trộn với đường bát cạo bột. Mỗi lần lớp trưởng báo ê nhỏ có bưu phẩm là thế nào cả lớp cũng xúm xít cười cười... Nào đâu đã hết. Quảng Ngãi tỉnh bạn liền kề cũng chen chúc lủng lẳng mấy chùm đường phổi trắng phau đường phèn vàng tươi màu nắng nhạt. Bánh nổ bung đều hạt bắp, bánh thuẩn chúm chím cười nụ vàng rực. Có cả mạch nha mè xửng bên kia đèo Hải Vân. Hình như đâu chỉ có Quảng Nam. Cả một dải miền Trung dài hẹp quây quần trong cái chợ nhỏ xíu này.

Đi qua khu bán đồ dùng thấy có chiếu lác. Có phải chiếu vùng Duy Phước không bà. Răng cô biết. Ừ là chiếu quê tui đó. Nằm bền lắm ấm đông mát hạ cô mua đi. Dạ con hỏi thôi. Không mua mà nhận ra chiếu Duy Phước là tui cũng mừng. Tại con có người quen ở đó. Hình ảnh mẹ anh ngồi xe đay bên bậu cửa thật gần. Mẹ kể rằng ngày xửa ngày xưa mẹ muốn cưới cô ấy về làm dâu. Mẹ sẽ dệt cho vợ chồng anh một đôi chiếu thật đẹp. Thế mà anh thì yêu một người con gái khác...

Kề bên hàng chiếu có mấy sạp nón lá. Ôi một thời thiếu nữ nón lá nghiêng che mưa nắng đến trường giờ mịt mờ như cổ tích. Nón lá đã che giùm bao nhiêu nụ cười thẹn thùng, giấu giùm những mắt liếc đến một bờ vai. Nón lá đựng đầy những chùm phượng đỏ buổi chia xa rồi chia xa mãi mãi... Giờ thì còn đâu một tà áo trắng tóc thề nón lá với trái tim chất ngất mộng mơ. Giờ thì ai ra đường cũng đỏ vàng xanh tím đủ màu mũ bảo hiểm. Tiếc làm sao. Nón lá chỉ là hình ảnh của sân khấu và những bà nội trợ, những người làm vườn, làm đồng. Không ngờ được là chợ còn bán cả cây roi mây để đét mông con trẻ nữa đấy. Ôi thôi, từ món nhỏ đến món to. Có thể về chợ quê mình lại không tìm thấy. Kể làm sao cho xiết.

Đi, đi mãi. Đôi chân không dừng được. Lòng không cầm được. Hàng ăn vặt hiện ra quyến rũ chi lạ. Lòng xào nghệ tươi vàng ươm làm nhớ mẹ da diết mỗi lần ho cảm được mẹ tự tay làm cho một đĩa nhỏ vừa ăn vừa hít hà, nhìn hai hàm răng vàng khè thấy lo lo nhưng qua ngày mai là cơn ho chạy mất. Mì Quảng chính hiệu đây rồi nhìn là biết liền chứ không phải nước nhưn lỏng bỏng như kiểu lai miền Nam với mùi dầu phộng không lẫn với mùi dầu ăn nào khác. Mít trộn, bánh bèo, mít hông, nhộng trộn... muốn ăn mỗi thứ một ít nhưng nhớ cái nồi mì kiểm chứng tài nghệ con gái Quảng của bạn đang đợi mà nhủ lòng hãy đợi đấy chợ Bà Hoa ơi.   

