|  Đăng nhập
Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search

 

Tiêu đề: VỀ NAM GIANG
Tác giả: Lê Trâm

(Ghi chép)



Năm 1992, nhà văn Nguyễn Bá Thâm đã làm một cuộc “đi dọc đường biên” (cho dù chỉ mới là đường biên giữa Quảng Nam - Đà Nẵng với Sê Kông) như là một cách để nhìn ngắm giang sơn, nhìn lại một miền biên viễn xa ngút ngát trong tâm thức người Việt bao nhiêu đời và cả nhìn lại những năm tháng lặn lội cùng bà con miền núi Quảng Đà giai đoạn kháng chiến chống Mỹ. Đọc bút ký “Đi dọc đường biên” sẽ có được cái nhìn tổng quan về miền núi Quảng Nam hồi ấy, và cho đến cả bây giờ. Và anh cũng là một trong số rất ít người viết về vùng núi Quảng Nam cùng với Tấn Vịnh, Nguyễn Tri Hùng, Nguyễn Tam Mỹ, Lê Phước Trịnh... Những năm gần đây thì thưa vắng dần, chỉ còn Tấn Vịnh, Tri Hùng với những cuộc điền dã, nghiên cứu về văn hóa các dân tộc Cơ tu, Cor... Thêm một Alăng Ngước, nhưng mới chỉ với những bài báo nhỏ về đời sống và văn hóa của đất và người nơi ấy. Những chuyến đi ngắn ngủi, vội vàng về Trà My, Tây Giang... không đủ lấp chỗ trống cho mảng đề tài văn học miền núi và dân tộc thiểu số vùng Tây Quảng Nam.

Trong kế hoạch nhiều năm, Chi hội Văn học thuộc Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh luôn đề ra kế hoạch đi thực tế các huyện miền núi. Nhiều đợt đi theo nhóm của các hội viên trong các kỳ nghỉ hè đã được thực hiện. Sau mỗi chuyến đi các hội viên đã có nhiều tác phẩm thơ, văn viết về mảng đề tài ấy. Nhưng chưa có được một chuyến đi cho nhiều anh em toàn Chi hội. Vì thế, chuyến đi về Nam Giang vào trung tuần tháng 7 năm 2015 như là một dấu ấn của anh em văn học tỉnh nhà với các xã vùng núi phía Tây. Gần ba mươi cây viết chủ công của tỉnh đã được huy động. Thơ có Phùng Tấn Đông, Huỳnh Minh Tâm, Nguyễn Hải Triều, Nguyễn Tấn Sĩ, Mai Thanh Vinh, Đinh Huyền, La Trung v.v... Văn có Lê Trâm, Lương Mỹ Linh, Ngô Phú Thiện... Và, để tránh lúng túng, “chồng lấn” việc thu thập tư liệu, các anh em đều làm sẵn đề cương sáng tác trước khi tham gia chuyến đi, một việc khó làm và nhiều khi hình thức nhưng xem ra lại rất được việc đối với nhiều người trong đoàn.

Chuyến đi cửa khẩu Nam Giang gần giống như một chuyến tìm về cội nguồn. Để xây dựng một chuyến đi thực tế cho các bạn văn thâm nhập vùng cao khu vực biên giới phía Tây của tỉnh tưởng dễ dàng hóa ra không hề đơn giản. Bởi, đoàn đi những mấy mươi người. Giá như với dăm ba người thì chỉ cần tổ chức một lượt đi phượt kiểu như các bạn 8x, 9x là xong. Chỉ cần, xách ba lô lên và đi, như cách nói của các bạn trẻ bây giờ. Như các nhóm bạn trẻ chúng tôi gặp ở thác Grăng, xã Tabhing, Nam Giang hay ở Khe Lim, xã Đại Hồng, Đại Lộc. Đằng này còn phải lo xe cộ đi lại, nơi ăn chốn ở, kế hoạch thâm nhập thực tế, khai thác tư liệu... Đến Nam Giang mới thấy mình lo quá xa. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chỉ đạo các đồn biên phòng dọc tuyến biên giới tạo điều kiện tốt nhất cho đoàn. Dù trong ngày nghỉ nhưng Phòng Văn hóa-Thể thao Nam Giang cũng cử một cán bộ người Cơ tu hướng dẫn đoàn trong suốt hai ngày trời. Zơrâm Ươm có vẻ quen làm hướng dẫn cho các đoàn nên làm khá tốt vai trò tư vấn các địa điểm cần đến. Ở Đồn Biên phòng Cửa khẩu Nam Giang, đại úy đồn phó trực ban Dương Tuấn Anh đón thật niềm nở và chu đáo. Sau khi trao đổi sơ lược về kế hoạch của đoàn, đại úy Tuấn Anh và các chiến sĩ giúp chúng tôi dàn xếp chỗ nghỉ và bàn thêm kế hoạch đi thực tế trong hai ngày và nội dung giao lưu vào buổi tối. Để có chỗ cho ba mươi con người ở lại, cả đồn phải khắc phục bao nhiêu khó khăn.

