Anh ló đầu sau giàn thiên lý ú ớ gọi:
- Út ơi, đi bắt cá với anh!
Đang lim dim mắt vờ ngủ trưa, tôi nhảy vọt dậy như bắt được vàng: “Chờ em với!”. Tôi vớ cái bao thiệt to rồi lót tót chạy theo. Nhưng chợt chạnh lòng, thể nào xuống đồng cũng gặp tụi xóm dưới, chúng nó sẽ lại trêu tôi suốt ngày chơi mấy trò con trai. Tôi giận tím người nhưng có anh ra mặt “bảo kê”, tôi không sợ, “Anh tao học nhất trường tỉnh chớ chả chơi!”.
Ở quê tôi cứ mỗi dạo gặt lúa xong, cả cánh đồng trơ mình dưới cái nắng như thiêu, như đốt. Những con kênh khô cạn dần rồi đọng thành những vũng nước to, nhỏ. Tụi trẻ con chúng tôi xem đó như những “ngư trường” dồi dào, đầy đủ các loại cá, cá rô, cá tràu, cá nhét và những con cá có cái tên lạ hoắc mà anh lúc nào cũng say sưa kể về. Thế là trưa hè nào, hai anh em tôi cũng dang mình dưới cái nắng chang chang để chạy quanh đồng tát cá. Cả lũ trẻ quê đen ngòm nay lại sạm cả da nhưng mà vui không tả nổi.
Vội vã thế nào tôi quên cả cái nón, báo hại anh dang cả trưa dưới đồng, tôi chỉ đứng trên bờ nhặt cá mà cũng được anh nhường cho cái mũ vải. Nhìn tôi lò dò theo sau với cái mũ lụp xụp che cả mặt, anh trêu: “Út xuống bơi với bầy vịt ông hai Sổ đi chớ đứng đó làm gì! Ha ha...a...a”. Tôi nổi quạu đòi về, anh đành ngoan ngoãn kéo tay tôi theo sau. Thế là bị lừa hiệp một, anh nhé, anh không kéo tay em thì em cũng kiếm cớ ở lại xách cá cho anh đỡ mỏi tay thôi! Hai đứa chạy từ đồng trên xuống đồng dưới rồi mò lên tận Gò Sen. Vừa bắt cá, anh vừa hái cho tôi mấy hạt sen bùi bùi, ngọt ngọt mà đến tận bây giờ không món quà vặt nào hơn.
Minh họa: NGUYỄN DŨNG
Tôi khoái nghe anh kể về thế giới của những loài cá rồi xuýt xoa... cá tràu nướng trui với lá chanh đem chấm muối ớt là thôi rồi! “Thôi anh đừng kể nữa, em thèm chết được!”. Anh cười vang cả khúc sông, vặt cái mũi dính bùn của tôi: “Để anh bắt cá tràu nướng cho út ăn thử nhé!”. Tôi gật đầu cái rụp nhưng mà có biết đâu, hòa nhé, em bị anh lừa mất rồi!
Bởi có chuyện xảy ra ngăn cản kế hoạch của hai anh em...
Chiều đó, sau khi mỏi nhừ đôi chân trên mọi ngả đồng quê hai đứa mới chịu mò về. Được gần đầy giỏ cá với đủ loại, hai ba con cá tràu kha khá, với tôi đó là niềm an ủi vô cùng tận bù lại cái mặt đã đen gờm vì nắng. Tôi mừng nôn cả ruột, nướng trui! Bấy nhiêu là vui lắm rồi chớ có như bác Năm - má anh, lúc nào cũng sang bảo với mẹ tôi: “Hai đứa nó ngày nào cũng chăm chỉ bắt cá thì nhà mình giàu chớ khá chi nổi thím he?”. Có không đó, hay chỉ trêu hai anh em mình thôi hở anh?