*

*          *

Hồi ấy, vào năm 1950 khu này chỉ sưa sớt vài nhà thôi con. Chủ yếu là dân Quảng Nam mình. Ở ngoài quê bị bố ráp dữ quá nên cha của bác mới bỏ xứ ra đi. Vào đây được những người đến trước giúp đỡ rồi liên lạc nhau lén lút lập một chi bộ mới ngay giữa lòng Sài Gòn này. Vì chung quanh khu Bảy Hiền hồi đó ao tù nước đọng đất đai bỏ hoang lại lọt thỏm giữa biết bao bót đồn của quân đội Sài Gòn nên không bị chú ý. Thế là yên, là hoạt động thôi. Rồi dần dần lớp sau nối tiếp lớp trước mang theo canh cửi lập thành làng dệt mới. Con ở Tam Kỳ cũng không xa quê bác là mấy. Con đã đến Duy Trinh chưa. Đó đó, quê bác đó. Chồng đi vào Nam rồi vài năm sau bác cũng ra đi. Bởi “đôi ta như thể đôi tằm. Cùng ăn một lá cùng nằm một nong” mà con. Sau này người Quảng làng khác xã khác cũng lần lượt vào tụ tập quanh đây cho có bà có con. Dân đông thì phải có chợ có đường. Một người đàn bà tên Hoa đã bỏ tiền mua một khu đất xây chợ chia lô rồi cho thuê. Thế là có chợ. Dân quen gọi là chợ Bà Hoa. Chừ nghe đâu bà định cư ở nước ngoài rồi. Thật là người đàn bà có ý tưởng hay và tốt bụng con hỉ. Sau năm 1975 được đổi tên thành chợ phường 11 - Tân Bình. Nhưng từ hồi lập chợ năm 1967 đến chừ kẻ cũ người mới ai ai cũng gọi là chợ Bà Hoa thôi.

Bà nội bạn mình kể một hồi dài. Đôi mắt nheo nheo của bà lão gần 100 tuổi đời còn phảng phất nét duyên của cô gái quê xưa ẩn hiện bên triền dâu thẳm với câu hò ý nhị đẩy đưa một thời “Tơ tằm đã vấn thì vương. Đã trót dan díu thì thương tới cùng”.

Xa rồi. Xa lắm rồi.

Người đi chợ về ngang qua nhà bạn, trẻ già ríu rít giọng Quảng. Họ vẫn xách những chiếc giỏ nhựa thay cho bịch ni lông. Họ vẫn đội nón lá. Họ vẫn đi bộ. Họ có biết chính họ đã lưu dấu hồn quê Quảng ở nơi đây? Nơi những tấm lòng lưu lạc tha phương cần ấm ấp dù phương Nam không có mưa phùn gió bấc...

Tết đầu tiên xa quê năm ấy bạn đã tặng mình bánh tét bánh ú mua tại chợ Bà Hoa. Bạn nói có một người cùng làng Duy Xuyên cứ chừng hai mươi tháng chạp mỗi năm là chở mấy sọt bánh theo xe khách vào đây bán. Cứ độ 3 giờ chiều lên xe là sáng sớm mai có mặt tại chợ. Bánh còn nóng hổi. Hương vị đặc sệt nhà quê nhưng ngon lắm. Bà ấy ngồi chỗ ni nghe. Muốn ăn thì cứ đến mà tìm. Chợt nhớ năm nào mẹ anh cũng gởi cho hai đòn bánh tét ngay trong đêm giao thừa. Mẹ giờ đã về với thiên thu. Mà tết lại đang đến...

*

*          *

Phải chạy lên chợ Bà Hoa thôi.

Hai ba tháng chạp rồi. Ngày ông Táo về trời. Nhớ xưa ở quê nhà ngày này đã thấy tết tràn vào những đường làng, vào tận ngõ nhỏ từng nhà. Mẹ làm mâm cỗ đưa ông Táo về trời đơn giản thôi nhưng vẫn không thiếu lọ hoa vạn thọ chính tay mẹ trồng và chăm bẵm quanh năm cho kịp hoa cúng rằm mỗi tháng. Mẹ giờ lẩn thẩn tên mấy đứa con cũng nhầm còn đâu nhớ đến lá hoa. Thấy bà già ngồi bán mấy cây vạn thọ còi cọc nép vào lối đi bên hàng hoa trăm hồng nghìn tía từ Đà Lạt về mà lòng quặn thắt. Mua vài cây. Con trai nói hoa chi ngó tội nghiệp ghê. Ừ, mua để nhớ quê nhớ bà ngoại chứ hoa đẹp thì đầy ra đấy con ạ. Đi tìm bà bán bánh tét người Duy Xuyên thì mới hay tin bà đã qua đời. Ngày giáp tết sao vui buồn lẫn lộn. Mua thêm một cây vạn thọ còi đặt vào bực thềm chỗ bà ngồi bán năm qua như một lời đưa tiễn. Xin cảm ơn bà đã mang theo hồn quê lặn lội vào đây sưởi ấm lòng những người đồng hương xa xứ.

