|  Đăng nhập
Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search

 

Tiêu đề: NHÂN VẬT DẸT TRONG TRUYỆN KIỀU
Tác giả: Trần Ngọc Hồ Trường


Nhân vật dẹt (flat character), còn được gọi là nhân vật phụ là những nhân vật phụ trợ, “không quá phức tạp và không thay đổi một cách bất ngờ”([1]) nhưng không phải bao giờ cũng nằm ở tầm thấp về vị trí, độ quan trọng. Chúng “vạch rõ những thái cực, những khuynh hướng, không phải để xếp xó”(2). Dù là nhân vật dẹt nhưng ở một tầm thức nào đó, độc giả vẫn có thể hiểu biết, khám phá về chúng, phán xử các động cơ, hành vi và bản tính của chúng. Một số nhân vật dẹt còn được cá thể hóa. Nhân vật dẹt là “bộ phận không thể thiếu”(3) trong việc sáng tạo nên sự phong phú của cuộc đời trong văn bản văn học. Nhân vật dẹt và nhân vật tròn (round character) là những phạm trù hữu dụng, một công cụ để khảo sát văn bản văn học.

Trong Truyện Kiều, có những đối tượng chỉ xuất hiện thoáng qua một lần duy nhất, trong một câu thơ nhưng họ là nhân vật dẹt vì có tên (phiếm chỉ hoặc cụ thể) và là chủ thể của một hành động. Đó là thằng bán tơ (Phải tên xưng xuất là thằng bán tơ), là hai cô hầu Xuân, Thu ở Quan Âm các (Xuân, Thu cắt sẵn hai tên hương trà), gia đồng của Kim Trọng (Gia đồng vào gởi thư nhà mới sang)... Họ là chủ thể của các hành động “xưng xuất”, “hương trà” và “gởi thư”. Các nhân vật dẹt như thế chỉ được dùng để tô điểm, làm cho một tình huống nào đó thêm hoàn chỉnh. Có tính chất tương tự như các nhân vật dẹt vừa nói còn có người đàn việt, ả hoàn, thổ quan... Một số nhân vật dẹt chỉ được gọi bằng nghề nghiệp, địa vị (như sai nha, ông quan xử kiện) hoặc bằng họ (họ Chung, họ Đô) hay bằng cách gọi tên, không có họ và tên lót (Khuyển, Ưng). Một số nhân vật dẹt được giới thiệu khá rõ hoặc là về sắc diện, nguồn gốc hoặc là về khả năng, học vấn, nghề nghiệp, như Thúy Vân, Vương Quan, Vương Ông, Mã Giám Sinh... Họ hiện diện khá lâu trong cốt truyện, dù được khắc họa không chi li nhưng cuộc đời một số trong họ được miêu tả trọn vẹn, như Thúy Vân, Vương Quan... Họ đi song hành với các nhân vật chính, trong thực tế và trong ý nghĩ của chúng, như quan hệ Vương Quan - Kim Trọng, quan hệ Thúy Vân - Thúy Kiều... Một số nhân vật dẹt khác được cá thể hóa, có phong thái, cá tính, đặc trưng riêng, như Mã Giám Sinh, Sở Khanh, thậm chí cả sai nha và đày tớ của Mã Giám Sinh cũng có nét riêng. Sai nha và đày tớ được miêu tả là “lao xao”, “ào ào”, chủ thể của âm thanh như “tiếng ruồi xanh”, phá vỡ sự yên ắng, hiền hòa của gia đình Kiều (Êm đềm trướng rủ màn che). Trong Truyện Kiều, thường thì người kể chuyện Nguyễn Du giới thiệu các nhân vật trong truyện, như giới thiệu Kim Trọng, Thúy Kiều... nhưng cũng có lúc ông để cho các nhân vật dẹt giới thiệu các nhân vật khác. Đó là trường hợp Vương Quan giới thiệu Đạm Tiên (Vương Quan mới dẫn gần xa/ Đạm Tiên nàng ấy xưa là ca nhi/ Nổi danh tài sắc một thì) và “một mụ nào” giới thiệu Mã Giám Sinh (Gần miền có một mụ nào/ Đưa người viễn khách tìm vào vấn danh/ Hỏi tên, rằng: Mã Giám Sinh)... Đây là sự đa dạng, biến hóa trong cách thức giới thiệu. Các nhân vật dẹt, do đó, dù vô danh, bé mọn, như “một mụ nào” chẳng hạn, có khi lại có vai trò quan trọng vì họ đã trở thành người kể chuyện bên cạnh người kể chuyện là tác giả.

