|  Đăng nhập
Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search

 

Tiêu đề: MỘT SỐ PHONG TỤC CỦA NGƯỜI CƠ TU
Tác giả: Nguyễn Tri Hùng


Cơ tu là tộc người thiểu số có ngôn ngữ thuộc ngành Cơtuic thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khơme, hệ Nam Á, phân bố ở phía Bắc dãy Trường Sơn. Ở Việt Nam, tính đến ngày 01/4/1999, dân số người Cơ tu là 50.458 người, chiếm 0,1% dân số toàn quốc. Riêng ở Quảng Nam, năm 2004 có 42.558 người Cơ tu, đứng hàng thứ hai về dân số sau người Kinh, họ có vai trò rất quan trọng trong phát triển vùng chiến lược phía Tây của tỉnh. Cạnh đó, người Cơ tu cũng có những nét rất riêng trong phong tục tập quán, làm nên bản sắc của tộc người và góp phần làm phong phú thêm vốn văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Bài viết này xin giới thiệu một số phong tục tiêu biểu của người Cơ tu.

Tục ngủ duông:

Với người Cơ tu, trước khi tiến tới hôn nhân, nam nữ thanh niên được tự do tìm hiểu nhau chứ không bị nghiêm cấm khắt khe. Họ có thể gần gũi, trò chuyện thâu đêm. Những cô gái nào có được nhiều chàng trai gặp gỡ trò chuyện thì cha mẹ họ luôn lấy điều đó để tự hào về giá trị của con gái mình. Cho đến khi các thanh niên nam nữ có ý hướng đến hôn nhân một cách nghiêm túc thì họ sẽ được quyền "ngủ duông".

"Ngủ duông" tiếng Cơ tu gọi là luh zơng hay luot zơong. Theo tập tục này, những đôi trai gái chưa vợ, chưa chồng trước khi quyết định chuyện cưới xin có thể rủ nhau đến những căn chòi ngoài rẫy một vài đêm để ngủ và trò chuyện. Mặc dù nam nữ được tự do gần gũi nhau nhưng người Cơ tu rất kỵ việc mang thai trước khi cưới. Bởi vậy, khi gần gũi nhau họ luôn có ý thức giữ gìn, tránh vi phạm luật tục. Nếu vi phạm thì người con trai bị phạt vạ rất nặng bằng những hình phạt: phải mang một con heo đến từng nhà trong làng để thú tội, sau đó giết thịt heo cho cả làng cùng ăn hoặc đền bù cho nhà gái nhiều loại của cải quý, nếu không có đủ thì phải chịu nợ hết đời này sang đời khác. Cũng có khi người con trai bị làng đuổi ra núi sống một thời gian và không được tiếp xúc với người nào cả.

Để đặt vấn đề hôn nhân cho đôi trai gái, nhà trai nhờ một người - được gọi là bhrla (có nghĩa như ông mai, bà mai trong tập tục của người Kinh) mang một con gà làm lễ vật đến thưa chuyện với gia đình và già làng phía nhà gái. Nhận lễ xong, già làng sẽ giết gà làm lễ báo với thần linh rồi xem bói giò gà. Nếu già làng cho rằng giò gà báo hiệu điềm xấu thì việc tiến tới hôn nhân bị trở ngại còn nếu báo điềm tốt thì nhà gái sẽ giết thêm gà, rượu để hai bên gia đình cùng ăn uống và hát lý để bàn các việc liên quan đến đám cưới.

Trong thực tế, mỗi cuộc hôn nhân của người Cơ tu là mối quan hệ tiếp nối lâu dài từ nhiều thế hệ (ví dụ: khi dòng họ A gả con gái về làm dâu ở dòng họ B thì sau một khoảng thời gian, những người con gái khác của dòng họ A sẽ tiếp tục được gả cho dòng họ B). Ở người Cơtu, con gái của cậu ruột có thể lấy con trai của cô ruột.

Tục đầu tôi (jâphnhar):

Tục jâphnhar (tục “đầu tôi”) có nghĩa là thách cưới, đã xuất hiện khá sớm trong quan hệ hôn nhân ở dân tộc Cơ tu. Tục thách cưới ban đầu được xem như là sự khẳng định, đề cao giá trị của người phụ nữ nhưng sau đó nó còn mang tính chất như một sự gả bán. Số lượng của cải nhiều hay ít trong lễ thách cưới tùy theo mức độ đẹp xấu, lao động giỏi hay tồi của người con gái.

Trước đây người Cơ tu dùng trâu hoặc chiêng, ché để làm vật lễ thách cưới. Giá trị của một jâphnar (một “đầu tôi” - một lễ thách cưới) có thể là một chiếc chiêng xưa. Hiện nay, tùy theo từng vùng mà người ta chấp nhận một quy ước bất thành văn về qui định giá trị “đầu tôi” (Ví dụ: một con trâu có sừng dài 2 tấc trị giá một “đầu tôi”; một con heo nặng khoảng 60 kg được tính bằng nửa “đầu tôi”...).

