|  Đăng nhập
Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search

 

Tiêu đề: Vài âm vọng lục bát Nguyễn Bá Hòa
Tác giả: Huỳnh Minh Tâm
Loáng thoáng tôi gặp Nguyễn Bá Hòa ở đâu đó, và nhâm nhi những câu lục bát của anh:
Trỗ thì lá nõn màu tơ
Ngày vơi nửa nắng tình cờ phía xuân
Đường hoa nhuộm sắc phố gần
Chiều Nam Ngãi cứ phân vân đường về
Ngã ba?
không!
Ngã tư quê!
Này em!
Hướng mới đi về lối sông?
Đò Ba Bến có còn không?
Nhánh xuân Bàn Thạch rẽ lòng người xa
(Tam Kỳ chiều tháng Chạp)
Bây giờ cầm tập ...Và bóng tôi (*) trên tay, có thời gian đọc kỹ, xao động, tri âm với nhiều thể loại, thể phách của anh, đầu tiên dễ dàng nhận ra lục bát của anh đằm, “trơn tru”:
Trên cổ mộ nắng lên xanh
Người xưa hóa đất - đất thành cỏ cây
Trần gian lệch gió nghiêng mây
Dọn mùa tinh tuyết đợi ngày hóa thân
(Hóa thân)
Dường như Nguyễn Bá Hòa sống lục bát, yêu lục bát, ăn ngủ lục bát, nên anh tung tẩy cả con chữ lẫn nhịp điệu, rồi lạ hóa câu thơ để lạ hóa cảm xúc, tạo nên sự chênh chao của nỗi lòng bằng thủ pháp “chặt khúc, xuống dòng” khá tân kỳ, xao xuyến:
Cánh buồm
xa
giữa mênh mông
Ngỡ như chiếc lá
mùa đông cuối trời
Nhặt tờ lịch cuối cùng rơi
Cánh buồm?
Chiếc lá?
...một thời huyễn du...
(Huyễn du)
Ở tập ...Và bóng tôi, tác giả như muốn “trưng ra” một hình ảnh, một thi nhân đa đoan nào đó với những “gặm nhấm” nỗi lòng, một con chim nào đó trong trứng vỡ vỏ. Tưởng như tôi còn nghe anh thổ lộ: “tôi đó, cả niềm vui nỗi buồn, trần truồng giữa nhân thế mà hát ca cả lặng lẽ suy nghiệm, lặng lẽ yêu thương, lặng lẽ viết và giãi bày, và bây giờ cần thổ lộ, cần tâm sự, cần bạn đọc”.
Đêm qua nhặt được nửa trời
Đem về ghép với nửa người vẹn nguyên
Lời nhân tục, ý tiên thiên
Hóa thân thành mảnh thơ điên dọa tình
(Ác mộng)
Mặt mạnh lục bát của Nguyễn Bá Hòa là kiệm lời, rõ ý, anh dùng nhiều từ Hán-Việt và đôi chỗ khéo, thành công:
Tiếng đàn em đã tàn trăng
Thanh âm giả dụ cứ quằn quại đau
Lời nhi nữ, trí mày râu
Nén nhang hoài niệm mai sau mặc đời
(Trước ngôi mộ gió)
Đúc kết kinh nghiệm, đọc nhiều lục bát, tôi nhận ra, ai mà chọn lục bát để “vẽ nên gương mặt mình”, để “tìm lại bản lai diện mục”, để tạo nên một âm thanh vang vọng giữa nhân thế quả là người can đảm lắm lắm. Có nhiều tập lục bát cả trăm bài, khi đọc thì có cảm giác suôn sẻ, đáng yêu, nhưng rồi, sau khi gấp tập sách lại, các câu chữ ý tứ lại trôi biến đâu mất. Ngẫm nghĩ, làm lục bát, may ra bạn đọc nhớ được vài câu là sướng rân.
May mắn đời tôi, có những người anh, người bạn “cùng thời” đã tắm gội tôi những câu lục bát ấn tượng và huyễn hoặc. Nhà thơ Nguyễn Nhã Tiên lãng đãng siêu nhiên: “Mỗi ngày sông mỗi đi xa/ chảy vơi một ít quê nhà của tôi/ mẹ xa, em cũng xa rồi, cỏ xanh thôi gắng đắp bồi ngày xưa/.../ ven sông cải đã hoa vàng/ nắng mê mải chở mùa sang tìm người/ mông lung ngồi ngó mây trời/ cò bay như thể buồn rơi mắt mình” (Bờ bãi riêng tôi). Nguyễn Hàn Chung với cái tôi trữ tình phù sinh: “Chẳng làm gì được cho quê/ Chỉ xin làm cỏ chân đê giữ làng” (Chỉ xin làm cỏ). Nguyễn Hải Triều nồng nàn tình yêu với âm điệu ca dao: “Cau vàng vôi trắng trầu xanh/ ngày em búi tóc mà thành sơn khê” (Rơm rạ mùa). Nguyễn Tấn Sĩ đầy hóm hỉnh, kiêu bạt; “Đã xanh rêu những phố phường/ nghe mùa hạ chết vô thường hơi thu/ là em làm cuộc sa mù/ anh ngồi nhặt xác phù du đỡ buồn/ chỉ còn lại những hồi chuông/ ám quanh câu chú trần truồng thành thơ /màu rêu lục bát nguyên sơ/ mỗi đêm nguyệt rụng là phờ phạc thu” (Màu rêu lục bát). Nguyễn Đức Dũng có một giọng điệu lục bát phong trần, ám chướng, nghiệt ngã tình đời: “Chén tàn rót buổi nghinh xuân/ Nghe say từ độ phù vân kiếp mình/ Hai tay nâng cả tâm thành/ Chênh chao riêng mỗi cái hình trong ly/ Bóng ngày như giục xuân đi/ Vàng hoa cúc lẫy cũng vì ta, thu/ Một thân làm cả tạc thù/ Thơ ngâm ngất ngưởng gật gù... rồi xuân” (Độc ẩm).