So sánh với Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, số lượng các nhân vật dẹt trong Truyện Kiều đã gia giảm rất nhiều([2]). Nguyễn Du đã loại bỏ hàng loạt các nhân vật dẹt trong cuốn tiểu thuyết mà ông vay mượn để sáng tạo Truyện Kiều, như các nhân vật Bộ Tân, Hoa Nhân, Vệ Hoa Dương, Tuyên Nghĩa, Dụ Ân... để tránh sự rườm rà, không cần thiết. Tuy vậy theo các tiêu chí đã nói, số lượng các nhân vật trong Truyện Kiều vẫn còn rất đông đảo, lên đến 57 nhân vật, chứ không phải chỉ có “gần 30 người”([3]), trong đó, ngoài trừ một số ít các nhân vật chính (7 nhân vật), còn lại là các nhân vật dẹt. Như vậy, Truyện Kiều không chỉ là truyện kể về các nhân vật chính quen thuộc mà còn là chuyện kể về những con người bình thường, vô danh, không tên tuổi.

Nhân vật dẹt trong Truyện Kiều có lúc được đặt trong thế đối sánh với nhân vật trung tâm, để làm nổi bật nhân vật trung tâm. Đó là trường hợp Thúy Vân. Thúy Vân đã nhan sắc nhưng “Kiều càng sắc sảo mặn mà”, “so bề tài sắc lại là phần hơn”, có những chi tiết quan trọng khi đối sánh hai nhân vật này: “Kiều được điểm nhãn (Làn thu thủy, nét xuân sơn), được miêu tả tài năng và tư chất, trong khi đó, Thúy Vân không được miêu tả. Tương tự, Vương Quan là đồng thân, đồng song, bạn học của Kim Trọng, người sau này sẽ cùng đỗ đạt với Kim Trọng nhưng Kim Trọng được nói tới phong tư, khả năng, còn nhân vật dẹt Vương Quan thì không. Vương Quan chỉ là cái so sánh để từ đó làm nổi trội Kim Trọng. Cũng trong thế đối sánh, Truyện Kiều còn có những cặp tài tử - giai nhân khác, đó là Đạm Tiên - khách viễn phương và Kiều - Kim Trọng. Các cặp này ứng chiếu nhau, đồng dạng, đều là những kẻ tài hoa, nhan sắc, tham lục tiếc hồng, cùng phong vận. Tuy nhiên ở đây không có sự so sánh hơn mà chỉ là một chỉ dấu có tính dự báo về thân phận. Đạm Tiên gợi ý về thân phận Kiều. Khách viễn phương tham tiếc nhan sắc như Kim Trọng. Một số nhân vật dẹt, ở một cấp độ nào đó, là các nhân vật giải cứu, là kẻ báo tin. Họ Chung “từ tâm” thu xếp, giúp việc chuộc cha, Mã Kiều “xót nàng” đứng ra làm tờ cung chiêu, bà quản gia dinh Hoạn Thư mách bảo cho đường sống, hoa tì báo cho Kiều biết Hoạn Thư rình nghe Kiều và Thúc Sinh trò chuyện ở Quan Âm các. Nhân vật chính (ở đây là Kiều) vỡ lỡ, sáng tỏ ra, biết những thông tin quan trọng, sau khi được nhân vật dẹt mách bảo về nhân vật khác (trường hợp Mã Kiều cho Kiều biết Sở Khanh là ai...). Nhân vật trung tâm (Kiều) tồn tại được trong một môi trường nào đó, thích nghi với môi trường ấy có khi phải nhờ tới tiết lộ của nhân vật dẹt (trường hợp bà quản gia dinh Hoạn Thư khuyên Kiều). Các nhân vật dẹt này là niềm vui, niềm an ủi đối với người kể chuyện Nguyễn Du bởi trên đời hãy còn những kẻ gần như là vô danh nhưng tử tế, biết cảm thông, biết nâng đỡ nhân vật trung tâm mà ông thương mến. Nguyễn Du tin vào nhân quả. Bà quản gia dinh Hoạn Thư sau này được báo ân, còn con gái họ Chung là vợ Vương Quan, lúc này đã đỗ đạt.