Vừa ổn định chỗ ở, đoàn xin phép chỉ huy đồn lên thăm cửa khẩu. Thiếu úy Coor Dớt người dân tộc Cơ tu, nhà ở La Êê dẫn đoàn vượt hơn hai mươi cây số ngược lên phía Tây. Đường đang trong giai đoạn sửa chữa nhưng cũng tương đối dễ đi. Đây là đoạn đường chúng tôi ngại nhất, sợ xe một cầu không qua được như hồi đi bằng xe ca lên Lò Thung - Tiên Phước năm trước. Đường dễ đi gấp bao lần so với lần đi của một số anh em văn nghệ sĩ Quảng Nam cách đây hơn mười năm. Ngày ấy còn phải đi phà qua sông Bung bởi cầu chưa xây. Qua sông A Mó phải lội. Nhưng chưa ăn thua gì so với lời kể của những người dân ở đây thời mới lập đồn. Lúc này, đường 14D đang được tu sửa, nâng cấp để phục vụ cho Cửa khẩu Nam Giang mở sang Sê Kông. Với cửa khẩu này, đường sang một số tỉnh Nam Lào rút ngắn cả hàng trăm cây số. Lúc chúng tôi đến cửa khẩu, nhiều xe chở hàng hóa mang biển số các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên đang làm thủ tục đi sang nước bạn và ngược lại. Sự có mặt của các chuyến xe làm cho không khí vùng biên ải bớt đi vẻ hoang liêu, trái lại như là dấu hiệu dự báo sự sầm uất của vùng đất này trong tương lai. Chắc sẽ không xa. Buổi chiều miền biên ải thật dễ lay động lòng người. Một buổi chiều muộn không thể có đủ thời gian để tìm hiểu hết những nỗi vất vả của các chiến sĩ biên phòng nhưng cũng phần nào chia sẻ cùng các anh những nỗi niềm của người lính quanh năm xa nhà, ngày đêm gìn giữ biên giới, giữ gìn sự bình an cho cả vùng hậu phương để tất cả mọi người yên tâm xây dựng đất nước.

Buổi tối, là một đêm giao lưu đầy ấn tượng giữa các chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu và đoàn. Có những tiết mục văn nghệ diễn chung giữa các thành viên của đoàn và chiến sĩ biên phòng khiến nhiều người có cảm giác cả hai đã hóa thành một. Càng về khuya, không khí đêm giao lưu càng lắng đọng. Nhiều bài thơ từng gắn với tên tuổi của tác giả hoặc vừa được viết từ đợt thực tế đã được các thành viên trình bày. Như nhà thơ Nguyễn Tấn Sĩ với những câu thơ hay viết về một thời trận mạc của mình. Và cả những câu thơ mới viết: Đêm Trường Sơn khát Nam Giang/ Anh và em khát muộn màng ánh trăng/ Đêm nghiêng. Hãy giữ thăng bằng/ Nghe sương chầm chậm. Bến Giằng đang mơ... (Nam Giang khát). Hay với nhà thơ Nguyễn Hải Triều: Bè bạn với rừng đàn mây di trú/ Có thể xanh hơn bóng dáng quê nhà/ Đăk Ốc gió Lào se sắt/ Người lính biên phòng nỗi nhớ gởi về xa (Đại ngàn)...

Khép lại một đêm sâu lắng.

