|  Đăng nhập
Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search

 

Tiêu đề: LÃO VẠN
Tác giả: Tiêu Đình

Truyện ngắn



Giữa lúc văn học dân gian vùng đất lặng truyền nhau câu ca “Hợp tác rồi lại hợp te/ Không còn mảnh vải mà che cái ...” thì xã vẫn nườm nượp đón khách tham quan từ các nơi đổ về, lão Vạn vẫn thường xuyên thay mặt lãnh đạo xã báo cáo điển hình ở huyện, ở tỉnh về một ngọn cờ đầu hợp tác hóa nông nghiệp.

Cánh đồng Trầm Tây bậc thang nhiều cấp được cày đất chỗ cao đẩy xuống chỗ thấp, tạo nên một mặt bằng tương đối đẹp. Cái ao xã Thảo có bụi tre rậm, bóng mát rộng cũng được cày lấp phẳng phiu. Nhiều người tiếc, hết chỗ trú nắng! Nhiều người khen, cánh đồng rộng ra thiệt! Lão nông tri điền Trần Thìn thì nói riêng với cha tôi: “Cày hết lớp đất màu đi thì lấy chi nuôi cây lúa hở trời!”. Ranh giới đất ruộng cũng được phân định lại, có hình khối góc cạnh dễ nhìn, không còn bờ to bờ nhỏ, đường cong đường thẳng inh ỏi cãi nhau truyền kiếp. “Rồi đây máy móc sẽ thay cho trâu bò và sức người. Rồi đây cánh đồng ta rộng mênh mông. Trăng lên trăng lặn vẫn không ra ngoài...”. Lão Vạn thuộc nằm lòng những câu nói ấy từ khi còn đứng chân trong ban quản lý một nông trường lớn ở ngoài Bắc. Hết chiến tranh, người con ưu tú ấy trở về quê hương làm chủ tịch xã quê tôi. Lão như một Triệu Tử Long phấn khích tả xung hữu đột trên nhiều lĩnh vực đang thắc thỏm chờ những bàn tay vực dậy. Người ta quý lão như quý một hạt gạo trên sàng. Sinh cùng thời với lão dường như chẳng còn ai, số bị thủ tiêu, số chết bom đạn, số chết vì bị tra tấn khốc liệt trong tù.

Tôi nhớ lời cha nói với chú Hạnh, lão Vạn chữ nghĩa không bao nhiêu nhưng mà giỏi. Nhờ tài xuất quỷ nhập thần mà lão vẫn sống sót cho đến ngày được tập kết muộn màng ra Bắc. Không thì lão đã bị chặt đầu cùng với mấy cán bộ nằm vùng của xã hồi đó. Tôi mơ hồ hiểu “xuất quỷ nhập thần” là có phép thần thông biến hóa như một nhân vật cổ tích. Và từ đó, trong ký ức tuổi thơ tôi được vẽ thêm một lão Vạn cao lớn uy nghi, văn hay võ giỏi, khi ở dưới đất, lúc bay lên tận trời.

Hòa bình. Với cương vị là cán bộ Đoàn, tôi được gặp lão Vạn hằng ngày tại cơ quan xã còn lỗ chỗ những vết đạn chiến tranh. Lão thấp người, luôn mặc bộ quần áo ka-ki bạc màu, mang dép cao su và đội mũ cối. Khi nghe lão dặn dò nhắc nhở công việc, tôi ngồi im thít nhận phân công nhiệm vụ. Nhưng phần nhiều là được nghe lão giáo huấn về cách làm ăn của miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Lão nói hay, kiến thức rộng, lập luận chặt, thuộc nhiều thơ và câu nói dân gian. Mặc dầu nhiều khi không hiểu lão nói gì tôi vẫn cảm thấy hay. Lại thêm cặp mắt sắc của lão mà nhìn xoáy vào ai là y như là trời đất cũng nín thở.

“Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”, câu nhật tụng ấy của phong trào thanh niên bấy giờ bị vấp phải trở ngại khi ra quân đập phá các đình chùa, miếu mạo để quét sạch tàn dư văn hóa đồi trụy và óc mê tín dị đoan do chế độ cũ để lại. Ngày ra quân khí thế hẩm hiu, con số thanh niên vắng gần một nửa, toàn là có lý do chính đáng như đám giỗ, đau ốm hoặc là có việc phải đi xa. Lão Vạn hậm hực, gọi chúng tôi đến. “Làm lại công tác vận động. Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong. Thanh niên là lực lượng tiên phong của xã hội mà ì ạch như vậy thì làm gương được cho ai. Tôi cho các cậu thêm một ngày nữa để chuẩn bị, mốt ra quân lại. Đây là chủ trương lớn, không cho phép thất bại...”. Chúng tôi ra về, im lặng nhìn nhau bằng ánh mắt lo sợ.

Cha tôi gọi vào buồng nói nhỏ, lão Vạn đã làm thì đúng sai gì cũng làm cho kỳ được mới thôi, không phải chuyện giỡn chơi đâu. Tại ông bà cha mẹ không chịu cho con cháu đi đập miếu, phá chùa chứ tại gì thanh niên. Riêng con, phải nghe cha dặn điều này, cũng búa, cũng xẻng hò hét với người ta, nhưng tuyệt nhiên không được đập trước. Để người ta đập rồi mình cùng hùa theo...”. Không cần cha dặn, vì đã có lão Vạn đi đầu và bổ những nhát búa chát chúa đầu tiên vào thành trì mê tín dị đoan. Trông lão oai phong như tướng xung trận. Đoàn người theo sau hò hét ầm ào, tiếng búa đập “cạch, cheng...”, vôi gạch đổ ngổn ngang, bụi bay mù mịt. Cha tôi chết một năm sau đó mẹ mới kể lại rằng, cha đã nấp dưới bờ mương bên trong hàng rào tre vườn xã Thảo để theo dõi cả buổi sáng hôm đó. Tối, ông lẻn một mình ra sân đình tìm tờ sắc phong vứt ướt nhèm dưới sương đem về cất kỹ sau vườn.

Đẹp thì có đẹp, nhưng hơn ba năm sau khi cánh đồng Trầm Tây được cải tạo hoàn chỉnh, sản lượng lúa giảm xuống thê thảm. Tăng cường bón phân cũng chịu. Có chỗ chỉ thấy cỏ mà không thấy lúa. Dân gian lại có dịp nổi chướng: “Cỏ chát thay lúa, lạ đời/ Bà con ơi, hỏi ông trời tại sao?”. Xã viên tìm đủ mọi cách để tránh phải nhận những thửa ruộng bị cạo sạch lớp đất màu. Xã, huyện họp rút kinh nghiệm. Lão Vạn dùng lập luận “dám hy sinh một đời để cứu muôn đời là biết nhìn xa trông rộng” để thuyết phục mọi người. Nhưng nói gì thì nói, con ngựa hay ấy dường như cũng đã đến nước phải hồi. Dáng đi của lão có vẻ lụm khụm hơn, thần sắc kém tươi và hay đau ốm, có khi phải nằm nhà chữa bệnh cả tuần.

Lão Vạn chưa kịp nhìn thấy cánh đồng Trầm Tây hồi sinh thì phương thức khoán 10 bắt đầu được áp dụng. Lão Vạn được điều lên giữ một chân trong phòng nông nghiệp huyện cho đến khi về hưu. Lão đi, cánh đồng Trầm Tây trầm trầy thêm một thời gian nữa rồi mới hồi tỉnh. Xã cũng không còn là ngọn cờ đầu của huyện. Người cho rằng không có lão Vạn thì làm gì có nổi một xã điển hình tiên tiến. Người lại nói, êm êm như vậy mà lại hay, lớn thuyền lớn sóng, to đầu chui khó lọt, chủ yếu là đời sống người dân chứ cần gì mặt nổi của một ngọn cờ đầu. Tiếc, trong làng, cha tôi và ông xã Thảo nhiều trải nghiệm đều không còn nữa để hỏi xem lẽ đúng sai ra sao.