Sợ mẹ ở nhà lo, hai anh em chạy về như bầy gà kiếm ăn xa nghe tiếng gõ mõ. Huỵch... Úi da, đau quá! “Sao thế út, út có làm sao không, đứng lên anh xem nào?”.
Tôi khóc hu hu, anh càng rối hơn, vội vã thế nào mà vấp cả lỗ chân trâu to đùng, chân đau không cử động được. Anh lắc nhẹ mắt cá, tôi khóc ré, anh luýnh quýnh dỗ dành, đỡ tôi đứng dậy, nhưng tôi càng khóc, mắt cá càng sưng, càng đau. Thế là anh cõng tôi và cả giỏ cá đi về dưới hoàng hôn tím ngát. Cái cảm giác là lạ mà gần như da thịt. Tôi nghe anh thì thào “Đừng khóc nữa út, vài bữa lại hết thôi mà, út mà khóc nữa mẹ la luôn cả anh thì chết!”. Cho chết! Không lo cho em mà sợ bị la hở? Thế mà nỗi sợ lại dào dạt lòng tôi khi anh cõng về tới cổng. “Thể nào mẹ cũng hành hình hai đứa mình, anh ơi!”. Anh càng ngập ngừng không dám bước vào. Mẹ tôi hẵng giọng: “Dẫn con gái nhà tui đi đâu từ trưa tới giờ mới trả lại, cậu ba, cho cậu luôn đó, dẫn nó đi bắt cá luôn đi!”. Mẹ bảo đi bắt cá tiếp kìa anh! “Là xử tử tại trận đó, út ơi!”. Anh lẳng lặng cõng tôi vào sân. Mẹ tôi bấy giờ mới thấy hai con mắt đỏ hoe với cái chân không cử động được của tôi, bà hốt hoảng xoa dầu và không quên mắng anh luôn miệng. Anh ngồi bên nắm tay tôi lắc lắc, cúi mặt, thương anh quá! “Con có đau đâu mà mẹ la ảnh miết rứa!”. Mẹ lườm lườm rồi bế tôi vào nhà. Anh lủi thủi đi về, còn cá tràu nướng trui sao hở anh?
Mấy ngày liền tôi bị cột chân bên giường, nhớ đủ thứ, nhưng nhớ anh là nhiều nhất! Mẹ mới nói có mấy câu mà anh không dám qua nhà thăm em luôn, chỉ đứng bên kia giàn thiên lí hỏi chân em đỡ đau chưa, rồi cho em viên kẹo, còn bảo anh bỏ mấy con cá tràu vào trong chum đợi khi nào em khỏi sẽ nướng trui cho em ăn. Thế mà cả lũ cá chết queo, anh nói buồn thiu! Em nghe cũng buồn thiu!...
Những thoáng kỉ niệm có anh theo thời gian dần như sương như khói, tôi không quên, nhưng cố nhớ mới thấy hiện hữu, thật gần! Anh hơn tôi đến sáu tuổi lận, thế mà tuổi thơ ấy như giữa những người bạn. Bé nhỏ và hồn nhiên, đầy ám gợi đủ để tôi mải miết nhớ!
Hè này về quê, lại nghe ú ớ đâu đó tiếng anh gọi đầu giàn thiên lý, bất chợt, chỉ là tạp niệm trở mình thôi! Không biết một sinh viên năm cuối trường Y giỏi giang thế kia có còn nhớ em không, đã là nữ sinh mười một rồi chớ chả chơi!
Hè này anh cũng về quê, nhưng nghe bảo, anh dẫn người yêu về luôn. Mới hè trước về còn khen em càng lớn càng xinh rồi dẫn em đi ăn kem nữa mà? Nhưng anh có người yêu thì đâu liên quan đến chuyện dẫn em gái đi ăn kem? Tiếng em gái nghe chua chát quá!