Sáng hôm sau, dưới sự hướng dẫn của thượng úy Blup Vĩnh, người Cơ tu, chúng tôi đi thăm thôn Đắc Ốc xã Ladêê và một thôn người Cơ tu duy nhất của xã Đắc Tôi (đa số người ở xã này là dân tộc Tà Riềng). Đây hình như là nơi nhà văn Nguyễn Bá Thâm hồi “Đi dọc đường biên” đã tới. Ông viết “Hồi chiến tranh, không có xã Ladêê, chỉ có xã Đák Tôi và Kon Năng. Năm 1977, hồi phân định biên giới Việt - Lào, dân Đák Tôi phải rời đất cha ông đã bao đời sinh sống, lui sang con nước của sườn Đông Trường Sơn. Kon Năng - xã điển hình toàn diện của vùng núi Khu V hồi đánh Mỹ cũng bị xóa tên” (“Đi dọc đường biên”, Bút ký Nguyễn Bá Thâm, trang 172). Đang lúc địa phương tập huấn kỹ thuật làm lúa nước cho bà con nên hầu hết người lớn đều tập trung ở gươl của làng. Ở nhà chỉ còn trẻ nhỏ và người già. Chúng tôi ghé thăm một số bếp. Hỏi chuyện mấy người già đang ngồi trên ngạch cửa ngó mông ra đường và vui với bọn trẻ nhỏ. Họ không nhìn chúng tôi với cặp mắt dò xét, ngờ vực như có vẻ nhầm chúng tôi với những người làm trầm như hồi đoàn của nhà văn Nguyễn Bá Thâm tới đây. Có vẻ họ đã quen tiếp xúc với dân vùng xuôi và có thể với cả dân du lịch nước ngoài. Không thể không nhớ câu chuyện nhà văn đã kể về Páp Vư và Blúp Dứ. Một người là cán bộ cách mạng kỳ cựu của cả rừng núi Quảng Đà một thời lừng lẫy, một người là nhà giáo ưu tú sau 1975. Cả câu chuyện nhà văn đã dìu gần hai chục phụ nữ và trẻ em thoát qua cơn nước lũ của sông A Mó và lời đề nghị bắt vợ giùm của Páp Vư để trả nghĩa cho nhà văn: “Thôi, mày làm con Đák Oóc đi, làng sẽ bắt con gái T’riêng cho mày. Ưng không?” (“Đi dọc đường biên”, trang 174). Hay những day dứt của Blúp Dứ về cuộc sống của bà con trong vùng ngày ấy: “Tôi và cán bộ Đák Oóc học nghị quyết và nghe đài nói rằng, muốn xây dựng đất nước giàu mạnh là phải sản xuất hàng hóa. Thế ở Đák Oóc, ở Ladêê sản xuất hàng hóa là cái gì. Lúa, bắp, sắn có nhiều đấy nhưng cũng chỉ để ăn. Đất rừng không thể làm giàu bằng nông nghiệp. Chăn nuôi bò, heo, gà cũng để ăn. Đường sá chưa có, không đưa xuống Thạnh Mỹ bán được. Con đường ô tô từ bến Giàng lên đổ bao nhiêu tiền của mà cứ trầy trật mãi. Bao giờ thì nó mới tới được vùng biên, sang Lào. Nhưng mở ra con đường, con đường ấy có đi lại được không còn là một việc. Còn ở đây, cà phê dân trồng thử, nhiều trái lắm, dù vậy không có vốn để trồng nhiều. Quanh quẩn mười mấy năm nay, dân vẫn sống theo kiểu để khỏi chết đói. Giờ định canh định cư được và dân không đói là may lắm rồi, chớ sang thế kỷ 21, tôi nghĩ, ở vùng cao này chưa chắc đã có chủ nghĩa xã hội...” (Sđd, trang 177-178).

Bây giờ đã là năm thứ mười lăm của thế kỷ 21. Tôi ngắm như hút vào lòng mình dòng A Mó đang chảy dịu dàng dọc bên đường đi vào Đắc Tôi. Con sông mùa này hiền hòa quá đỗi sao ngày ấy dữ dội đến vậy? Và, những ám ảnh đói nghèo đeo dai dẳng bên lòng Blúp Dứ có phải đã khơi thông? Bây giờ đi sang dòng A Mó đã có cầu cống kiên cố bắc ngang. Xe du lịch gắn máy lạnh đã chạy không chỉ tới La Dêê mà còn đi đến tận Cửa khẩu kia mà. Qua tận Sê Kông rồi đi khắp nước bạn. Bây giờ, không lo cái nạn đau ốm không có đường chuyển bệnh nhân xuống viện, đành chết nửa chừng trên đường đi. Giờ, trường cấp ba đã mở đến sát đồn biên phòng rồi, Blúp Dứ ạ. Và, đường đi về của thầy cô đi dạy miền núi, ít nhất là với Nam Giang này đã thênh thang lắm rồi...

