Người và nhạc đi cùng năm tháng
Nói đến âm nhạc xứ Quảng, người ta lập tức nhắc đến những tên tuổi từ lâu đã được định danh, như La Hối, Lê Trọng Nguyễn, Phan Huỳnh Điểu, Thuận Yến, Vũ Đức Sao Biển, Đynh Trầm Ca... Mỗi người trong số họ được nhắc, được nhớ đến, trước hết vì có những ca khúc đi cùng năm tháng, thoát ra hẳn không gian xứ sở chật hẹp, hòa nhịp và khởi dựng rung cảm cho người nghe nhạc khắp muôn phương. Bây giờ, trong các lễ hội sôi động dịp tết đến xuân về, nhiều nơi lại chọn “Xuân và tuổi trẻ” của La Hối để hát. Cũng vậy, ở bất cứ đâu, khi thấy lòng dìu dặt nỗi nhớ nhung, chia xa... người ta lại chọn hát “Nắng chiều” của Lê Trọng Nguyễn hoặc “Ru con tình cũ”, “Về lại đồi sim” của Đynh Trầm Ca hay “Thu, hát cho người”, “Điệu buồn phương Nam” của Vũ Đức Sao Biển.
Gần đây, việc giới thiệu, quảng bá tác phẩm âm nhạc của các hội viên được Hội VHNT tỉnh quan tâm nhiều hơn.
Trong khi đó, với nhạc sĩ Thuận Yến, các ca khúc “Chia tay hoàng hôn”, “Màu hoa đỏ”, “Khát vọng”... luôn là lựa chọn không chỉ cho những người yêu thích giai điệu hào hùng một thời kháng chiến mà cả những người đang rạo rực yêu đương. Sự “tương thích” với nhiều tầng lớp, nhiều thế hệ công chúng cũng diễn ra với nhiều nhạc phẩm của “con chim vàng của nền âm nhạc Việt Nam” - nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu. Những “Cuộc đời vẫn đẹp sao”, “Ở hai đầu nỗi nhớ”, “Những ánh sao đêm”, “Anh ở đầu sông em cuối sông”, “Sợi nhớ sợi thương”, “Thuyền và biển”, “Thơ tình cuối mùa thu”,... đã và đang là “bài ruột” của nhiều người.
Những năm sau này, danh sách các nhạc sĩ sáng tác của Quảng Nam tiếp tục được nối dài thêm. Độ lùi về thởi gian đối với âm nhạc của các thế hệ sau này chưa thể sánh cùng với thế hệ trước, nhưng xem ra cũng đã khá dài và “bền”. Trong đó, với Nguyễn Hoàng Bích, người ta nhớ đến “Hát về cây lúa quê tôi”, “Tình biển gọi”. Nhạc sĩ Phan Văn Minh thì “đóng đinh” vào tên tuổi mình bằng 2 ca khúc về đề tài gia đình: “Cả nhà thương nhau”, “Khúc trầm hương giao thừa” và một số ca khúc khác như “Đôi mắt sông Hoài”, “Người Quảng dáng nâu”... Với Nguyễn Huy Hùng, người yêu nhạc nhớ đến anh qua “Tiếng hát bên dòng sông”, “Tự hỏi”; còn với Trần Quế Sơn là các ca khúc “Cõng mẹ đi chơi”, “Tình quê”, “Yêu cái mặn mà”... Ngoài ra, còn có thể nhắc đến một Huỳnh Ngọc Hải với các ca khúc “Âm vang trống trận”, “Đêm trăng sông Thu” hay một Hồ Xuân hương với “Dáng mẹ”, “Miền quê không xa”, “Chở nắng”...
Nhạc Quảng vang ngân... ngoài xứ Quảng
Những ca khúc bất hủ, có không gian âm nhạc vượt thoát ra khỏi không gian địa lý chật hẹp của các nhạc sĩ Quảng Nam được người yêu âm nhạc nhiều thế hệ trong cả nước thuộc và hát, đó là một điều hiển nhiên. Bên cạnh đó, điều khiến nhiều người ngạc nhiên là, có không ít những ca khúc hoàn toàn “thuần Quảng”, gần như chỉ là “địa phương ca” của Quảng Nam nhưng lại được người yêu nhạc cả nước thuộc và hát say sưa mỗi khi có dịp...
