|  Đăng nhập
Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search

 

Tiêu đề: Sân ga
Tác giả: Vũ Thị Huyền Trang

Truyện ngắn

Nhà rộng quá, lúc thiết kế ngôi nhà này chị quên mất rằng anh hay phải đi xa. Cửa nhà nhìn ra sân ga, lơ thơ những cọng cỏ trồi lên dưới lớp lá bàng khô mục nát. Trước khi ngôi nhà được xây lên, mảnh đất này nằm trơ sỏi đá suốt bao năm dường như chỉ để khắc họa vào lòng người một sân ga hoang hóa. Chị đứng giữa bãi đất đó nói nơi này rồi sẽ biến thành gian bếp với mâm cơm nóng hổi đợi anh về. Chỗ kia là phòng ngủ với cánh cửa sổ luôn mở toang đón hương hoa từ vườn bay tới. Chỗ đó là phòng chị đọc sách, gói ngày dài xa anh vào những áng văn nồng nàn chờ đợi từng hồi còi tàu gọi bến. Hai năm sau ước mơ của chị thành hiện thực thì anh cũng xa nhà miên miết. Chị đã quen với việc chờ đợi người dưng, những khuôn mặt nhàu nhĩ, hớn hở hay nhuốm màu bệ rạc đang ngẩn ngơ đứng lại sân ga khi đoàn tàu chuyển bánh. Ở vùng quê này nếu không có tiếng còi tàu ngày hai lần vang lên đánh thức, thì chắc chị đã ngủ quên tháng năm phủ bụi hoặc có khi lẫn vào thảng thốt trời chiều...

Anh mua cho chị một chiếc máy may nhỏ và coi đó là món quà hối lộ của một kẻ bỏ bê gia đình. Chị hỏi công việc của anh bận lắm không? Hỏi như chỉ để hỏi, không chờ đợi một câu trả lời mặc định. Đã mấy lần lúc nhìn chồng nóng lòng chờ đợi một chuyến tàu chị đã định than mình dạo này mất ngủ, rằng đuôi mắt đã có nếp nhăn, rằng đêm nào cũng gặp giấc mơ nằm lại trên một nghĩa trang heo hút. Cái ý nghĩ rằng mình rồi sẽ già ám ảnh chị ghê lắm. Mười mấy năm nữa mình thành con người khác, thế là hết một cuộc đời mà chị thì đã kịp sống và yêu đến cạn kiệt đâu. Giống như người ta xé những tờ lịch, chị vì ngồi đợi anh mà ngắm nghía những ngày tàn như tro vun đầy bên thanh xuân thành hình nấm mộ. Những bữa cơm vì thế nguội dần đi. Đàn bà sinh ra không phải để thui thủi nấu cơm bày biện mời mình. Có gì kệch cỡm hơn ta tự bật bếp, xào nấu, nêm nếm rồi đến bữa ngồi gật gù khen mình nấu ăn ngon. Cái kiểu tự yêu mình ấy dễ chán lắm, làm sao có thể duy trì được mãi cái thói quen ngăn nắp đời mình như thế.

Chị thèm bánh mì và cơm nguội. Ăn cùng mấy chú cá bống kho khô. Cơm không canh, thỉnh thoảng nghẹn. Không sao, có cớ để nước mắt giàn giụa chảy mà đỡ phải chất vấn lương tâm. Thỉnh thoảng đứng giữa ngôi nhà đẹp từng ấy mà chị ngỡ nó là bãi đất hoang toàn sỏi đá, vài cọng cỏ lơ thơ nhú lên trên lớp lá bàng mục. Chỗ này khách xuống tàu ngồi nghỉ chân chờ người nhà tới đón. Thỉnh thoảng có vài người yếu ớt say tàu nhào tới nôn thốc nôn tháo ở chỗ kia. Vài quán lá từng được dựng lên bán nước chè, mẹt nhót, dong riềng, sắn luộc... Rồi chủ quán bỏ đi để lại xác xơ mái lá. Chị thấy nhà mình toang hoác, thấy chẳng giống một mái nhà. Định nói với anh như vậy nhiều lần mà lần nào anh cũng bước lên tàu vội quá. Thỉnh thoảng lòng dạ đàn bà trỗi dậy, chị dằn vặt bản thân bằng câu hỏi anh thèm đi đến vậy sao còn biến đời chị thành một sân ga?

