|  Đăng nhập
Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search

 

Tiêu đề: Những gam màu ấn tượng của mỹ thuật Quảng Nam
Tác giả: Võ Như Diệu

Kể từ năm 1996, cứ đến dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và tết Độc lập (Quốc khánh 2-9), giới mỹ thuật các tỉnh duyên hải từ Đà Nẵng tới Khánh Hòa và các tỉnh Tây Nguyên lại có dịp hội ngộ cùng nhau tại sân chơi lớn nhất, đình đám nhất, quan trọng nhất và danh giá nhất trong khu vực: Triển lãm Mỹ thuật Nam miền Trung - Tây Nguyên. Năm 2013 này, cuộc hội ngộ diễn ra tại “thành phố đáng sống” - Đà Nẵng, do Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch, Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng và Hội Mỹ thuật Việt Nam phối hợp tổ chức. Triển lãm lần này (lần thứ 18) kéo dài từ ngày 18/8 đến ngày 27/8, giới thiệu 243 tác phẩm Hội họa, Đồ họa, Mỹ thuật ứng dụng, Điêu khắc... của 217 tác giả đến từ các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk và chủ nhà thành phố Đà Nẵng. Trong đó, có 85 tác phẩm của 59 tác giả là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam và 158 tác phẩm của 158 tác giả là hội viên các hội VHNT địa phương.

Theo đánh giá của Hội đồng nghệ thuật, không chỉ gia tăng về số lượng, Triển lãm năm nay còn có sự cải thiện rõ rệt về mặt chất lượng nghệ thuật và sự "nhỉnh lên" này diễn ra khá đồng đều trên các chất liệu. Tuy nhiên, sự tìm tòi và tính đột phá vẫn chưa đạt đỉnh; một số tác giả vẫn còn nặng về liệt kê, mô tả chi tiết mang tính đồng hiện... Nhìn tổng thể, phong cách nghệ thuật của các tác phẩm dự Triển lãm lần này tập trung theo hướng bán trừu tượng và ấn tượng. Chất liệu tranh đa phần là sơn dầu, acrylic và tổng hợp; thiếu, hiếm các chất liệu truyền thống như đồ họa, sơn mài và lụa... Dù vậy, nhìn chung, so với Triển lãm khu vực lần thứ 17 tại Quảng Ngãi thì năm nay, nhiều tác giả đã có sự đầu tư đáng kể về chất lượng nội dung và hình thức thể hiện, kể cả khung ngoài và kích thước tác phẩm. Nhờ vậy, Triển lãm trở nên đa sắc màu.

Với một Hội đồng nghệ thuật gồm toàn những người có uy tín và có khả năng thẩm định tốt nên ngay từ đầu, mỗi tác giả có tác phẩm gửi về Triển lãm đều rất yên tâm và tin tưởng. Trong đó, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật của Triển lãm là họa sĩ Đặng Mậu Tựu, Ủy viên Hội đồng nghệ thuật Hội họa Hội Mỹ thuật Việt Nam. Các ủy viên Hội đồng gồm: họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam; họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Mỹ thuật Việt Nam; họa sĩ Thành Chương, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Đồ họa Hội Mỹ thuật Việt Nam; họa sĩ Lê Trí Dũng, Phó chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội họa Hội Mỹ thuật Việt Nam; nhà điêu khắc Hoa Bích Đào, Ủy viên Hội đồng nghệ thuật Điêu khắc Hội Mỹ thuật Việt Nam và nhà điêu khắc Nguyễn Văn Hàm, Phó Chủ tịch Hội VHNT Quảng Nam.