Lại tết...

Năm nay tự nhiên Sài Gòn trở lạnh. Lạ lắm. Người ta bảo nhau vậy. Ngoài phố đã thấy phất phơ những dải khăn quàng đủ màu sắc trên từng bờ vai thiếu nữ. Như nét chấm phá làm bức tranh xuân của phố phường thêm độc đáo. Ở đây mà lạnh thế thì quê mình lạnh lắm mẹ nhỉ. Ừ con, năm nào miền Trung cũng vậy mà. Mẹ định nấu bánh tét. Được đấy mẹ, thêm một hiện tượng lạ. Trời sắp tết mà Sài Gòn lạnh tê còn mẹ tui nấu bánh tét, ha ha... quá lạ và quá đã. Cười chi cười. Rủ thêm hàng xóm đi mẹ. Đúng đấy. Sài Gòn nhà ai nấy ở, ai cũng bận bịu suốt ngày. Mở cửa ra và rủ hàng xóm thôi.

Sài Gòn. Những ngày muộn màng của năm hối hả trôi về phía cũ kéo theo bao nhiêu con người chân đi không bén đất. Mặc dòng trôi. Lững thững đi về phía sông thả lòng mình theo sóng. Ngửa mặt nhìn trời phương Nam nói lời cảm ơn tha thiết.

Mùa xuân đã về rồi!...

P.D

Quay về
VĂN
TUỔI TRẺ BIẾT XÔNG PHA
KỲ NHÂN CỦA LÀNG
HẠNH PHÚC GIẢN DỊ
DẤU QUÊ
KHOẢNG TRỐNG
NHỚ XƯA BÁNH TÉT...
ĐÀO MUỘN
"NỖI BUỒN ĐẬP CÁNH"...
THƠ
BÀI CA ƠN ĐẢNG
KHÚC XUÂN
MỪNG TUỔI
BIÊN THÙY
HOA TẾT NĂM NAY CĂNG ĐẦY TRỜI
GIẤC MƠ XUÂN
QUÊ NHÀ TIẾNG SÚNG ĐÃ IM
PHỐ
HỢP ÂM
BẢ TRẠO
LỤC BÁT THÁNG GIÊNG
BÊN BẾN SÔNG CHIỀU
HẠNH PHÚC
THÌ THẦM CÙNG SÔNG MẸ
DỤ NGÔN XUÂN
VÀ MÙA XUÂN ĐẾN
XUÂN
TỰ BẠCH
MỪNG XUÂN
ĐÊM NGUYÊN TIÊU
MÙA XUÂN
NHỮNG NGỌN GIÓ TRÊN ĐỒI
CON BƯỚM XINH / CON BƯỚM ĐA TÌNH
TIẾNG THỜI GIAN
GIỮA HAI BỜ XANH EM
ĐÊM TRỪ TỊCH
MỘT THOÁNG TRONG ĐỜI
TRƯỚC GIAO THỪA
NGƯỜI NHÀ QUÊ
LẠC MẤT NHỮNG DẤU CHÂN
ĐƯỜNG VỀ NHÀ
LỜI ĐÁ NÚI
CUỘC TRÒ CHUYỆN LÚC 0 GIỜ
DÒNG CHẢY VĂN HÓA
CHỐN QUÊ
NGHIÊN CỨU - LÝ LUẬN - PHÊ BÌNH
NGHỆ THUẬT TRANG TRÍ ĐẾ THÁP CHĂM
GIAI THOẠI CÂU ĐỐI
NGƯỜI Ở RẤT LÂU QUÊ NHÀ...
TRÀ DƯ TỬU HẬU
LAI RAI... CHUYỆN RƯỢU
VĂN HỌC - HỌC VĂN
CHIẾC ÁO TẾT CỦA MẸ