Để đỡ buồn, chị mở quán may đo quần áo ngay tại nhà. Cơi nới hiên rộng ra một chút, bày thêm bình trà ra chõng tre là chị tha hồ đón khách. Khách đến may đo thì ít mà khách đi tàu ghé qua nghỉ chân đỡ mỏi thì nhiều. Khách thấy chị khéo tay thì đặt may vài vỏ gối, bộ quần áo cho trẻ nhỏ, đôi khi chỉ là cái tạp dề hay mấy miếng bắc nồi hình con thú ngộ nghĩnh. Chỗ vải vụn chị ngồi may búp bê vải treo lên để thu hút ánh nhìn ngây thơ của tụi nhỏ trong lớp mầm non chiều nào cũng đi qua đó. Những đứa trẻ đẹp tựa thiên thần, khuấy lên trong lòng chị cái mong ước bình yên về một mái ấm vẹn đầy. Lũ trẻ sẽ đứng dưới gốc bàng ngước nhìn thèm thuồng những con búp bê. Chị hứa sẽ may đủ cho từng ấy đứa vào ngày tết thiếu nhi. Nhưng nắng chưa kịp khô, chị cũng chưa kịp ướp hương ngọc lan lên những con búp bê ấy thì anh bất ngờ về. Chị còn chưa kịp mừng vui hội ngộ cũng chưa kịp phân bua thì anh đã quát ầm nhà:

- Em gỡ chúng xuống đi. Lúc ngồi trên tàu anh thấy chúng chẳng khác gì những hình nhân.

- Chỉ là những con búp bê vải thôi mà. Em đã may chúng trong những ngày đợi anh để thấy lòng đỡ trống trải hơn.

- Nhìn khắp nhà xem, chúng làm ngôi nhà này trở nên ma mị. Còn em nữa, buộc tóc lên gọn gàng hoặc là cắt đi. Trông cứ như ma ám.

Chị không nói gì. Chờ anh đi thì mang những con búp bê vải ra xé vụn, lõi bông bay trắng một khoảng trời chấp chới. Chị thấy nghèn nghẹn trong cổ họng, ấm ức như đứa trẻ bị hắt hủi đúng lúc cần được yêu thương nhất. Chị không cách nào nắm bắt được anh. Con người ta có thể thay đổi suy nghĩ từng giây phút một mà anh thì lại quá xa xôi, năm khi mười họa mới về nhà ngả lưng lấy một ngày. Anh vui buồn hay toan tính những gì chị không biết được. Cuộc sống ngoài kia bủa vây anh, cạm bẫy nào anh đã vượt qua, còn cạm bẫy nào anh giẫm trúng, chị không hề nhìn thấy. Cảm giác của sự bất lực và nỗi hoang mang mất mát cứ nảy nở trong tâm trí chị. Đã vậy, mỗi lần bước chân đi anh không bao giờ hẹn ngày về...

Anh trôi dạt khắp nơi săn lùng đồ cổ, nghe nói còn tìm mua cả những căn nhà cổ bằng gỗ sưa ở các bản làng heo hút. Xứ ấy khiến chị thấy bất an. Những con búp bê vải của chị tại sao lại khiến anh hoảng hốt? Tại sao những lần trở về gần đây anh xanh xao, mệt mỏi như vừa bị vật qua những cơn sốt rét rừng trong lời kể của người xưa? Ở nơi này chị không có ai để cầu cứu. Chị vốn là đứa trẻ không có quê nhà, bao nhiêu năm tháng chỉ biết bấu víu vào tình yêu của anh mà sống. Xác những con búp bê vải bay lên trời rồi tụ lại ở đường ray tàu hỏa. Khiến chị nhớ tới những hình nhân cầu mưa trong một bộ phim nào đó. Ừ nhỉ, chị cần mưa. Sân ga này nắng thế đủ rồi, thiêu đốt lòng người úa như từng khóm cỏ.