Có điều, nếu mỗi lần đám cưới mà sính lễ được trao cho nhà gái đầy đủ thì mối quan hệ 2 bên họ hàng của đôi vợ chồng sẽ tốt đẹp nhưng nếu món của cải được đưa không đầy đủ - có thể nợ, sau nhiều năm thì mối quan hệ sẽ trở nên phức tạp và mất đoàn kết bởi sự tranh chấp, nợ nần. Điều này gây khó xử cho tình cảm của đôi vợ chồng và bà con dòng họ, tình cảm thông gia sẽ có nguy cơ rạn nứt.

Tục cướp vợ:

Tục cướp vợ - tiếng Cơtu gọi là coop kđiêl. Theo tập tục này, người con trai có thể tổ chức một cuộc bắt cóc cô gái mà mình yêu thương để làm vợ mình dù cô gái ấy đã nhận lễ thách cưới của người khác. Người con trai tìm hiểu mọi sinh hoạt, công việc và chốn đi lại thường ngày của cô gái. Sau đó cùng một số trai bản khỏe mạnh đến làng người con gái mai phục. Gặp cơ hội thuận lợi, họ sẽ bắt cô gái và đưa về làng của họ. Cô gái được đối xử như khách quý, được ăn cơm nếp thịt gà trong 3 ngày, cùng ăn chung, ngủ chung với các cô gái trong bản của người con trai. Tất cả phụ nữ, bà già trong làng đều đến thăm, khuyên nhủ cô gái yên tâm.

Làng người con trai vui mừng thắng lợi cử các cụ già có uy tín đến làng cô gái để tỏ bày việc muốn cưới cô gái cho người con trai của làng họ và chấp nhận trả lại của cải cho “chủ đầu tôi”, chịu nộp lễ thách cưới cho nhà gái. Sau 3 ngày ở lại làng nhà trai, cô gái được đưa về nhà. Nhà gái sẽ đón tiếp nhà trai trọng thể và vài tháng sau thì tổ chức lễ cưới.

Trong trường hợp này, nhà gái sẽ thách cưới gấp bội phần so với những người đến cưới hỏi đàng hoàng và yêu cầu nhà trai phải nộp cho làng cô gái  một con trâu. Khoảng thời gian đó nếu làng nhà gái có người chết thì nhà trai phải chịu trách nhiệm vì mọi người cho rằng thần linh đã nổi giận với việc làm trái phép của nhà trai nên phải nộp trâu để cúng.

Với tập tục này thì chỉ những gia đình nhà trai giàu có mới có thể thực hiện được điều mình mong muốn, còn những chàng trai nghèo khổ thì không thể thực hiện ước mơ tình yêu của mình bằng đường “cướp vợ”.

Tục lượt tomooi (tục đi thăm nhau):

Sau khi làm đám cưới cho con của mình, hai bên gia đình thỉnh thoảng đến thăm nhau. Mỗi lần đến thăm, họ thường biếu nhau quà cáp để củng cố tình cảm thông gia, đồng thời nhà trai cũng có ý dạm hỏi xem bên họ nhà gái có đồng ý cho các cô gái tiếp tục về làm dâu bên nhà trai nữa không.

Tục đi thăm nhau giữa hai gia đình thông gia trở thành một nét văn hóa đầy ý nghĩa trong cuộc sống của người Cơ tu. Việc đi thăm nhau thường diễn ra sau mùa tết lúa hoặc sau mùa làm cỏ rẫy. Nếu họ nhà gái sang nhà trai thì đó là cha mẹ đi thăm con gái; anh em sang thăm chị gái hoặc em gái; ông, bà, cậu, dì thăm cháu ngoại. Còn họ nhà trai sang nhà gái thì đó là con gái về thăm cha mẹ ruột, thăm bà con; là thông gia thăm nhau, ngoài ra còn là dịp để đặt vấn đề cưới hỏi tiếp theo cho những đôi lứa khác, thỏa thuận hoặc nhắc nhở về số nợ nần “đầu tôi” giữa hai bên.

Trước khi sang thăm nhà trai, nhà gái thường nhắn tin trước để nhà trai chuẩn bị quà tặng như: heo, chiêng, ché, mã não... Nếu nhà trai ngỏ ý muốn cưới một cô gái nào đó ở phía nhà gái thì quà biếu sẽ nhiều hơn. Riêng nhà gái trước khi đi phải chuẩn bị làm cá chua đựng trong hàng chục ống lồ ô, nấu xôi ống, làm các loại rượu, gà... và mặc trang phục đẹp nhất của dân tộc mình. Những cô gái là cô dâu tương lai của nhà trai thì phải mặc đẹp hơn và đeo tất cả nữ trang vốn có. Đoàn nhà gái được mời đến nhà các gia đình, bà con của thông gia. Thường thì những người trẻ được mời đến nhà guơl, cũng có gia đình nhà trai dựng một cái lều bằng vải ở sân làng để mời khách nghỉ. Nhà trai tiếp bằng cơm nếp, gà, rượu, thịt heo, trâu (nếu giết trâu thì cũng tiến hành như lễ đâm trâu).