Sáng nay anh về, một mình. Lòng tôi vui như mở hội, nhưng chắc chi anh chưa có người yêu. Mà sao trông mãi anh vẫn không sang chơi. Vì bà con nhà anh đến đông quá hay quên em mất rồi, hay muốn để em đợi cho vui vậy thôi mà tới chiều mới nhắn tin kêu em đi dạo. Em có còn là con bé tám tuổi đâu mà nghe anh kêu là lót tót chạy theo. Làm bộ không đi cho anh nài nỉ nhưng em đã chờ cả ngày rồi, anh biết không? Thế mà lòng vẫn chập chờn âu lo, biết đâu về chuyến này anh lại cho em nghe những tin em không mong đợi.
Buổi chiều mùa hạ kéo tôi về với thuở nhỏ cùng anh thả diều rồi rượt nhau đến đừ người trên cánh đồng quê. Gió của chiều quê mơn man đến từng lọn tóc, đồng quê sau vụ gặp mênh mông, xa vắng. Anh lại rủ tôi dạo bộ trên con đê của tuổi thơ, của bao nỗi nhớ thương dịu dàng. Nhưng cái cảm giác không như mùa hè năm ngoái đi chơi cùng anh và lũ bạn trong xóm nữa.
- Sinh viên trường Y có khác nhỉ, sau này làm lớn có nhớ em nữa không?
- Chứ ai muốn anh học Y để chữa cho cái chân đau mỗi khi trở trời của em nhỉ?
Tôi quay đi, mắt ngân ngấn nước, thế vẫn còn nhớ à?
- Nghe bảo anh dẫn người yêu về cơ đấy!
- Không, anh muốn dẫn người yêu đi dạo hơn, như thế này này...
Anh nắm tay tôi kéo đi trên con đê xanh mượt cỏ, không nói gì, nhẹ nhàng tưởng như thời gian ngưng đọng trong một khoảnh khắc. Không gian mờ nhòa, tai tôi ù lên, chỉ thấy bước chân mình bên anh không mỏi mệt. Cũng bàn tay đó kéo tôi đi nhưng không còn là trưa hè nắng cháy mà là dưới hoàng hôn nhẹ nhàng tím đỏ.
- Ai bảo anh thế? - Tôi phồng má.
- Vậy ai nhắn tin lên bảo nhớ anh nhiều lắm hở?... Bao giờ em mới lớn lên chút nữa đây hả?
- Nếu anh chờ, em sẽ lớn cho anh xem! - Tôi nói rồi mới nghĩ, thấy mình ngu ngơ quá chừng!
Anh cười “Hứa nhé!”.
Tôi vờ nhìn sắc chiều cuối góc trời, nhưng chỉ thấy chập chờn hình bóng của anh!
Tối đó, tôi lộn qua lộn lại trên giường rồi cười vu vơ chả hiểu mình nữa, tới tận tờ mờ sáng mới chợp mắt.
Mười bảy tuổi đầu, tôi mải miết nhớ thương một người, có biết đâu họ cũng đang chờ đợi tôi, không mỏi mệt. Anh được nghỉ một tuần, đi xe mất bốn ngày, thế là chỉ ở nhà được vỏn vẹn ba ngày. Gia đình, rồi bạn bè, chỉ còn lại những đêm hè đi dạo cùng tôi, nhưng đủ để tôi xác tín, anh là của riêng tôi!
Anh dọn đồ vào lại Sài Gòn, tôi nghe nhói buốt lòng mình!
Tối này, con tàu vào Nam chở anh đi đã lăn bánh. Điện thoại rung lên, tin nhắn của anh “Ngủ đi, không được nhớ anh nhé út!”. Sao lại út? Ai bảo anh thế? Tôi nghe vẳng tiếng anh “Vậy ai nhắn tin lên bảo nhớ anh nhiều lắm hở?”. Tôi phì cười mà nước mắt ngào ngạt.
N.B.C
(Tạp chí Đất Quảng số 135, tháng 6/2015)