*

*          *

Có một người phụ nữ trẻ đẹp bước xuống sân ga. Cô ta ngước ánh nhìn về phía chị ngồi rồi cúi xuống nhặt một đụm bông trắng còn vướng lại ở đường tàu. Xách một túi vải lớn cô ta nói “may giùm em mấy con búp bê vải. Đợt mưa sau em ghé lấy”. Chị mong mãi trời vẫn không mưa. Búp bê vải giăng ngoài sân ga phơi nắng. Bây giờ người ta cho xây hàng rào ngăn cách với đường tàu để đảm bảo an toàn cho lũ nhỏ. Chỉ vướng víu tầm nhìn đôi chút thôi nhưng chị sợ sự ngăn cách đó. Nó khiến những người khách không đủ nhiệt tình để đi vòng một đoạn nên bỏ bê mái hiên của chị. Chỉ một cái hàng rào mà đã đủ soi đậm nhạt lòng nhau thì trách chi bể dâu đã khiến lòng người bệ rạc. Đêm nằm ngó ra hiên nhìn búp bê vải bay chấp chới chị tưởng tượng ra mình cũng là một hình nhân hoặc là con bù nhìn đứng canh gác sân ga nhỏ.

Anh về. Ngó mái hiên lòng nổi cơn giông gió.

- Mấy thứ bùa ngải này em lấy ở đâu?

- Chúng chỉ là những con búp bê vải thôi mà. Người ta đặt em may.

- Ai xúi em yểm bùa anh? Em nhìn những cây kim này đi. Nó làm anh đau buốt tận tim gan. Đầu óc anh quay cuồng như muốn nổ tung ra. Em muốn giết chồng mình chắc?

Chị cứng họng, lao đến giật con búp bê vải trên tay anh. Có một cây kim dài. Tại sao lại có kim ở đây? Luống cuống gỡ vội từng con búp bê trên dây phơi xuống. Lạ thay tất cả chúng đều được găm sẵn một cây kim ở cổ, ở đầu hoặc ở ngực. Tại sao? Chị hét lên trong câm lặng. Tiếng hét như ngọn lửa đốt cháy vòm họng. Chị không làm điều đó. Vậy ai? Là ai? Ai đã làm thế và với mục đích gì? Câu hỏi ấy không ai trả lời chị nên chị không thể giải thích cho anh. Chỉ một lời dứt khoát, anh nói chị đừng bước lại gần, hơi lạnh từ cơ thể chị có thể làm anh bị cảm. Đêm đó anh ngủ riêng, nằm co ro ngoài phòng khách. Chị lặng lẽ nhìn anh trong bóng đêm, thấy không cần bất cứ hàng rào nào cũng tạo ra khoảng cách. Sáng ra anh bảo anh sẽ đi. Chị bật khóc vì nghe tiếng anh như một lời từ biệt chia ly. Chạm tay định níu anh, gặp một cái hất tay kháng cự bất cần. Những người đứng trên sân ga nhìn anh bước lên tàu rồi rì rầm với nhau như tiếng cầu kinh. Mái hiên chị giờ không người ghé qua, những kẻ tò mò cũng chỉ dám đứng ngoài hàng rào ngóng vào như nuốt từng cử chỉ, từng chi tiết cuộc đời của chị. Vậy là bỗng nhiên xứ này có chuyện để kể với nhau cho bớt đi nhạt nhẽo. Người ta nói đêm nào ở sân ga cũng có người đàn bà điên rũ rượi đứng khóc chồng. Người ta nói người đàn bà ấy biết làm bùa ngải. Người ta cũng nói trời hạn hán không một giọt mưa là tại những hình nhân. Lũ trẻ con không còn dám đi qua sân ga nữa. Chị thèm ánh mắt ngây thơ của chúng trong những ngày tháng cũ chứ không phải là ánh nhìn lấm lét mỗi lần chị đắm đuối ngó theo.

Minh họa: NGUYỄN BA

Người phụ nữ trẻ đẹp ấy quay lại nhận những con búp bê về. Những cây kim đã được chị gỡ ra nhưng dấu kim còn nằm lại. Cô ta khẽ cười, để lại một xấp vải trắng đính cườm nói cần may một chiếc váy cưới cho cuối mùa hạ. Lúc cô ta vừa bước lên tàu thì trời đổ mưa tầm tã. Mưa rửa đất rửa cả lòng người. Hơi lạnh từ nước mưa khiến chị ốm. Vừa ngồi may váy cưới cho người vừa nghĩ mình sẽ chết vì những cơn gió thổi đến mang lẫn cả hơi nước buốt như đá. Mưa dai dẳng mãi không thôi, ngập trắng cả sân ga làm nổi trôi từng lớp lá bàng mục nát. Cuối mùa hạ có thể là tháng tám, cũng có thể sớm hơn. Vì người phụ nữ ấy không hẹn rõ ngày trở lại nên chị cố gắng may váy cho xong. Có một thứ linh cảm bất an bám riết chị. Chị cặm cụi may như thể ngày mai biết đâu sẽ không còn kịp nữa. Đến khi đường kim cuối cùng vừa xong thì chị cũng nằm gục tại bàn may. Đêm đó gió, váy trắng bay phấp phới. Ma mị trong lời kể người đời...