Và trên thực tế, kết quả chấm chọn, xếp giải tại Triển lãm lần này cũng cho thấy Hội đồng nghệ thuật đã làm việc với tinh thần thật sự nghiêm túc, công tâm, trách nhiệm, bám rất sát các tiêu chí của Hội Mỹ thuật Việt Nam về nghệ thuật và nội dung tác phẩm, có chú trọng đến một số đề tài ưu tiên. Theo đó, có 9 tác phẩm được đánh giá cao về nội dung, nghệ thuật và được trao giải, gồm 2 giải B (không có giải A) cho tác phẩm Sắc màu mẫu hệ (tranh sơn dầu của Mai Quý Ngọc, Gia Lai) và Ký ức trong miền bao bọc (gỗ - sắt của Lê Trọng Nghĩa, Bình Định); 2 giải C cho tác phẩm Nơi bắt đầu sự sống (khắc gỗ của Nguyễn Huy Lộc, Đắc Lắc) và Đà Nẵng xưa và nay (tranh sơn dầu của Nguyễn Trọng Dũng, Đà Nẵng); 5 Tặng thưởng được trao cho các tác phẩm Người Việt Nam (khắc gỗ của Nguyễn Tường Vinh, Đà Nẵng), Giấc mơ (tranh sơn dầu của Lê Văn Duy, Khánh Hòa), Làm đẹp cho đời (lụa của Hồ Đình Nam Kha, Đà Nẵng), Chờ diễn (tranh sơn dầu của Lê Nguyên Chính, Quảng Nam) và Trống đồng (đá granit của Lê Công Dũng, Đà Nẵng). Ngoài ra, Hội đồng nghệ thuật cũng đã tuyển chọn 14 tác phẩm để giới thiệu dự giải thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam. Trong đó, Đà Nẵng có 3 tác phẩm, Quảng Nam 4 tác phẩm, Bình Định 2 tác phẩm và Khánh Hòa, Gia Lai, Đắc Lắc, Phú Yên, Quảng Ngãi mỗi tỉnh 1 tác phẩm.

Bắt nhịp với sự lớn mạnh chung của mỹ thuật khu vực và cả nước, Quảng Nam gửi đến Triển lãm Mỹ thuật Nam miền Trung - Tây Nguyên lần này 40 tác phẩm. Về mặt số lượng, Quảng Nam chỉ đứng sau đơn vị chủ nhà Đà Nẵng. Chất lượng nghệ thuật cũng có phần tăng lên so với năm ngoái và đặc biệt là sự đa dạng về chất liệu: tổng hợp, acrylic, sơn dầu, sơn mài, lụa, sơn dầu, gò nhôm và composite. Điểm đáng lưu ý nữa là, các tác giả trẻ của Quảng Nam tiếp tục tạo được dấu ấn. Trong đó, ngoài Lê Nguyên Chính được trao Tặng thưởng với tác phẩm Chờ diễn, còn có 3 tác giả trẻ khác có tác phẩm được giới thiệu dự giải của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam. Đó là: Nguyễn Văn Huy với tác phẩm Thằng bé (tượng composite); Đỗ Như Tuấn với tác phẩm Tạo hóa (sơn dầu); Kiều Nhật Sang với tác phẩm Khoảng lặng (gò nhôm). Ngoài ra, còn có một tác giả "lão làng" là Lê Văn Luyến cũng được giới thiệu dự giải của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam với tác phẩm Tổ quốc phía đầu sóng (tranh sơn dầu).

Bên cạnh tác phẩm Chờ diễn, tại Triển lãm lần này Lê Nguyên Chính còn có một tác phẩm nữa là Ánh mắt Loan Dung. Ở cả hai tác phẩm này, Chính đã bộc lộ hết sở trường diễn tả chi tiết trên chất liệu sơn dầu. Nội dung tranh tập trung vào diễn tả hậu trường của những vai diễn - một không gian biểu hiện có cảm giác hẹp nhưng được bày biện rất đầy đủ, thể hiện được không khí của hậu trường sân khấu Tuồng. Trong tác phẩm Chờ diễn, các nhân vật không được đẩy vào trọng tâm mà chỉ ẩn hiện sau bức màn sân khấu. Một gam màu rất Tuồng với một số màu ấm nóng làm chủ đạo để lột tả được bản chất của sắc màu dân gian trong nghệ thuật Tuồng. Tác giả đã thành công ở chỗ xâu chuỗi và hệ thống được các chi tiết trong mảng để tạo nên một chỉnh thể hài hòa... Riêng với Ánh mắt Loan Dung, nếu giảm nhiệt cho vùng xanh lục đặt bên cạnh sắc vàng (da thịt và trang phục), bức tranh có lẽ sẽ bớt cái cảm giác chua chua; giữ được sự bồng bềnh trong cách sử dụng đậm nhạt mang tính tương đồng... Còn Đỗ Như Tuấn, qua tác phẩm Tạo hóa, lại cho người xem thấy một bút pháp mạnh mẽ, cá tính đậm chất châu Âu hiện đại. Nội dung bộc lộ tính phồn thực, một gam màu nóng đơn giản về mảng và cực kỳ tương phản: Tương phản về độ đậm nhạt, tương phản trong cách xây dựng nhân vật, tương phản về màu sắc và các chiều hướng mềm, xốp của bút pháp thể hiện. Nếu đem các tác phẩm Chờ diễn và Ánh mắt Loan Dung đặt bên cạnh tác phẩm Tạo hóa hẳn sẽ tạo ra sự khác biệt rõ nét về phong cách thể hiện.

