|  Đăng nhập
Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search

 

Tiêu đề: MỘT GÓC NHÌN VỀ NGƯỜI LÍNH HẬU CẦN
Tác giả: Hà An


Lấy bối cảnh chiến trường Khu 5 trong chiến tranh chống Mỹ, tiểu thuyết Đường đen nước đỏ(*) của Đỗ Viết Nghiệm viết về những người lính làm công tác hậu cần, vừa đảm bảo vận tải vũ khí, lương thực ra phía trước, vừa trực tiếp đánh địch bảo vệ bí mật đường hành lang, kho hàng, cơ sở sản xuất nguồn cung cấp hậu cần tại chỗ. Để hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang đó, họ phải vượt qua bom đạn địch ngày đêm bắn phá ác liệt. Họ phải sống trong điều kiện thiếu gạo, nhạt muối, bệnh tật, sốt rừng. Họ đã phải hy sinh cả tuổi thanh xuân, phải trả giá bằng cả mạng sống... Bằng những trang viết sống động, chân thực và thẳng thắn, Đường đen nước đỏ không những chỉ ra được mức độ khốc liệt khó ngờ tới trên “mặt trận” hậu cần mà còn minh chứng rằng, lính hậu cần không hề “sướng” như nhiều người vẫn nghĩ. Hơn thế, tiểu thuyết này cũng không ngần ngại đề cập đến những “điều cấm” mà ta thường thấy theo cách “định hướng” một chiều “ta hay địch dở” một thời. Ranh giới mong manh giữa cái cao cả và thấp hèn, trung thành và phản bội cũng phần nào được phân lập.

Cuộc chiến tranh chống Mỹ kéo dài suốt 20 năm, nhưng câu chuyện được nhà văn Đỗ Viết Nghiệm “kể” trong Đường đen nước đỏ chỉ tập trung trong khoảng thời gian từ sau cuộc Tổng tiến công nổi dậy tết Mậu Thân 1968 cho đến khi kết thúc chiến dịch Xuân - Hè 1972. Lúc bấy giờ, cách mạng miền Nam có hai nguồn cung cấp hậu cần chủ yếu từ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, một là qua đường Trường Sơn và một là qua đường vận tải trên biển (Đoàn tàu không số). Tuy nhiên có một con đường kẻ thù ít ngờ tới, là “con đường” hậu cần tại chỗ, được chính cánh lính hậu cần thực hiện, bằng cách mở nhiều “cửa khẩu” xuống đồng bằng để thu mua gạo, thực phẩm, thuốc chữa bệnh chuyển lên. Nhưng sau Mậu Thân, địch đã nhận ra tầm quan trọng của những cửa khẩu ấy nên liên tiếp tổ chức đánh phá. Và trên thực tế, địch đã làm được một điều: Bằng sức mạnh của vũ khí hiện đại có sức hủy diệt lớn, chúng đẩy cuộc sống người lính hậu cần vào thế cùng cực. Sự nghiệt ngã của chiến tranh cũng từ đây phát sinh thêm: có những người đào ngũ, bắn cả đồng đội của mình chỉ để lấy vài cân gạo. Tinh thần chịu thương chịu khó và phẩm chất cao cả của người lính giữ lương, tải lương cũng từ đây được phát lộ thêm. Khẩu phần ăn chủ yếu là củ mì luộc, rau tàu bay, môn dóc... nhiều khi được chế biến thành cháo “súp cung đình” - những thứ lúc bình thường chỉ để nuôi gia súc mà thôi. Họ tự biên soạn cuốn “Sổ tay rau rừng”, nhưng vì chất độc hóa học do máy bay Mỹ rải thảm khắp nơi nên rau rừng cũng không có mà ăn. Đói. Lúc nào cũng đói. Thuốc men cũng thiếu. Nhiều cán bộ chiến sĩ bị thương, phải phẫu thuật nhưng không có thuốc giảm đau, nhiều người bỏ mạng vì thiếu thuốc. Nghe tiếng chim rừng kêu “khó khăn-khắc phục” mà động viên nhau vượt qua...

Tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng, lính hậu cần Khu 5 vẫn cắm sâu ở chân dãy núi Hòn Tàu, Mặt Rạng và tiếp tục mở thêm “cửa khẩu” xuống đồng bằng. Hang Hòn Tàu sâu, bằng phẳng, phình to như một túi lớn, có chỗ chứa được hàng trăm tấn hàng, xung quanh rừng cây bao phủ,... trở thành một “tổng kho”. Cũng vì lẽ đó, máy bay, bom đạn địch ngày đêm đào xới, không một thân cây nào nơi đây là không có dấu vết của mảnh bom, mảnh đạn. Có đơn vị biên chế gần năm trăm người, chỉ sau gần năm chỉ còn non một nửa.

Trong tiểu thuyết Đường đen nước đỏ có rất nhiều những câu chuyện cụ thể cảm động nói về những người lính hậu cần. Thông qua đó, tác giả còn muốn bày tỏ sự cảm phục về ý chí, lòng thủy chung son sắt của cán bộ, du kích, nhân dân hai tỉnh Quảng Nam, Quảng Đà. “Đất đai thuộc về phía bên kia, nhưng lòng dân lại thuộc về cách mạng”. Lính hậu cần nhờ lòng dân mà trụ được. Và cũng từ nhân dân, bộ đội ta sáng tạo ra được nhiều kiểu, nhiều hình thức khai thác hậu cần độc đáo hơn. Để rồi kẻ thù phải thú nhận một sự thật, dù chúng không bao giờ muốn: “Vô mùa lúa chín dân ra đồng thu hoạch, đóng bao rồi bỏ luôn ngoài đồng, đến đêm Cộng quân đưa người từ trên rú xuống lấy tại ruộng chuyển đi. Cách khác, dân mang lúa về nhà rồi xát thành gạo đàng hoàng xong đem ra chợ bán, Cộng quân có cơ sở đi thu gom hết số gạo đó về một mối... Mỗi ấp đều có chợ ngồi, buôn bán cả ngày. Có nơi chợ buổi, chợ hôm, chợ tối, mục đích lập ra nhiều chợ để bán được nhiều gạo cho Cộng quân”. Một mạng lưới hậu cần giăng ra khắp nơi mọi chốn trong lòng địch, từ Nam-Bắc Tam Kỳ, Tiên Phước, Nam Đại Lộc, Duy Xuyên, Quế Sơn (Quảng Nam)... đến khu vực Sơn Tịnh, Bồng Sơn, Nghĩa Hành, Mộ Đức, Bắc-Nam Đức Phổ, Ba Tơ (Quảng Ngãi) rồi vào tận Hoài Nhơn, An Lão (Bình Định).

Đọc tiểu thuyết Đường đen nước đỏ của Đỗ Viết Nghiệm, người đọc có cơ hội gặp lại những con người “huyền thoại” một thời. Đó là ông Năm Công (Võ Chí Công) - Bí thư Khu ủy 5, sau này là Chủ tịch Hội đồng Nhà nước nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đó là tướng Hai Mạnh (Chu Huy Mân) - Tư lệnh Quân khu 5, sau này là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị - Bộ Quốc phòng. Đó là Cục trưởng Cục Hậu cần Trần Kiên và lớp lớp cán bộ, chiến sĩ ngành hậu cần như Cục phó Hoàng, Trưởng phòng sản xuất Trương Chi, Trưởng phòng chính trị Đinh Viết Tiến, Trung đoàn trưởng Huỳnh Độ, Phó Chính ủy Đoàn... Trong đó, nhân vật Trần Kiên được Đỗ Viết Nghiệm phác họa rõ nhất. Chính ông là kiến trúc sư của nhiều kế hoạch độc đáo, xây dựng nhiều phương án - trong đó có việc thành lập lực lượng sản xuất chuyên nghiệp để trồng trọt, chăn nuôi giải quyết cái đói tức thời và chủ động bảo đảm lương thực lâu dài của quân dân Khu 5. Những câu chuyện về cuộc đời ông trong chiến tranh như là huyền thoại về sự “lập dị”, nhưng ai ai cũng tâm phục khẩu phục...