*

*          *

Người phụ nữ trẻ quay lại lấy váy kèm theo một nụ cười bí hiểm. Cô ta không vội vã như hai lần trước. Hình như cô không định đi luôn. Tàu thường đỗ ở ga này mười lăm phút để tránh nhau với tàu hàng. Nhưng hôm nay tàu gặp sự cố nên dừng lại lâu hơn... Người phụ nữ trẻ ngồi ung dung pha trà nhìn chị héo rũ như lá úa đang sửa lại bộ váy may hơi rộng. Tiếng người xì xầm to nhỏ khiến chị ngẩng lên đúng lúc thấy anh nhảy xuống khỏi tàu. Anh đã về. Chị không còn đủ sức cho một tiếng reo vui. Anh nhìn người phụ nữ trẻ ngồi ở chõng tre rồi ngước nhìn chị. Một tiếng kêu bật lên. Kim khâu đâm vào tay chị bật máu. Anh chồm về phía chị nhưng chị nói không sao. Hai người họ lại nhìn nhau, chị không ngẩng lên cũng thấy gáy mình bỏng rát. Người phụ nữ trẻ đẹp, những con búp bê vải, chiếc váy cưới và anh. Trong cơn đớn đau điên loạn chị vẫn kịp xâu chuỗi những điều vụn vặt lại cùng với ánh mắt kia. Ánh mắt của những người mê đắm dành cho nhau, ở phía anh là vụng trộm nhưng phía cô ta dường như là thách thức dành cho chị. Chị gấp váy cưới trả cho khách. Máu chị nhỏ đúng nơi ngực áo. Đứng dậy khỏi bàn máy khâu. Chị vào nhà thay bộ váy đẹp, chải đầu tóc gọn gàng, tô son môi. Chị thấy mình của sáu năm về trước đang mỉm cười trong gương. Chị của những ngày đầu gặp anh, của thanh xuân rạng rỡ. Chị bước lên toa số 8 vừa kịp lúc đoàn tàu chuyển bánh. Không một cái ngoái nhìn lại sân ga chị cũng biết hai con người ấy đang dõi theo mình. Ngồi tựa vào ghế tàu chị thấy mình nhẹ bẫng.

Sau này những người bán hàng rong trên tàu thường kể lại câu chuyện về một người đàn bà điên rất đẹp. Không biết chuyến tàu đã đưa người đàn bà ấy đi đâu, chỉ biết rằng trên tay người điên luôn ôm khư khư một con búp bê vải màu trắng. Ngực con búp bê loang một vết máu lịm đỏ. Những người ngồi gần nhìn thấy rõ có một cây kim sắt cắm trên ngực búp bê...

V.T.H.T

Quay về
VĂN
Bến sông có ngải
Ước mơ gửi lại
Sân ga
Lăn tăn đời người
THƠ
Ấm lời Bác giữa Ba Đình
Tháng chín mùa thu thấy Bác về
Cung đàn Thu
Người chọn từ cho thơ vỗ cánh bay
Đất nước - tình yêu
Mùa thu tháng Tám
Đòn gánh + Những góc khuất
Những góc khuất
Tự khúc
Viết trong ngày biển động
Hình dung
Nhật ký gió cuốn
Tình yêu của những ngọn đèn đường
Cái chết của đá
DÒNG CHẢY VĂN HÓA
Một số đặc điểm sắc bùa xứ Quảng
NGHIÊN CỨU-LÝ LUẬN-PHÊ BÌNH
Tự do sáng tác và chân thực nghệ thuật
Quê hương màu đất
TRÀ DƯ TỬU HẬU
Những tiếng chim trong vườn nhà ngõ phố
VĂN HỌC-HỌC VĂN
Những cánh hoa mùa hạ