Một số nhân vật dẹt như Mã Giám Sinh, Sở Khanh, Bạc Bà, Bạc Hạnh được đặt cạnh nhân vật trung tâm Thúy Kiều, tạo nên các quan hệ xung khắc, để “khẳng định con người này và phủ định con người kia([4]). Ở đó, khi soi chiếu, tương tác với nhân vật trung tâm, các nhân vật dẹt đã biểu lộ bản chất. Sở Khanh lộ ra là kẻ “mặt mo”, Mã Giám Sinh bị phát hiện là “giống hôi tanh”, Bạc Hạnh hiện ra là kẻ trơ trẽn khi bán Kiều (Bạc đem mặt bạc kiếm đường cho xa). Cũng khi được đặt cạnh các nhân vật dẹt, Kiều trở nên đau khổ và ở đó, Nguyễn Du biểu lộ lòng thương cảm, đồng thời kêu gọi độc giả cũng phản ứng như ông, qua nhiều câu thơ mang thái độ rõ ràng. Các nhân vật dẹt khác, có kẻ sống ở thế giới bên kia (Đạm Tiên), có kẻ sống ở thế giới hiện thực nhưng có khả năng thông huyền (hội chủ hội đoạn trường, đạo nhân, đạo cô, tướng sĩ...) có khả năng báo cho Kiều biết số phận của nàng. Vì thế, từ trong tiền kiếp, số phận Kiều đã được mặc định hay là về mặt bản thể, Kiều có thân phận đau khổ. Những nhân vật dẹt nói trên, cùng với các nhân vật dẹt của thế giới hiện thực có vai trò quan trọng, chi phối, “ảnh hưởng đến vận mệnh Kiều”([5]), dù một số kẻ trong đó (như tướng sĩ, đạo nhân...) xuất hiện không nhiều, ít có hành động cụ thể, chỉ hiện diện qua lời đối thoại.

Chân dung, ngoại diện, phẩm tính của các nhân vật chính sẽ không hoàn chỉnh, trọn vẹn nếu không có các nhận xét, phẩm bình, các thông tin xuất phát từ các nhân vật dẹt. Các nhân vật dẹt đã bổ khuyết cho các nhân vật chính, làm đầy các khoảng trống chưa được người kể chuyện Nguyễn Du kể hết. Qua nhận định, bàn tán của Sở Khanh, Mã Giám Sinh, Giác Duyên, Tam Hợp đạo cô, ông quan xử kiện..., tài sắc của Kiều được khẳng định một cách khách quan, rõ ràng. Trong khi đó, chỉ riêng các hành động của Từ Hải không thôi chưa đủ nói Từ là đấng anh hùng mà còn cần phải có lời thán phục, tường thuật của các nhân vật dẹt như họ Đô chẳng hạn. (Họ Đô có kẻ lại già thưa lên:/ ... Bỗng đâu lại gặp một người/ Hơn đời trí dũng, nghiêng trời oai linh/ Trong tay mười vạn tinh binh/ Kéo về đóng chật một thành Lâm Tri), chân dung, hành tung Từ Hải mới toàn vẹn hơn. Phải cầu đến các nhân vật dẹt là bởi lẽ Nguyễn Du không phải là nhà hiện thực. Ông tôn trọng tính trang nhã của văn chương thời đại mình, không miêu tả chi li, tỉ mỉ mà phải sử dụng, tạo dựng nên các nhân vật dẹt, coi đó là một thủ pháp, một cách thức để miêu tả cho hoàn chỉnh các nhân vật chính.