Rời Đắc Tôi, đoàn ngược xuống thăm làng dệt thổ cẩm Za Ra. Hình như đi không đúng lịch du lịch nên làng dệt vắng tanh. Anh em tranh thủ chụp mấy pô hình rồi về gươl huyện.

Cách 75 cây số về hướng miền xuôi các dấu ấn văn hóa phai nhạt thấy rõ. Gươl huyện mái lợp tôn, sườn ghép bằng khung sắt tạo nên cảm giác nặng nề và hụt hẫng. Có vẻ giống kiểu nhà trưng bày ở thành phố. Trước đây chúng tôi cũng nghe nhiều người bàn tán khá nhiều về cách bảo tồn và khai thác các nét văn hóa truyền thống của nơi này. Đặc biệt là khâu phục dựng, làm sao để khỏi làm biến dạng các giá trị văn hóa truyền thống đã được hình thành từ ngàn đời lưu lại. Và hình như người ta đã chọn chưa đúng cách bảo tồn các giá trị văn hóa quý hiếm. Bây giờ mọi thứ chừng như đã muộn. Nhưng dù sao vẫn còn lại những mái gươl dù nhỏ bé, khiêm tốn thỉnh thoảng bắt gặp dọc đường đi cũng phần nào an ủi và tạo thêm niềm tin cho những người trót nặng nợ với núi rừng. Chúng tôi rời gươl huyện với cảm giác vừa bị đánh mất nhiều thứ. Đổ lỗi cho ai đây? Khá nhiều người trong đoàn nghĩ rằng mình cũng có đôi phần trách nhiệm trong ấy. Giá mà sớm ghi lại những dấu ấn ấy, như nhà văn Nguyễn Bá Thâm và nhiều anh em khác đã từng làm. Nhưng dù sao thì chuyến đi cũng đã giúp anh em hiểu rõ hơn về đời sống của bà con ở miền cực Tây của tỉnh, nhất là các chiến sĩ đang ngày đêm bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

L.T

Quay về
VĂN
GIẾNG XƯA
DUYÊN PHẬN
LƯỚT TRÊN SÔNG NƯỚC TRÀNG AN...
BỘT CHIÊN THƯƠNG MẾN
VỀ NAM GIANG
THƠ
THÁP MƯA THỜI GIAN TRÔI
MƯA ĐÊM HỘI AN
NƠI NÀO ĐÓ VÀ NHỮNG NGÀY MƯA
LỤC BÁT BỐN CÂU
THƠ CỦA TUỔI 60
CHUÔNG LÒNG
VIẾT CHO NGÀY TRỞ VỀ
NHƯ THỂ...
VỀ QUA XÓM CŨ
VIẾT Ở CỘT MỐC 717 VIỆT-LÀO
LỜI GIÓ
RỒI TA SẼ GẶP...
ANH THÈM HÓA ĐÁ BÊN CHÂN THÁC
NAM GIANG KHÁT
THẠNH MỸ
THƠ TÌNH GỞI NAM GIANG
BIÊN GIỚI TÌNH TÔI
VĂN HỌC NƯỚC NGOÀI
SỰ CHÂN THẬT
NGHIÊN CỨU-LÝ LUẬN-PHÊ BÌNH
SÂN CHƠI MỸ THUẬT KHU VỰC - NHỮNG "DẤU ẤN"
TẤC LÒNG QUÊ CỦA NGUYỄN DU - TỪ GÓC NHÌN ĐIỂN CỐ
CÁCH TÂN NGÔN TỪ VỀ VĂN BẢN TRONG THƠ MỚI
GÓC NHÌN NGƯỜI TRONG CUỘC
LỰC LƯỢNG PHÊ BÌNH TRẺ: GIỚI HẠN VÀ KHẢ THỂ