Giao lưu âm nhạc, một trong những hình thức góp phần đưa ca khúc xứ Quảng đến với công chúng cả nước.
Rõ nhất là trường hợp ca khúc "Quảng Nam yêu thương" của cố nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu. Từ cội nguồn yêu thương, từ tình người, tình quê, tình đất, từ cảm hứng của câu dân ca đẫm men nồng “Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm...”, ca khúc đã giúp mọi người nhận diện rõ hơn một Quảng Nam “...chưa đi mà đã nhớ; vừa gặp gỡ mà đã yêu”. Có lẽ vì vậy mà ca khúc này được hát hầu như ở khắp các địa phương trong cả nước. Tương tự, ca khúc “Thương em chín đợi mười chờ” của nhạc sĩ Minh Đức cũng được hát, được phát trên sóng phát thanh ở nhiều địa phương trong cả nước. Và dù được cất lên ở đâu, sự đồng cảm của người hát, người nghe vẫn rất vẹn nguyên với những lời hò hẹn dịu ngọt và tha thiết, với bao niềm tin yêu, hy vọng ngập tràn: “Em hát bản tình ca về đất Quảng quê ta, em hát điệu dân ca ôi nghe sao ngọt ngào mà lòng anh xôn xao. Một nong tằm là năm nong kén, một nong kén là chín nén tơ...”. Riêng với nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển, ngoài một "Đường về" tha thiết, day dứt: “...Một đời ngàn sông trăm bến, cũng có khi quay về, nhìn lại trời xưa đâu thấy tà áo bay ven đồi, đường về Quảng Nam ta nhớ người, người ơi...”, ông còn có nhiều ca khúc tưởng chỉ của riêng xứ Quảng nhưng lại được hát ở khắp muôn nơi: “Nhớ Quảng Nam”, “Hoài niệm Trường Giang”, “Tình ca sông Hàn”, “Sông Thu ngày ấy”, “Ngàn năm Mỹ Sơn”...
Với những cảm xúc bình dị, chân thật và trong sáng, khá nhiều ca khúc đất Quảng có một đời sống bền lâu. Hình như ở bất cứ đâu trên mảnh đất này, hay đến những nơi có nhiều người Quảng Nam sinh sống đều có thể được nghe các ca khúc viết về xứ Quảng. Có lần người viết bài này ghé Sóc Trăng, chợt thấy ấm lòng khi có người cất lên câu hát: “Loanh quanh trên những con đường nhỏ, lang thang qua phố xưa nhà cổ, tìm đâu phút mộng đầu xanh trong mắt hồn phố xưa”. (“Đêm hội phố Hoài”, Nguyễn Duy Khoái). Một đêm bên sông Cầu (Phú Yên), lại bất ngờ và xao xuyến khi được nghe “...dòng sông xanh mơ bến bờ Tam Giang, thuyền ra chen vai chợ Được; Hội An ta ghé bến chiều sâu trong tiếng chuông chùa, lặng nghe trong dấu tích nhịp xưa in đá mòn...” (“Trường Giang xanh", Phan Văn Minh). Bạn bè ở những nơi ấy đều bảo, họ thuộc và hát những ca khúc Quảng Nam không phải để làm vui lòng khách xứ Quảng mà vì tìm thấy ở đấy những rung cảm đẹp khó lẫn vào đâu được... Đặc biệt, có một ca khúc chỉ là “huyện ca” nhưng lại có sự lan tỏa rất rộng. Một lần ở Quảng Bình, một lần ở Thanh Hóa và một lần ở Bạc Liêu, anh em văn nghệ Quảng Nam đã... ngớ người khi nghe bạn bè các nơi ấy hát rất hay, rất chuẩn bài “Quế Sơn đất mẹ ân tình” (Đình Thậm)...
Mới hay, nhiều ca khúc viết về Quảng Nam không là của riêng các nhạc sĩ viết ra chúng, không là của riêng Quảng Nam. Có lẽ, chỉ cần có một tình yêu quê xứ chân thành cùng vẻ đẹp của âm thanh, giai điệu... thì âm nhạc sẽ được truyền đi, lan tỏa, đến và ở lại cùng những con người biết đồng cảm và chia sẻ...
PHAN CHÍ ANH
(Nguồn: Báo Quảng Nam)