Chính các nhân vật dẹt (như Vương Ông, Vương Bà, Thúy Vân, Vương Quan) đã cùng nhau tạo ra một cảm giác đẹp về một không gian êm ấm, đẹp đẽ ở phần mở đầu Truyện Kiều. Xa rời không gian đó, Kiều rơi vào lưu lạc, đau khổ. Không gian ban đầu luôn tồn tại trong tâm tưởng Kiều, trong suốt chiều dài lưu lạc. Các nhân vật dẹt nói trên rất giàu tình cảm, dù không được chú ý miêu tả tâm lý một cách đậm đặc (Vương Ông thương con đến “máu sa ruột dầu”, Vương Bà biết con hàm oan, muốn “vạch trời kêu lên”...). Nói rằng các nhân vật dẹt ở trên “chưa hẳn là người lương thiện”([6]) thật không phải lẽ. Họ là những nhân vật quan trọng trong tiểu đoạn gia biến, giàu có trong tình phụ tử, mẫu tử, chị em. Thiếu các nhân vật dẹt này, Kiều không thể bộc lộ hết các phẩm tính hiếu mục, yêu thương của mình. Không thể đòi hỏi họ phải “tranh đấu” đến cùng cho công lý. Họ chỉ có thể làm tròn phận sự tình cảm của mình trong tầm mức cho phép trong điều kiện của một xã hội như xã hội Truyện Kiều. Ở góc độ văn hóa mà xét, các nhân vật dẹt ở trên và Thúc Ông, có khi cả mẹ Hoạn Thư đã làm nên các quan hệ gia đình đẹp đẽ, đầy thương yêu, bao dung. Thúc Ông là như thế, khi nghĩ con dâu đã chết (Thúc Ông sùi sụt ngắn dài/ Nghĩ con vắng vẻ, thương người nết na). Nhờ sự hiện diện của các nhân vật dẹt đã nói mà độc giả thấy được các đặc điểm tâm hồn, thế giới bên trong của các nhân vật chính (như Kiều, Kim Trọng, Thúc Sinh, Hoạn Thư). Nhiều nhân vật dẹt, một số được đề cập đến bằng bút pháp châm biếm kín đáo, mỗi lần xuất hiện đều gây nên các sự kiện lớn đối với nhân vật trung tâm (sai nha gây gia biến, bán mình, Mã Giám Sinh làm Kiều thất thân, Bạc Bà, Bạc Hạnh đưa Kiều vào hành viện, Khuyển, Ưng đẩy Kiều vào dinh Hoạn Thư...). Như vậy, thân phận nhân vật trung tâm bị các nhân vật dẹt chi phối. Họ trực tiếp đẩy nhân vật trung tâm vào các cuộc phiêu lưu, di chuyển không gian.

Ngoài chức năng đối sánh, làm nổi bật nhân vật trung tâm (Thúy Vân, Vương Quan), cung cấp thông tin cho nó (Mã Kiều...), các nhân vật dẹt còn có chức năng thực hiện những sai khiến (Khuyển, Ưng, sai nha), nhấn mạnh phẩm tính của nhân vật trung tâm (Bạc Bà, họ Đô...), thuyết lý, phân tích, tổng luận về cuộc đời nó (Tam Hợp đạo cô...), và là tác nhân gây đau khổ cho nhân vật trung tâm (tên bán tơ...). Các nhân vật dẹt hoặc nằm ở thái cực này hoặc ở đầu bên kia, chủ yếu là về mặt tư cách, phẩm tính. Có thể thấy họ là sai nha, thằng bán tơ, đày tớ, Mã Giám Sinh, Khuyển, Ưng... và bên kia là bà quản gia, Mã Kiều, sư Giác Duyên... Họ hoặc nâng đỡ hoặc hủy hoại cuộc đời của nhân vật trung tâm Thúy Kiều. Sự phân chia này căn cứ chủ yếu vào hành động bởi nội tâm của chúng hầu như không được chú ý miêu tả. Một số nhân vật dẹt (đạo nhân, tướng sĩ, Đạm Tiên, Tam Hợp đạo cô) cùng với môi trường hoạt động của chúng là tĩnh đàn, bãi tha ma, cõi chiêm bao, đường vân du tạo nên một không gian siêu hình, ma quái, kì ảo, huyền hoặc, có quyền uy đối với con người trong cõi thực. Sự xuất kiện và tồn tại của một thế giới nhân vật dẹt đông đảo, lấn át hoàn toàn về mặt số lượng so với các nhân vật tròn chính là một dấu hiệu biểu đạt quan niệm nghệ thuật của Nguyễn Du. Truyện Kiều vì thế là một câu chuyện tạp nhạp, tạp lục đích thực, miêu tả cuộc đời trong cái ta bà, thế tục, trần tục của nó. Các mẫu hình con người được lựa chọn để khảo sát cũng đã thay đổi. Các nhân vật quan phương, cao cả, vị quân, vị quốc không còn. Truyện Kiều đã hướng đến những con người bé nhỏ, hèn mọn, bình thường. Không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Du đã gạt bỏ đi một số nhân vật dẹt trong Kim Vân Kiều truyện, chẳng hạn như các nhân vật thuyết hàng... Đó không chỉ bởi sự rườm rà mà do chúng ít nhiều có tính quý tộc. Tên các nhân vật này có nghĩa cho thấy sự cao nhã của chúng. Nhà thơ chỉ giữ lại những nhân vật dẹt có hành vi rất cuộc đời, phù hợp với một truyện kể về những điều nôm na. Các xung đột trong Truyện Kiều sẽ nghèo nàn, nếu không có các nhân vật dẹt đông đảo. Họ tương tác với các nhân vật chính, làm nên các xung đột cơ bản cho truyện. Đó là các xung đột giữa Sở Khanh - Kiều, Mã Giám Sinh - Kiều, Bạc Bà, Bạc Hạnh - Kiều... Cũng thế, cốt truyện sẽ không hoàn chỉnh, nếu thiếu vắng các nhân vật dẹt do một số trong họ làm trung gian, kết nối các sự kiện (như Mã Kiều, bà quản gia, Sở Khanh...). Nhờ sự hiện diện của họ, cốt truyện trở nên có cấu trúc bền chặt, logic, chắc chắn và có tính thuyết phục.