Với Lê Văn Luyến, một tác giả từng là họa sĩ nhiều năm tại Trung tâm Văn hóa Hội An, thì tác phẩm Tổ quốc phía đầu sóng tiếp tục cho thấy sự trải nghiệm nghề nghiệp của anh. Tuy nhiên, bút pháp ở bức tranh này không mạnh mẽ, không táo bạo mà hiền hòa như chính con người anh vậy. Một gam màu rất biển, rất cổ động, chứa đựng thông điệp đời thường nhưng rất có giá trị trong nghệ thuật tạo hình.

Với tác phẩm điêu khắc Thằng bé, Nguyễn Văn Huy lại muốn cho người xem một cách nhìn khác về thân phận con người. Huy có lối bố cục và cách diễn tả rất hiện thực (Realist), lối xây dựng hình tượng nhân vật khá ấn tượng theo tỉ lệ thật. Ở tác phẩm này, Huy đã thể hiện được khá đầy đủ về thân phận một con người đối lập với sự giàu có, một cậu bé vô gia cư nhưng có một giấc ngủ ngon lành trong công viên, không quan tâm gì đến sự xô bồ nhộp nhịp của cuộc sống đời thường. Xem tác phẩm của Huy, người ta liên tưởng đến bức tranh sơn dầu Bữa sáng của Blind Man (Breakfast of a Blind Man, 1903) của danh họa Picasso... Trong khi đó, với tác phẩm Khoảng lặng, Kiều Nhật Sang lại muốn đột phá theo một hướng khác, hoành tráng trong kích thước, mạnh mẽ trong từng diện khối của chất liệu nhôm và táo bạo trong phong cách thể hiện. Sang hướng đến một lối tạo hình hiện đại, những đường kỷ hà tương phản mạnh với những đường cong uyển chuyển tạo nên sự sinh động. Hình như tác giả muốn tạo nên một khoảng lặng nhưng không làm mất đi vai trò của thanh điệu.

Có thể nói, tại Triển lãm Mỹ thuật khu vực Nam miền Trung - Tây Nguyên lần thứ 18 này, các tác giả Quảng Nam đã thực sự cùng nhau tạo nên một bố cục mới, một mảng màu mới, đa dạng về nội dung đề tài trong cả hội họa, điêu khắc và sắp đặt. Nghệ thuật là vô cùng, mọi sự so sánh đều khập khiễng, hãy để cho sự yên lặng của tác phẩm tâm sự, tỏ bày bằng màu, bằng hình, bằng tình cảm thẩm mỹ của chính nó. Hy vọng trong kỳ triển lãm năm tới tại Kon Tum, các tác giả Quảng Nam sẽ có thêm nhiều sự sáng tạo mới hơn, lạ hơn, táo bạo và đẹp hơn, để cùng giới mỹ thuật các tỉnh bạn trong khu vực tiếp tục tạo nên những gam màu mới.

V.N.D

Quay về
Văn
Có một lời thề
Biển đêm
Khai trường, chợt nhớ...
Những mảnh ghép
Không bằng trời tính
Mênh mang...
Gió
Đồng hành mưa
Người đánh bắt giấc mơ
Vẫn còn...
Thơ
Người lính già trước biển
Trong xanh thẳm Đăk Tô
Ký ức
Dù mình không còn trẻ
Về quê
Ngọn rau đắng
Tự vấn
Một mình
Khúc đêm
Hạ Long ngẫu Rap
Khúc ru
Linh khí ở Bảo tàng Quang Trung
Giấc mơ dừa kỳ ảo giữa Tam Quan
Đại Hồng(*)
...Còn bên này sông
Người đánh bắt giấc mơ
Nhạc
Vầng trăng của bé
Văn học nước ngoài
Con chó già
Nghiên cứu-Lý luận-Phê bình
Những gam màu ấn tượng của mỹ thuật Quảng Nam
Về tuyển tập ca khúc "Quê hương xứ rượu Hồng Đào"
Vài âm vọng lục bát Nguyễn Bá Hòa
Góc nhìn người trong cuộc
Văn học và... thời trang
Văn học-Học văn
Mũ đồ chơi(*)
Một thoáng Mỹ Sơn(*)
Nhip sống văn nghệ-Hộp thư
Nhịp sống văn nghệ
Cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật hướng đến kỷ niệm 40 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2015) và kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2015)
Hộp thư