Minh họa: NGUYỄN BA

Lão Vạn về hưu trước tuổi vì lý do sức khỏe. Chỉ là suy đoán chứ chẳng ai biết lão bệnh gì, kể cả bác sĩ. Người nói bệnh trầm cảm, người bảo bị ma bắt, người cho là bệnh cô đơn. Người ta hay thấy lão lặng lẽ dạo một mình thơ thưởng vô hồn như người thần kinh. Dáng đi của lão hơi chúi về phía trước, ánh mắt đờ đẫn luôn nhìn xuống mặt đường như đang tìm kiếm một thứ gì vừa mất. Lớp cao tuổi trong làng có người thỉnh thoảng vẫn gọi lão tạt vào quán uống ly nước, lớp trẻ lại bảo thôi, hãy để lão sống một mình hay hơn. Con nít chẳng biết lão là ai nên cứ tha hồ giành đường mà đùa giỡn cho thỏa thích, có khi chạy đâm sầm vào lão suýt ngã.

Làng hồi sinh dần sau chiến tranh, đồng hành với sự hồi sinh của đời sống tâm linh tiềm ẩn trong máu mỗi người. Phú quý sinh lễ nghĩa, các nhà thờ tộc, miếu xóm, chùa chiền bắt đầu được xây dựng lại. Một trong những người hăng hái nhất của phong trào này là lão Vạn. Thông qua đứa con đang làm công tác văn hóa ở xã, lão đóng góp ý tưởng để xây dựng kế hoạch, tiếng nói để động viên bà con và cả những đồng tiền hưu trí ít ỏi để làm việc thiện. Chính lão cũng đã hỏi xin tôi tấm sắc phong. Thời gian này thấy thần sắc lão Vạn có vẻ tươi hơn, bước chân, giọng nói cũng linh hoạt hơn. Thêm một bờ môi cười kéo ra cân xứng với chòm râu bạc.

Nhưng, như một ngọn đèn lóe sáng để rồi vĩnh viễn tắt sau đó, tự dưng lão Vạn mắc phải một chứng bệnh lạ: sợ nước, sợ ánh sáng, sợ đông người. Đêm đêm lão hay mơ thấy rất nhiều chó, chó đen, chó vàng, chó vá, chó nhỏ, chó to, chó đực, chó cái... đủ loại. Chúng sủa loạn xạ, có khi rượt đuổi lão chạy hụt thở. Nửa đêm, khi giấc mơ chó tràn về là nghe lão hét toáng lên rồi ngất xỉu, trán toát mồ hôi hột, con cháu phải thay nhau xoa dầu, cho uống nước chanh. Giấc mơ chó dẫn đến tình trạng kém ăn mất ngủ trầm trọng ở lão. Người lão gầy héo nhanh chóng, da bọc lấy xương trông rất giống với mấy hình người bị si-đa hay nghiện ma túy trong các bức tranh tuyên truyền. “Thôi chết rồi, chắc lão Vạn bị chó điên táp bóng”, người ta nói với nhau như thế.

Bấy giờ lại nghe dân làng rỉ tai nhau cái chuyện thời xa lắc xa lơ. Hồi đó, bệnh chó dại lan truyền nhanh và rộng khắp nhiều xã trong huyện. Lệnh nhốt chó, giết chó, cấm nuôi chó được thi hành triệt để. Lão Vạn ra lệnh bắn bỏ nếu thấy bất kỳ con chó nào chạy rông ngoài đường. Khốn nỗi, chó thời bao cấp không quen tróng nhốt, thường chạy lang thang kiếm ăn ngoài đồng rừng. Thế là con điên, con khùng, con tỉnh đều cùng chung số phận. Những người thi hành lệnh lại thích bắn những con chó to mập để mang về ăn thịt. Nhà ông Điền có cặp chó to, khôn nhất làng đành phải mang gửi tuốt bên kia sông. Khó khăn, người không đủ ăn, huống gì nuôi thêm chó. Ông Điền tái mặt, vừa thương vừa sợ khi thấy chúng ốm nhom, thoát chạy về ngoắc đuôi, nửa mừng nửa như trách móc: tại sao lại phải gửi nó cho nhà người ta?