T.N.H.T



([1]), (2) Nhiều tác giả, The Norton Introduction to Literature, W.W Norton & Company, Inc, 2002, tr 103.

(3) Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi, Từ điển thuật ngữ văn học, NXB Giáo dục, 1992, tr 160.

([2]) Phạm Đan Quế, Truyện Kiều và Kim Vân Kiều truyện, NXB Văn học, 2000.

([3]) Lý Toàn Thắng, Về ngôn ngữ giới thiệu nhân vật trong Truyện Kiều/ Trong sách Văn học Việt Nam, Văn học trung đại - Những công trình nghiên cứu, Lê Thu Yến cb, NXB Giáo dục, 2003, tr 203.

([4]) Nguyễn Phạm Hùng, Trên hành trình văn học trung đại, NXB Đại học quốc gia Hà Nội, 2001, tr 514.

([5]) Lê Đình Kỵ, Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực, Hội nhà văn Tp. Hồ Chí Minh, 1992, tr 84.

([6]) Hoài Thanh, Quyền sống của con người trong Truyện Kiều (Truyện Kiều - Tác phẩm và dư luận, NXB Văn học, 2008, tr 173).


Quay về
VĂN
CHUYỆN NHỎ CỦA MỘT THỜI VÀ CỦA MỘT ĐỜI
GIẤC MƠ NÚI
TẤM THẺ NHÂN CÁCH
VỀ THĂM MẸ
NGOÀI MỌI QUY LUẬT
LÃO VẠN
THƠ
NGÀY BẠN TÔI KHÔNG VỀ
NHỮNG NGƯỜI LÍNH TRẬN
TRONG KHOẢNH KHẮC LẶNG YÊN
CÂU HÁT CŨ
CHIỀU ĐÔNG
KHI TA ĐÃ LÀ NHỮNG CƠN MƯA
KHÔNG MÙA
NÓI VỚI GIỌT SƯƠNG MAI
CAO NGUYÊN TÔI VÀ...
KHÓI + NHỮNG BÌNH VÔI ĐÃ BỂ
TẠC TƯỢNG ĐÊM + ÁP ĐẶT
MÀU HY VỌNG + THÀNH PHỐ ĐI LẠC
BÓNG THỜI GIAN + GIẤC MƠ MÀU DIỆP LỤC
HOAN CA + TRỞ VỀ
KHÁT MÙA + TIẾNG GỌI XANH
KHÚC SANG MÙA + THU BỒN, EM VÀ ANH
DÒNG CHẢY VĂN HÓA
MỘT SỐ PHONG TỤC CỦA NGƯỜI CƠ TU
NGHIÊN CỨU - LÝ LUẬN - PHÊ BÌNH
NHÂN VẬT DẸT TRONG TRUYỆN KIỀU
MỘT GÓC NHÌN VỀ NGƯỜI LÍNH HẬU CẦN
CHUYỆN NGUYÊN PHONG, CẢM NHẬN VÀ SUY NGẪM
VĂN HỌC - HỌC VĂN
TIẾNG THƠ AI ĐỘNG ĐẤT TRỜI