Đỗ Viết Nghiệm là nhà văn mặc áo lính. 19 tuổi vượt Trường Sơn vào chiến trường Quảng Nam, Quảng Đà, anh vấp ngay cái đói, cái khát khốc liệt ở Khu 5. Khi được biên chế vào ngành hậu cần, anh rất ấm ức vì không được ra phía trước đánh giặc. Nhưng những năm tháng ở chiến trường khốc liệt này đã cho nhà văn những suy nghĩ sâu sắc về nhiệm vụ và cũng chính từ những trải nghiệm ấy mà hôm nay, chúng ta có được những trang văn xúc động và chân thực về lực lượng hậu cần quân đội. Và đây cũng là tấm lòng của anh dành cho đồng chí, đồng đội, cho một thời gian lao mà vinh quang: ...Kết quả này xin gửi tặng đến tất cả đồng đội trong ngành Hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung, cán bộ chiến sĩ Cục Hậu cần Quân khu 5 nói riêng. Những người từng sống và chiến đấu, trong suốt cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước vô cùng khó khăn gian khổ, vô cùng ác liệt nhưng cũng vô cùng vẻ vang. Và cuối cùng người viết cũng xem đây như một nén nhang thơm, kính viếng hương hồn những người đã mất. Những người mà chúng ta đều biết, công lao của họ muôn đời sau mãi mãi không bao giờ ta được phép quên” (trích lời tác giả ở đầu sách).

H.A


(*) Nhà Xuất bản Hội Nhà văn - 2012. Giải C Giải thưởng VHNT Đất Quảng lần thứ II.

Quay về
VĂN
CHUYỆN NHỎ CỦA MỘT THỜI VÀ CỦA MỘT ĐỜI
GIẤC MƠ NÚI
TẤM THẺ NHÂN CÁCH
VỀ THĂM MẸ
NGOÀI MỌI QUY LUẬT
LÃO VẠN
THƠ
NGÀY BẠN TÔI KHÔNG VỀ
NHỮNG NGƯỜI LÍNH TRẬN
TRONG KHOẢNH KHẮC LẶNG YÊN
CÂU HÁT CŨ
CHIỀU ĐÔNG
KHI TA ĐÃ LÀ NHỮNG CƠN MƯA
KHÔNG MÙA
NÓI VỚI GIỌT SƯƠNG MAI
CAO NGUYÊN TÔI VÀ...
KHÓI + NHỮNG BÌNH VÔI ĐÃ BỂ
TẠC TƯỢNG ĐÊM + ÁP ĐẶT
MÀU HY VỌNG + THÀNH PHỐ ĐI LẠC
BÓNG THỜI GIAN + GIẤC MƠ MÀU DIỆP LỤC
HOAN CA + TRỞ VỀ
KHÁT MÙA + TIẾNG GỌI XANH
KHÚC SANG MÙA + THU BỒN, EM VÀ ANH
DÒNG CHẢY VĂN HÓA
MỘT SỐ PHONG TỤC CỦA NGƯỜI CƠ TU
NGHIÊN CỨU - LÝ LUẬN - PHÊ BÌNH
NHÂN VẬT DẸT TRONG TRUYỆN KIỀU
MỘT GÓC NHÌN VỀ NGƯỜI LÍNH HẬU CẦN
CHUYỆN NGUYÊN PHONG, CẢM NHẬN VÀ SUY NGẪM
VĂN HỌC - HỌC VĂN
TIẾNG THƠ AI ĐỘNG ĐẤT TRỜI