Tối hôm ấy, hai con chó “ốm như chó điên” ấy bị bắn chết. Ông Điền tìm xác về chôn mà không thấy. Ông khóc cả tuần, bệnh nặng mấy tháng sau đó rồi chết.

Một căn phòng tối om chừng mười hai mét vuông là thế giới riêng của lão Vạn những ngày cuối đời. Phòng luôn đóng cửa sổ và tắt điện. Một cây đèn hồng lạp và cái quẹt lửa để trên bàn nhưng hiếm khi thấy thắp. Thấy đèn sáng, nước mang đến là lão Vạn co rúm người, run rẩy rồi nằm úp mặt vào tường, ai hỏi chi cũng không nói. Cái lỗ thông khí trời, nhợt nhạt một đường sáng mỏng tanh như chút ân huệ của đất trời đã giúp lão nhai miếng cơm khỏi sợ bị mắc xương. Vợ và con lão Vạn chăm sóc cho lão là chính. Gia đình không muốn cho người lạ vào thăm. Còn cháu thì một tay bưng cơm, một tay bịt mũi. Chúng bảo, phòng ông hôi quá!

Nhiều lúc lão Vạn cười một mình, nói một mình, hát một mình và hét một mình với bóng tối. Giọng cười khàn khàn như bị viêm họng nhưng khi hát nghe vẫn còn thanh lắm: “Hợp tác rồi lại hợp te...”.

Lão Vạn chết trong căn buồng ấy khi đứa con trai đang họp ở xa, con dâu bận đi tham quan nước ngoài, vợ và cháu lão về bên ngoại để ăn giỗ. Đứa con gái có chồng trong Nam thì mãi hai ngày sau mới biết tin. Người ta phát hiện ra lão chết khi chân tay đã lạnh tanh, người cứng ngắt trong tư thế nằm co, úp mặt vào tường như một dấu hỏi.

T.Đ


Quay về
VĂN
CHUYỆN NHỎ CỦA MỘT THỜI VÀ CỦA MỘT ĐỜI
GIẤC MƠ NÚI
TẤM THẺ NHÂN CÁCH
VỀ THĂM MẸ
NGOÀI MỌI QUY LUẬT
LÃO VẠN
THƠ
NGÀY BẠN TÔI KHÔNG VỀ
NHỮNG NGƯỜI LÍNH TRẬN
TRONG KHOẢNH KHẮC LẶNG YÊN
CÂU HÁT CŨ
CHIỀU ĐÔNG
KHI TA ĐÃ LÀ NHỮNG CƠN MƯA
KHÔNG MÙA
NÓI VỚI GIỌT SƯƠNG MAI
CAO NGUYÊN TÔI VÀ...
KHÓI + NHỮNG BÌNH VÔI ĐÃ BỂ
TẠC TƯỢNG ĐÊM + ÁP ĐẶT
MÀU HY VỌNG + THÀNH PHỐ ĐI LẠC
BÓNG THỜI GIAN + GIẤC MƠ MÀU DIỆP LỤC
HOAN CA + TRỞ VỀ
KHÁT MÙA + TIẾNG GỌI XANH
KHÚC SANG MÙA + THU BỒN, EM VÀ ANH
DÒNG CHẢY VĂN HÓA
MỘT SỐ PHONG TỤC CỦA NGƯỜI CƠ TU
NGHIÊN CỨU - LÝ LUẬN - PHÊ BÌNH
NHÂN VẬT DẸT TRONG TRUYỆN KIỀU
MỘT GÓC NHÌN VỀ NGƯỜI LÍNH HẬU CẦN
CHUYỆN NGUYÊN PHONG, CẢM NHẬN VÀ SUY NGẪM
VĂN HỌC - HỌC VĂN
TIẾNG THƠ AI ĐỘNG ĐẤT TRỜI