Đối với nhà gái, vai trò chàng rể rất quan trọng vì sẽ có tiếng nói tác động đem lại của cải nhiều hay ít cho nhà gái. Còn người con gái về làm dâu thì phải biết tính toán số của cải họ nhà trai đưa sang nhà gái và số phụ nữ họ nhà gái đã gả bán và các cô gái sẽ gả bán thêm. Họ đóng vai trò giải quyết việc nợ nần và luôn luôn đi đầu trong việc hỏi xin người con gái của bên dòng họ mình.

Tục chọn đất lập làng:

Việc chọn đất lập làng là một trong những tín ngưỡng được người Cơ tu đặc biệt quan tâm. Công việc này quyết định sự tồn vong của làng nên thường được giao cho già làng có nhiều uy tín nhất trong làng. Mảnh đất mà họ chọn phải là nơi rộng rãi, gần nguồn nước và thuận tiện cho việc sản xuất nương rẫy và cũng có thế phòng thủ vững chắc. Lý tưởng nhất là mảnh đất lớn bốn phía không có núi che khuất, đất tốt, có khả năng trồng trọt các loại hoa màu.

Có nhiều cách thức chọn đất, sau đây là cách chọn bằng trứng gà. Trước hết, các già làng dùng than củi vạch trên quả trứng thành 2 phần bằng nhau, theo quy ước, một bên tượng trưng cho người, một bên tượng trưng cho thế giới thần linh. Sau đó, người ta đục thủng quả trứng rồi đem đốt trên lửa. Nếu trứng tràn sang phần đất của người thì mảnh đất đó không được chọn. Ngược lại, nếu trứng tràn sang phần đất của thế giới thần linh thì mảnh đất đó sẽ được chọn để lập làng. Việc chọn được mảnh đất để lập làng là niềm vui lớn của người Cơ tu. Khi đã chọn được đất, họ khẩn trương làm lễ ăn mừng và dựng nhà.

Tục chọn đất làm rẫy:

Ngoài việc chọn đất lập làng, người Cơ tu còn có tục chọn đất làm nương rẫy. Trước khi bước vào vụ trỉa lúa, họ vào rừng tìm những khoảng rừng già, cây to, ít dây leo để phát rẫy. Đó là mảnh đất tốt cho họ gieo trồng. Họ phát một khoảnh đất độ 5 đến 10m2 và khấn các vị thần rừng, thần núi: “Hỡi các vị thần, các ngài hãy cho phép các con làm nương rẫy, hãy cho chúng con sức mạnh và có những giấc mơ đẹp”. Sau đó, họ về làng ngủ và xem xét giấc chiêm bao. Nếu có một giấc mơ đẹp, họ rất vui và đi phát khu rẫy đó ngay. Nếu gặp giấc mơ xấu, họ sẽ không chọn mảnh đất ấy làm rẫy nữa mà đi chọn nơi khác.

N.T.H


Quay về
VĂN
CHUYỆN NHỎ CỦA MỘT THỜI VÀ CỦA MỘT ĐỜI
GIẤC MƠ NÚI
TẤM THẺ NHÂN CÁCH
VỀ THĂM MẸ
NGOÀI MỌI QUY LUẬT
LÃO VẠN
THƠ
NGÀY BẠN TÔI KHÔNG VỀ
NHỮNG NGƯỜI LÍNH TRẬN
TRONG KHOẢNH KHẮC LẶNG YÊN
CÂU HÁT CŨ
CHIỀU ĐÔNG
KHI TA ĐÃ LÀ NHỮNG CƠN MƯA
KHÔNG MÙA
NÓI VỚI GIỌT SƯƠNG MAI
CAO NGUYÊN TÔI VÀ...
KHÓI + NHỮNG BÌNH VÔI ĐÃ BỂ
TẠC TƯỢNG ĐÊM + ÁP ĐẶT
MÀU HY VỌNG + THÀNH PHỐ ĐI LẠC
BÓNG THỜI GIAN + GIẤC MƠ MÀU DIỆP LỤC
HOAN CA + TRỞ VỀ
KHÁT MÙA + TIẾNG GỌI XANH
KHÚC SANG MÙA + THU BỒN, EM VÀ ANH
DÒNG CHẢY VĂN HÓA
MỘT SỐ PHONG TỤC CỦA NGƯỜI CƠ TU
NGHIÊN CỨU - LÝ LUẬN - PHÊ BÌNH
NHÂN VẬT DẸT TRONG TRUYỆN KIỀU
MỘT GÓC NHÌN VỀ NGƯỜI LÍNH HẬU CẦN
CHUYỆN NGUYÊN PHONG, CẢM NHẬN VÀ SUY NGẪM
VĂN HỌC - HỌC VĂN
TIẾNG THƠ AI ĐỘNG ĐẤT TRỜI