Bình về lục bát, khen hay một bài lục bát nào đó thật không dễ. Dường như mỗi người mỗi vẻ... Có người chỉn chu, mực thước. Có kẻ túy lúy say sưa. Có anh tếu táo mông lung. Có em điệu đàng khúc khuỷu. Tôi đã có lần như nghe ai đó bảo rằng: Nếu anh là nhà thơ Việt Nam, hãy cho tôi xem một bài lục bát “cưng” của anh, tôi sẽ nhận ra anh là người thế nào. Mặc dầu chỉ là một câu nói chơi, bâng quơ, “khích tướng”, nhưng suy kỹ vẫn có những lý do để chúng ta xem xét, trao đổi.
Chính những lý do trên làm cho tôi cảm phục Nguyễn Bá Hòa, và tôi cũng đã tìm ra niềm hy vọng với những câu thơ lục bát “đinh” của anh:
Một tôi trắng
một tôi đen
cất chưng một sống
một miên ảo trời
dửng dưng
chung thủy
trọn đời
so le
tồn tại
giữa vời vợi xa
(Tôi và bóng tôi)
Nguyễn Bá Hòa sinh năm 1954, quê Tam Kỳ, Quảng Nam, Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Nam. Anh có trên 10 đầu sách tham khảo môn toán dành cho học sinh THCS, THPT và anh cũng đã có một gia tài văn chương kha khá. Thơ có Thuyền hạnh (2010), truyện có Vết sẹo (2012), và năm 2013 này lại là tập thơ ...Và bóng tôi. Bài viết này chỉ chia sẻ phần thơ lục bát của anh. Bởi trong tập có 71 bài thơ thì lục bát đã chiếm 57 bài. Ngoài những bài đã chọn, trong tập còn rất nhiều cung bậc tình cảm khác. Chẳng hạn những tâm sự với quê anh có những câu cũng thật gợi:
Rêu sông ướt đẫm màu chiều
Rơi trên bãi vắng ngọn triều bỗng xanh
Về đâu con nước tròng trành
Sóng xô nước đập mỏng manh phận tình
(Chiều trên sông)
Hay cám cảnh phận đời, phận người, anh cũng có những câu thơ chia sẻ não nùng:
Đôi tay chấp chới mồ côi
Mắt cay vọng tưởng giữa đời hợp ly
Hoa vô lượng cánh từ bi
Ẩn lời mộ địa thiên quy cõi người
(Ngày xuân viếng mộ)
Có người bảo, chính lục bát của Nguyễn Bá Hòa từng “chia” cử tọa một tọa đàm về thơ của anh thành hai phe bình luận và đánh giá, tạo nên khái niệm “lục bát rin”. Phần mình, tôi vẫn hy vọng sau khi gấp tập thơ của anh lại, thì trong tôi vẫn còn đọng lại một giai điệu du dương hoặc vang ngân những day dứt về một khát vọng, như là:
Biết là mang phận đèo bòng
Mùa sang vay chữ ngồi đong thơ tình
Trách mây thay dạng đổi hình
Đừng quên cơn gió ẩn mình trong mây!
(Chớm thu)
H.M.T
Quay về
Văn
Có một lời thề
Biển đêm
Khai trường, chợt nhớ...
Những mảnh ghép
Không bằng trời tính
Mênh mang...
Gió
Đồng hành mưa
Người đánh bắt giấc mơ
Vẫn còn...
Thơ
Người lính già trước biển
Trong xanh thẳm Đăk Tô
Ký ức
Dù mình không còn trẻ
Về quê
Ngọn rau đắng
Tự vấn
Một mình
Khúc đêm
Hạ Long ngẫu Rap
Khúc ru
Linh khí ở Bảo tàng Quang Trung
Giấc mơ dừa kỳ ảo giữa Tam Quan
Đại Hồng(*)
...Còn bên này sông
Người đánh bắt giấc mơ
Nhạc
Vầng trăng của bé
Văn học nước ngoài
Con chó già
Nghiên cứu-Lý luận-Phê bình
Những gam màu ấn tượng của mỹ thuật Quảng Nam
Về tuyển tập ca khúc "Quê hương xứ rượu Hồng Đào"
Vài âm vọng lục bát Nguyễn Bá Hòa
Góc nhìn người trong cuộc
Văn học và... thời trang
Văn học-Học văn
Mũ đồ chơi(*)
Một thoáng Mỹ Sơn(*)
Nhip sống văn nghệ-Hộp thư
Nhịp sống văn nghệ
Cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật hướng đến kỷ niệm 40 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2015) và kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2015)
Hộp thư